Tồn tại nhiều bất cập trong bảo vệ môi trường tại thủ đô Hà Nội

ThienNhien.Net – Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng do khối lượng công việc lớn, lực lượng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý tại nhiều đơn vị còn yếu, nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế nên nhiều chương trình nhiệm vụ đặt ra chưa đạt kết quả cao.

Những bãi rác thải trong khu dân cư thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)
Những bãi rác thải trong khu dân cư thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Từ thực tế quản lý, triển khai thực hiện cho thấy Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đáng chú ý là thiếu tư duy quy hoạch môi trường, quản lý môi trường đô thị còn chưa đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chưa cao, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.

Thiếu tư duy quy hoạch môi trường

Việc bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng và người dân Hà Nội. Chính quyền thành phố đã đầu tư lớn cho công tác này.

Các khu công nghiệp, bệnh viện, hầu hết các khu đô thị và khách sạn lớn đã đầu tư xây dựng các trạm xử lý môi trường. Hai trạm xử lý nước thải đô thị đầu tiên của thành phố đã được xây dựng ở khu Kim Liên, hồ Trúc Bạch và nhiều dự án xử lý nước thải đô thị chung đã đưa vào kế hoạch xây dựng.

Song, đề cập đến những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường Hà Nội hiện nay, phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Đức Hải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hà Nội vẫn thiếu tư duy quy hoạch môi trường.

Cụ thể, Hà Nội chưa có tư duy đầy đủ về quy hoạch môi trường trong các dự án phát triển; chỉ tiêu môi trường và hạ tầng môi trường thấp, nhất là diện tích cây xanh, đất dành cho giao thông, đất không gian trống; chưa có giải pháp phòng ngừa tai biến thiên nhiên như động đất, lún đất. Trong khi đó, quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, mật độ xây dựng quá cao.

Ông Hải dẫn chứng thành phố Hà Nội đã xây dựng các quy hoạch môi trường chuyên ngành như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom rác thải, các bãi chôn lấp rác. Tuy nhiên phần lớn các quy hoạch trên được xây dựng khi chưa có quy hoạch chức năng môi trường, có thể dẫn đến hiệu quả kém, thậm chí xung đột với nhau.

Việc không tách biệt hệ thống thoát nước thải khỏi hệ thống thoát nước mưa của thành phố đang làm cho các dự án xử lý nước thải đô thị kém khả thi, vì đáng lý ra chỉ phải xử lý một lượng nhỏ nước thải thì cần phải xử lý toàn bộ nước thải và nước mưa của các sông và kênh thoát nước. Hay như việc thiếu nghiên cứu về trục thoát nước chính cho Hà Nội, ví dụ trục thoát nước sông Đáy thay cho sông Nhuệ hiện nay đang làm cho việc cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội vào mùa mưa không phát huy tối đa hiệu quả…

Theo nhiều chuyên gia môi trường, một trong những bất cập nữa tồn tại nhiều năm qua tại Hà Nội đó là ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chưa cao, trong khi lực lượng cán bộ khoa học môi trường lớn của các trường đại học và viện nghiên cứu chưa được khuyến khích tốt để tham gia hoạt động bảo vệ môi trường Thủ đô.

Gia tăng ô nhiễm

Cũng từ thực tế triển khai công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội cho thấy mặc dù là đô thị điển hình cho cả nước, có Luật Thủ đô riêng nhưng do chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý các vi phạm môi trường đầy đủ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đáng báo động là vấn đề ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, các khu vực làng nghề và khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, các sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn.

Qua nghiên cứu của các đơn vị chức năng, các lưu vực nước mặt của Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các sông thoát nước chính trong nội thành (sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu), các kênh thoát nước nội đô và một số hồ đô thị (hồ Ba Mẫu, hồ Giảng Võ, hồ Yên Sở) có mức độ ô nhiễm hợp chất N, P và chất hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Các lưu vực nước mặt khác như sông Nhuệ, sông Đáy và các hồ đô thị cũng đang trong tình trạng ô nhiễm vào mùa khô cạn. Tương tự, nước ngầm ở nhiều khu vực nội đô và ngoại thành Hà Nội cũng bị ô nhiễm bởi các thành phần NO3, PO4-3, các kim loại nặng As, Fe và đang có xu hướng gia tăng do sự lan truyền các chất ô nhiễm tự nhiên từ nguồn nước mặt ô nhiễm và việc quản lý khai thác nước ngầm còn bất cập.

Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của các làng nghề. Với 1.350 làng nghề và làng có nghề trên địa bàn thành phố thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là do ý thức người dân. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý, có lúc, có nơi còn thiếu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn; thiết bị, công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu, mặt bằng chật hẹp…

Cần những giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật về môi trường cho các tổ chức và công dân; tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải, khí bụi; phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình xây dựng công trình và vận hành, khai thác.

Thành phố Hà Nội cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các cơ sởt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Theo kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn, từ nay đến năm 2030, thành phố cần 1.350 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 80 làng nghề trọng điểm.

Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, thành phố rất khuyến khích xã hội hóa bảo vệ môi trường, phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày tại các huyện đạt trên 95%…

Tuy đã có những lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường Thủ đô nhưng quan trọng nhất vẫn là các tổ chức cũng như người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm.