Giao đất dự án cho “vàng tặc”

ThienNhien.Net – Khai thác được một thời gian, Công ty CP Thép Đông Á đã “nhượng” một diện tích đất rất lớn đã được cấp phép khai thác vàng cho “vàng tặc”.

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành công văn khẩn yêu cầu Công ty CP Thép Đông Á (Công ty Đông Á) dừng hoạt động khai thác, di dời ngay phương tiện, thiết bị ra khỏi khu vực được cấp phép khai thác vàng và thực hiện hoàn thổ theo quy định.

Rầm rộ đào vàng

Khoảng hơn 1 tháng qua, nhiều “vàng tặc” tìm đến khu vực lòng sông Pô Kô thuộc xã Đắk Nông, Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để khai thác vàng. Đây là khu đất đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép cho Công ty Đông Á khai thác. Ngay sau trụ sở UBND xã Đắk Nông, điểm khai thác vàng quy mô lớn bên bờ sông Pô Kô thuộc địa phận xã Đắk Ang đang hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Trong vai một người tìm bãi vàng để khai thác, phóng viên Báo Người Lao Động đã chứng kiến một bãi vàng quy mô lớn đang hoạt động rất rầm rộ. Trên khoảng đất rộng chừng 300 m2 có đến 3 chiếc xe múc thi nhau cày xới. Hàng chục nhân công tất bật đãi vàng.

Điểm khai thác vàng trái phép đang hoạt động ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Hoàng Thanh)
Điểm khai thác vàng trái phép đang hoạt động ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Hoàng Thanh)

Một người tự nhận là quản lý bãi vàng này cho biết cả bãi có 20 nhân công và hàng chục máy móc làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. “20 công nhân thay nhau làm theo ca. Riêng 3 máy múc mỗi ngày đêm làm việc hết công suất, khối lượng đất đá khai thác cả ngàn mét khối” – người này nói. Chỉ tay vào lán trại gần đó, người đàn ông này “hé lộ” còn cả chục người đang nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị thay ca cho những người đang làm việc.

Cùng ngày, tại khu vực làng Long Jon, xã Đắk Ang cũng có một điểm khai thác khác hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Theo một người dân địa phương, những bãi vàng này trước đây là của Công ty Đông Á, gần đây họ rút hết “quân” đi để người dân vùng khác đến khai thác.

Cho chứ không bán

Ngày 31-8-2011, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 845/GP-UBND đồng ý cho Công ty Đông Á (quận Từ Liêm, TP Hà Nội) khai thác vàng sa khoáng tại sông Pô Kô, diện tích khoảng 404 ha, thuộc địa phận huyện Đắk Glei và Ngọc Hồi, trong thời hạn 5 năm. Khai thác được một thời gian, Công ty Đông Á dừng dự án, rút máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực khai thác.

Điều đáng nói là sau khi Công ty Đông Á dời đi, nhiều phu vàng khắp nơi tìm đến đây đãi vàng. Một trong số những chủ bãi vàng tại đây nói thẳng: Để được khai thác, họ đã mua lại 1 ha đất của Công ty Đông Á với giá 400 triệu đồng. “Mình mua đứt luôn rồi nên làm bao nhiêu mình lấy bấy nhiêu. Người dân có kiện cáo thì Công ty Đông Á phải giải quyết. Nếu vì lý do nào đó mà dừng khai thác thì Công ty Đông Á phải đền bù vì khi mua đất đã làm hợp đồng cả rồi” – người này nói. Chủ bãi vàng này cho biết thêm nếu muốn mua đất khai thác vàng, ông ta sẽ giới thiệu cho gặp người của Công ty Đông Á.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Đỗ Minh Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Đông Á, cho rằng do khai thác không có lãi, đào mất đất của người dân nên công ty cho công nhân nghỉ khai thác từ lâu. Ông Khanh chỉ thừa nhận bán thiết bị khai thác cho một người tên Khoa chứ không bán đất. Một số diện tích được công ty cho người khác khai thác vàng. “Cho khai thác chứ chẳng lấy tiền của người ta đâu. Trên danh nghĩa giấy phép thì vẫn là của mình” – ông Khanh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác và đang kiểm tra cụ thể những điểm khai thác vàng trái phép và những điểm do Công ty Đông Á khai thác. Được biết, khi chính quyền địa phương thu hồi đất để giao cho công ty khai thác vàng, người dân chỉ được đền bù 30-40 triệu đồng/ha.

Làm rõ trách nhiệm

Ngoài việc yêu cầu Công ty Đông Á ngừng khai thác, khẩn trương hoàn thổ, UBND tỉnh Kon Tum còn yêu cầu UBND các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei phối hợp cùng đồn biên phòng tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND huyện Đắk Glei nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã buông lỏng quản lý địa bàn, chậm phát hiện để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép. Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Đắk Long giải trình cụ thể việc để xảy ra tình trạng khai thác vàng làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an ninh, an toàn trong khu vực.