Kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy: Xe không đạt yêu cầu bị cấm lưu thông

ThienNhien.Net – Có thời điểm những tưởng Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy tham gia giao thông chỉ nằm trên… giấy, rồi “nhích” để giãn lộ trình. Năm 2015 đã qua được nửa chặng đường, kế hoạch của giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm soát được 80-90% lượng khí thải xe máy tại Hà Nội và TP.HCM cũng “vỡ kế hoạch”. Đề án đã có những bước lùi khá lớn, nhưng với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng như hiện nay, kiểm soát khí thải xe máy là yêu cầu cấp thiết, nên dù không dễ dàng nhưng vẫn phải triển khai, lộ trình sẽ được thí điểm tại các TP lớn từ tháng 7-2017, cụ thể xe máy chạy từ 5 năm trở lên sẽ phải mang đi kiểm định khí thải, không đạt yêu cầu xe sẽ bị cấm lưu thông…

Năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy tham gia giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2011. Giao đoạn 2010-2013, mục tiêu đặt ra là kiểm soát được 20% xe môtô, xe gắn máy ở Hà Nội và TP.HCM – 2 thành phố lớn trên cả nước có lưu lượng xe môtô, gắn máy tham gia giao thông số lượng nhiều; xây dựng ít nhất 100 cơ sở kiểm định ở Hà Nội và 150 cơ sở ở TP.HCM; tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ, quản lý, nhân viên nghiệp vụ tại 2 thành phố này. Tiếp đến là giai đoạn 2013-2015, mục tiêu đặt ra là 80-90% xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải, mở rộng mạng lưới cơ sở để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% xe gắn máy ở các đô thị loại 1 và 2.

Tuy vậy, kể từ khi Đề án được đề ra không ít người dân, cán bộ kỹ thuật của các trung tâm bảo hành, chuyên gia giao thông… đều bày tỏ sự đồng tình với ý nghĩa của việc kiểm soát khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng rồi vẫn có những trở ngại dẫn đến một quãng lùi khá lớn. Có những thời điểm, các đơn vị chức năng như Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bắt đầu thực hiện một phần của đề án đó là kiểm soát khí thải đối với xe mới, còn xe đang lưu hành vẫn cần có lộ trình…

01062015_kiemsoatkhithaixemoto

Mặc dù đánh giá là cần thiết phải thực hiện kiểm soát khí thải xe máy song diễn biến việc triển khai đã gặp không ít khó khăn. Thực tế, việc kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy tham gia giao thông liên quan trực tiếp đến đại bộ phận người dân với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, ít nhiều ảnh hưởng đến đa số người dân có mức thu thập trung bình, thấp bởi những lý do: Thứ nhất hầu hết gia đình nào cũng sở hữu loại phương tiện này bởi đây là phương tiện cơ động – chủ lực của người dân khi tham gia giao thông.

Thứ hai là phương tiện công cộng chưa thật sự phổ biến, tính tiện lợi và diện đại chúng chưa đáp ứng được; người dân lại chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Với tốc độ gia tăng của loại phương tiện này theo cấp số nhân qua từng năm, để tiến hành đồng bộ, với số liệu hiện nay cả nước có khoảng hơn 40 triệu xe máy, để thực hiện kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn cho phương tiện này sẽ phải kéo theo rất nhiều các điểm kiểm tra khí thải với số lượng đông đảo lực lượng đăng kiểm viên…

Những vướng mắc được đặt ra

Hơn 40 triệu xe máy, trong đó có trên 50% là xe cũ không được kiểm soát khí thải là một điều đáng báo động; nhưng để kiểm soát được khối lượng xe máy khổng lồ này là việc không đơn giản. Dẫu biết đây là một đề án có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhưng kéo theo đó là không ít những băn khoăn được đặt ra, đơn cử như việc nhiều người dân cho rằng xe máy chạy 5 năm phải đi kiểm định là chưa khả thi bởi vì là phương tiện di chuyển chính được sử dụng trong gia đình nên nếu xe có “bệnh” sẽ đưa đi “khám” để bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa ngay.

Tiếp đến là với những gia đình còn khó khăn, họ đã phải đóng khoản phí bảo trì đường bộ, môi trường, giờ lại thu thêm phí kiểm định khí thải đối với xe máy sẽ phát sinh nguồn chi “phí chồng phí” cho người dân. Còn các chuyên gia thì đặt ra một phép tính để so sánh về việc quy định niên hạn, độ tuổi lẫn khấu hao của xe hoàn toàn do người sử dụng chứ không để đánh đồng như nhau thông qua thời gian sử dụng nhất định bởi cùng 1 chủng loại xe, một người ở nhà, hoặc một công chức Nhà nước đi làm giờ hành chính so với một người làm nghề “xe ôm”, hoặc nhân viên vận chuyển hàng bằng xe máy – liên tục sử dụng phương tiện trên đường sẽ có tần suất sử dụng xe khác nhau.

Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa xe máy thì có những lập luận rằng xe máy nhập khẩu, xe có xuất xứ Trung Quốc mà chúng ta có thói quen gọi là “xe Tàu” cũng khác nhau về tiêu chuẩn khí thải, bởi xe có nguồn gốc từ các nước sản xuất uy tín sau 5 năm sử dụng không phải sửa chữa gì nhiều, lượng khí thải trong diện đạt chuẩn, còn “xe Tàu” chạy cùng thời gian khi đến bảo dưỡng đa phần không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Vấn đề quan trọng nữa là chế tài với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải ra sao, nhất là với những xe quá cũ, giá trị không còn lớn và cũng là xe thải ra nhiều khí thải độc hại.

Làm sao để người sử dụng phải đi sửa chữa, thay thế phụ tùng? Về phía cơ quan kiểm định, nếu giao cho các trung tâm đăng kiểm thêm nhiệm vụ kiểm tra khí thải xe máy liệu có quá tải?… Chính vì những câu hỏi được đặt ra đều có cơ sở nên quy định kiểm định khí thải với xe máy cần phải xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ khác nhau.

Lùi sự cấp bách đến năm 2017

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng gần 40 triệu chiếc xe máy, trong đó 60% là tập trung ở các khu đô thị lớn. Trong đó, rất nhiều phương tiện đã cũ kỹ nhưng chủ phương tiện vẫn sử dụng gây ô nhiễm môi trường bởi lượng khí thải có các chất độc hại như PM10, CO, HC, Nox… đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

01062015_kiemsoatkhithaixemoto2

Đặc biệt, người dân không có thói quen bảo trì, bảo dưỡng xe máy theo định kỳ càng khiến tình trạng ô nhiễm thêm nặng nề. Chính vì tính cấp cấp bách của việc kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông – Vận tải xin Chính phủ giãn lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe máy. Dự thảo Nghị định kiểm soát khí thải xe gắn máy đã được Cục trình Bộ Giao thông – Vận tải nêu rõ, xe máy sử dụng chưa đến 3 năm sẽ không nằm trong diện phải kiểm định khí thải hàng năm.

Bộ Giao thông – Vận tải đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành và các tỉnh, thành về lộ trình kiểm tra khí thải đối với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chu kỳ kiểm định là 1 năm/lần. Thời gian áp dụng từ 1-7-2017 đối với  TP Đà Nẵng. Tại 4 TP còn lại sẽ theo lộ trình từ 1-7-2018, kiểm soát đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2019, kiểm soát đối với các xe còn lại.

Xe máy sau khi kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem kiểm định, khi đó xe mới đủ điều kiện tham gia giao thông. Xe không đạt yêu cầu phải bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng để kiểm tra lại không sẽ bị cấm lưu thông. Bộ Giao thông – Vận tải cũng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung quy định xử phạt vi phạm đối với xe máy tham gia lưu thông mà không có tem kiểm định khí thải. Trước mắt, theo dự thảo, sẽ dựa vào khoảng 500 đại lý ủy quyền tại 5 TP lớn của 5 hãng xe máy ở Việt Nam để tham gia kiểm định khí thải xe máy. Các đại lý này sẽ được Cục Đăng kiểm hỗ trợ tập huấn, chuyển giao phần mềm kỹ thuật và cung cấp  tem chứng nhận.

Hiện nay ở Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore… cũng thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy, chi phí kiểm định được quy đổi cũng dao động từ 100.000-200.000 đồng, nhiều nước trên thế giới đã triển khai kiểm tra khí thải với xe máy chạy trên 5 năm, với mỗi năm khoảng 7.000-10.000km. Nếu vẫn đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được dán tem kiểm định, mỗi chiếc tem giá 100.000-150.000 đồng, cho 2 năm. Số tiền này là không quá tốn kém, chỉ những xe không đạt mới phải thay thế phụ tùng, sửa chữa, bảo dưỡng.

Thực tế việc triển khai kiểm tra khí thải xe máy ở Việt Nam tiến hành thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi là chậm, chưa kể đến cả quãng lùi. Dù còn nhiều vướng mắc, nhưng từ nay đến thời điểm thực hiện các cơ quan quản lý sẽ lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện các quy định, bởi với một đề án mang tính xã hội cao rất cần được thực hiện nghiêm túc và đúng lộ trình để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề như hiện nay. Người dân cũng cần ý thức được rằng việc kiểm soát khí thải xe máy là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường, sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.