Ứng xử với môi trường: Những vận động mới cho Công lý và Quyền môi trường

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, cùng với xu thế chung của nhân loại, các thảo luận về không gian công và chính sách công ở Việt Nam ngày càng chú trọng vào môi trường với tư cách là một trụ cột căn bản của phát triển. Ứng xử với môi trường của người dân nói chung cùng các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đòi hỏi phải đáp ứng những chuẩn mực đạo đức mới trong đó có việc tôn trọng và thúc đẩy quyền môi trường. Quá trình “xanh hóa” chính sách công ở Việt Nam đang diễn ra từng bước, tuy chưa đồng đều, nhưng đã trở thành một xu hướng kiến tạo phát triển không thể đảo ngược. Xu hướng này không chỉ được nhiều nghiên cứu chỉ ra là có lợi cho phát triển, mà còn là nghĩa vụ đạo đức, là “cái đúng và cái tốt” mà người dân và chính quyền cần phải làm. Đó chính là ý nghĩa căn bản của công lý môi trường. Đây là một trong ba mối quan tâm chủ chốt của nhân loại về môi trường và liên quan mật thiết với hai vấn đề lớn còn lại vốn xuất hiện trước đó trong các thảo luận toàn cầu là phát triển bền vững và an ninh môi trường.

Nguồn nước tại cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Nguồn nước tại cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Ở Việt Nam, quá trình “thức tỉnh về môi trường” bắt đầu cũng khá sớm. Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa kinh tế và hội nhập quốc tế, nhà nước đã nhận ra những giới hạn của tăng trưởng và ý nghĩa của bảo vệ môi trường (BVMT). Nhà nước Việt Nam đã tham gia vào các Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, đáng chú ý là từ Hội nghị Rio 1992. Từ đó, Việt Nam đã tham gia một loạt các công ước quốc tế về môi trường, ví dụ như RAMSAR, CITES hay UNFCCC. Cùng với đó, quá trình nội luật hóa các điều khoản của các công ước cũng như xây dựng khung pháp lý ngày càng cập nhật các chuẩn mực mới về BVMT trong các bộ luật và luật quan trọng như Luật BVMT, Bộ luật Hình sự, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Tuy nhiên, quá trình thức tỉnh về môi trường ở Việt Nam còn diễn ra khá chậm chạm và không đồng đều, và từ sự thay đổi nhận thức cho đến hành động, ứng xử với môi trường vẫn còn khoảng cách khá xa. Trên thực tế, việc xây dựng và thực thi chính sách công liên quan đến phát triển chưa đặt ưu tiên cho việc BVMT và quyền môi trường. Các hành vi ứng xử xấu, rất xấu, thậm chí tàn bạo với môi trường vẫn còn diễn ra phổ biến và chưa bị nghiêm trị. Các vụ việc như Vedan đầu độc sông Thị Vải, Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu và hóa chất làm ô nhiễm một vùng đất ở Thanh Hóa, các “làng ung thư” do ô nhiễm nguồn nước ở một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng cho thấy tầm nghiêm trọng của các ứng xử tàn bạo với môi trường tác động trở lại với chính người dân. Do những tác động rõ ràng và trầm trọng đó, người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền môi trường và các quyền dân sự khác của chính họ, cũng như sử dụng quyền này trong thực tế để BVMT và bảo vệ cuộc sống của chính mình, tạo nên những vận động mới cho công lý môi trường.

Công lý môi trường hiện có thể còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Đối với các luật gia, hay các cán bộ, công chức thực thi quyền lực nhà nước cũng như nhiều giới khác thì công lý môi trường được hiểu theo nghĩa của sự tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường và pháp luật liên quan, hiệu lực của pháp luật đó. Tuy nhiên, do còn nhiều lỗ hổng pháp lý và yếu kém trong khâu thực thi pháp luật, nhiều vi phạm môi trường không được xử lý, hoặc xử lý không thỏa đáng và kịp thời, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi vẫn còn đó những tranh cãi về việc liệu pháp luật có được tuân thủ hay thực thi hiệu quả hay không, quy trình pháp lý đã đúng chưa, hay đã có đủ luật quy định hay chưa, thì người dân chỉ quan tâm và viện đến những lý lẽ cao hơn cả luật thực định, đó là công lý hiểu theo nghĩa là giá trị cốt lõi của các thể chế xã hội, là chân lý của các hệ tư tưởng: đó là sự công bằng và bình đẳng. Theo nhà triết học chính trị Rawls, luật pháp và các thiết chế xã hội, dù có hoạt động hiệu quả và được sắp đặt tốt đến thế nào, cũng nhất định phải được cải cách hay bị bãi bỏ nếu chúng không công bằng.

Thông thường, một trong những vai trò cốt lõi của nhà nước là thực thi lẽ công bằng cho người dân. Trước đây, người dân vốn hoàn toàn phó thác việc thực thi công lý môi trường cho nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều diễn biến mới thay đổi ý nghĩa về việc thực thi công lý môi trường và các phong trào vận động BVMT đã thu hút sự quan tâm và tham gia trực tiếp của người dân cùng các chủ thể phi nhà nước ngày càng rõ ràng và trên quy mô lớn hơn. Những vận động này hướng tới thúc đẩy nhà nước có những hành động kiên quyết, mạnh mẽ và kịp thời hơn để thực thi công lý môi trường.

Trong nhiều trường hợp của các ứng xử xấu và tàn bạo với môi trường, do nhiều lý do, trong đó có những tranh cãi về pháp luật hoặc sự thờ ơ, thiếu kịp thời của cán bộ, công chức thực thi mà các quyền môi trường của người dân không được thực hiện, hoặc thực hiện thiếu kịp thời. Người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm sử dụng quyền của mình để bảo vệ chính mình và môi trường sống của mình. Các vụ việc gây tác hại đối với môi trường như vụ lấp sông ở Đồng Nai, bụi than ở Bình Thuận, đốn hạ cây xanh ở Hà Nội đã dẫn đến hành động phản ứng trực tiếp, tự phát của người dân.

Các phương thức để đạt được công lý môi trường trước hết phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin của người dân và các chủ thể xã hội dân sự (dân biết). Sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trước các quyết định chính sách công liên quan mật thiết đến môi trường sống của người dân chính là rào cản đầu tiên và nghiêm trọng đối với việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội tháng 3/2015 vừa qua một trong nhiều ý nghĩa khác nhau chính là một phản ứng rõ ràng của dân chúng trước những rào cản đối với quyền tiếp cận thông tin về môi trường sống của họ.

Phương thức thứ hai để đi đến công lý môi trường chính khả năng thảo luận  tranh luận dựa trên lý lẽ và bằng chứng để có thể đi đến những quyết định chính sách công có lợi cho cộng đồng, cho phát triển và cho cái tốt, cái đúng. Vấn đề trong việc ban hành chính sách công ở Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở vấn đề thông tin mà phải là vấn đề thảo luận (dân bàn). Công chúng cần được tạo điều kiện và tiếp cận với các tranh luận nhiều chiều, sự cọ sát giữa các lý lẽ khác nhau và quyết định chính sách cần dựa vào sự chiến thắng của lý lẽ với bằng chứng thuyết phục nhất.

Dòng sông Thanh (đoạn chảy qua Khu BTTN Sông Thanh, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị vàng tặc băm nát. tranh luận nhiều chiều, sự cọ sát giữa Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature
Dòng sông Thanh (đoạn chảy qua Khu BTTN Sông Thanh, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị vàng tặc băm nát. (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Phương thức thứ ba là sự tham gia trực tiếp của người dân thực hiện quyền chăm lo và BVMT của mình (dân làm). Nhà nước hiện nay cũng đã có những chính sách khuyến khích người dân, cộng đồng tham gia trực tiếp hành động để gìn giữ môi trường như trong lĩnh vực lâm nghiệp, giao đất giao rừng cho hộ dân tự quản và bảo vệ. Tuy nhiên, những chính sách này chưa được phổ biến và xây dựng một cách chặt chẽ để thực thi có hiệu lực, hiệu quả vì mục tiêu BVMT, môi sinh. Mấu chốt của vấn đề tham gia trực tiếp của người dân (dân chủ trực tiếp) là quyền sở hữu của người dân, của cộng đồng đối với những tài sản công đặc biệt như môi trường (theo nghĩa rộng bao gồm cả đất, nước, không khí, không gian, rừng, khoáng sản…). Bài toán về quyền sở hữu mặc dù đã được Hiến pháp và các luật thực định chốt câu trả lời nhưng còn đó nhiều câu hỏi thực tế khó có lời giải dứt khoát. Những bức xúc và quan ngại lớn về công lý môi trường vẫn gặp khó khăn khi giải quyết vì những trở ngại liên đến quyền sở hữu để người dân thực sự có thể thực thi dân chủ thực tiếp đối với các quyết định liên quan đến môi trường.

Phương cách thứ tư và là phương cách phổ biến, dễ thấy trong việc tiếp cận công lý môi trường là thông qua các hình thức kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử và các cơ quan nhà nước khác (dân chủ đại diện), các đoàn thể quần chúng (Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên…) và qua báo chí, truyền thông. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và các đại biểu HĐND là kênh thông tin và thảo luận chủ yếu của người dân đối với các quyết định và hoạt động kinh tế xã hội có tác động đến môi trường. Tuy nhiên, kênh kiểm tra, giám sát này cũng như kênh giám sát và phản biện xã hội của các đoàn thể quần chúng và tổ chức chính trị-xã hội trong những năm qua còn nhiều bất cập và thiếu hiệu quả, khiến niềm tin của công chúng vào hiệu lực của các thiết chế này có phần suy giảm. Báo chí chính thống vốn cũng có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng ảnh hưởng của nó cũng chưa được phát triển đúng mức. Sự trỗi dậy gần đây của truyền thông xã hội đã tạo thêm một kênh bổ sung mạnh mẽ và điền vào những khoảng trống cho báo chí chính thống, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp cận với công lý môi trường.

Nói tóm lại, sự thức tỉnh về môi trường ở Việt Nam còn cần rất nhiều hành động và chiến lược để thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử với môi trường. Mặc dù khoảng cách từ sự thức tỉnh đến giác ngộ (nhận thức đi đôi với hành động nhất quán và toàn diện) vẫn còn khá xa, vấn đề công lý môi trường đang ngày càng trở lên nhức nhối đang trở thành động lực để thúc đẩy các phong trào xã hội rộng lớn nhằm tạo ra sự thay đổi đó. Nhìn vào những bất công môi trường, những ứng xử xấu của nhiều loại chủ thể trong đó có cả một bộ phận chính quyền và doanh nghiệp có thể khiến nhiều người bi quan. Người lạc quan về khả năng cải thiện công lý môi trường sẽ cần tập trung vào những tiềm năng để khai thác các phương thức tiếp cận và thực thi công lý môi trường.

TS. Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội