Bỏ nhà vào rừng (Kỳ 2)

Bài cuối: Nghèo đói tái diễn

ThienNhien.Net – Rời thôn tái định cư Giang Đông, nơi những ngôi nhà và công trình tiêu tốn bạc tỷ bị bỏ lại, chúng tôi tìm vào miệt rừng phòng hộ đầu nguồn. Từ trung tâm xã phải vượt hơn 10 km trên con đường đất bị xé toạc bởi mưa rừng và xe đầu kéo. Bà con trở lại nơi cũ vẫn lấy cái tên Giang Đông làm tên cho làng. Họ vừa bầu trưởng thôn mới, anh Giàng A Nù năm nay mới 28 tuổi mà đã 3 mặt con. Cám cảnh hơn cho vị trưởng thôn trẻ, trong 3 đứa con thì 2 đứa sau bị tật nguyền nặng, thân thể và trí não phát triển không bình thường. Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, anh bảo: “Lúc mới vào thì có 87 hộ dân, nay đã lên 147 hộ với 807 nhân khẩu mà có đến 136 hộ nghèo và nghèo đói đặc biệt. Bà con sinh sống chủ yếu nhờ vào mấy thửa đất khai hoang từ rừng phòng hộ đầu nguồn. Gieo trồng chủ yếu là cây ngắn ngày như ngô, đậu… thời gian rảnh thì đi làm thuê cho một số chủ trồng mía”.

Trưởng thôn Giàng A Nù bên đứa con tật nguyền. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Trưởng thôn Giàng A Nù bên đứa con tật nguyền. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Bà con chấp nhận sống trong cảnh tối tăm, rời bỏ khu tái định cư chỉ vì không có đất sản xuất. Quay về nơi cũ, ngoài mì, ngô… họ còn canh tác được một ít lúa nước ở vùng trũng phía cuối thôn. Không có điện, người dân phải dùng tấm năng lượng mặt trời để thắp sáng vào mỗi tối. Ông Thào A Vàng (1966) đang cùng vợ và con trai phơi phóng vài bao tải lúa mới gặt, bảo: “Ở đây không có điện như khu tái định cư, nhưng chí ít cũng có cái ăn. Có điện mà không có gì ăn thì làm sao sống được, thà chấp nhận cuộc sống tối tăm chứ sáng sủa mà đói kém thì đành bỏ”.

Gia đình ông Vàng chuyển lên khu tái định cư gần trung tâm xã Ea Dăh từ năm 2005 theo kế hoạch, đến năm 2008 thì quay về nơi cũ. Vì một nhẽ đến củi đun nấu cũng phải lần mò về thôn cũ để mang lên khu tái định cư thì nói gì đến thóc gạo. Trưởng thôn Nù cho biết thêm, 30 cháu trong độ tuổi đi học không được đến trường vì phải ở nhà giúp cha mẹ làm nương rẫy. Sinh đẻ nhiều cũng là vấn nạn dẫn đến nghèo đói, chỉ tính sơ sơ nhà nào cũng có đến tám chín đứa con, ít cũng 3 đứa. Với trình độ học vấn và dân trí hạn chế, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra, các em gái đang học lớp 6, 7 thì nghỉ học giữa chừng để về nhà lấy chồng.

Không chỉ nảy sinh các vấn đề về xã hội, an ninh trật tự cũng là một điều quan ngại ở miệt rừng âm u này. Theo nhận định của ông Lê Văn Hiển, Trưởng CAX Ea Dăh thì thôn Giang Đông là điểm nóng nhất trên địa bàn về buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma túy, phá rừng phòng hộ đầu nguồn và sử dụng súng tự chế.

Đời sống của bà con khi trở về nơi ở cũ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Đời sống của bà con khi trở về nơi ở cũ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Theo số liệu của CAX Ea Dăh thì trong 4-5 năm nay đã thu giữ và vận động giao nộp gần 50 súng tự chế của đồng bào. Đối tượng sử dụng, buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng. Mới đây nhất ngày 27-5, phiên tòa lưu động xét xử đối tượng Sùng Thị Ca (1975, trú thôn Giang Đông) 8 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy” gây bàng hoàng trong dư luận. Trước đó Sùng A Tê (1976, trú thôn Giang Đông) cũng bị kết án 8 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Ông Hiển nói thêm, việc bà con bỏ khu tái định cư, quay vào rừng sinh sống khiến việc quản lý về an ninh trật tự trên địa bàn ngày một khó khăn hơn. Các đối tượng lợi dụng việc ở xa trung tâm, cách ly với bên ngoài để buôn bán ma túy hay phá rừng…

Từ bỏ cuộc sống gần trung tâm, quay vào rừng để rồi viết tiếp câu chuyện nghèo đói và tệ nạn xã hội ngày một dày hơn, đó là thực trạng của làng Giang Đông, rất cần được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết.