Gia Lai: Các khu tái định cư chưa đủ các điều kiện để tiếp nhận dân

ThienNhien.Net – Công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nát có một nhà máy đặt tại địa bàn huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) với công suất 13MW. Đến nay, công trình đã có nhiều hạng mục quan trọng được thi công đã cơ bản hoàn thành và theo kế hoạch trong tháng 8/2009 tới sẽ chặn dòng để tích nước. Theo đó, sẽ có 350 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thuộc 2 xã Đăk Sơ Mar và Lơ Ku phải di dời đến nơi ở mới, tạo điều kiện cho công trình thi công nhanh đảm bảo tiến độ nhưng các khu tái định cư này chưa đủ điều kiện để tiếp nhận dân.

Điểm đến của số hộ dân này là 5 khu tái định cư được quy hoạch ở trên vùng đất cao và an toàn do Ban Quản lý thuỷ điện 7 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, có nhiệm vụ xây dựng hoàn chỉnh rồi mới đưa dân đến. Theo kế hoạch, mỗi hộ tại các khu tái định cư đều có một căn nhà 40m2 (4 khẩu) và 54m2 (5 khẩu trở lên) bằng tường xây, lợp tol và cửa sắt có giá trị từ 80 – 100 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, đất sản xuất được quy hoạch liền canh, liền cư và san ủi bằng phẳng cấp cho mỗi hộ từ 1 – 1,5ha để phát triển sản xuất; cơ sở hạ tầng (điện – đường – trường – trạm”) cũng được đầu tư xây dựng đầy đủ đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con sau khi tái định cư.

Phương án đền bù cho dân cũng đã được xác lập chi trả và có lợi cho những hộ thuộc diện di dời nên đã được đông đảo bà con đồng thuận. Nhà cửa, Nhà nước xây cho với phương châm “nhà đổi nhà” bà con không phải bù thêm tiền, dù rằng nhà ở cũ nhỏ hay lớn, dột nát hay xiêu vẹo đều không tính đến giá trị; còn đất sản xuất và hoa màu đều được đền bù một cách thoả đáng. Tuy chưa nhận được tiền đền bù, nhưng ai nấy cũng đều tự nguyện sớm di dời về nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Ông Đinh Cúp – già làng KLúi nói, làng mình có hơn 50 hộ sinh sống ở đây qua nhiều đời nhưng vẫn còn khổ cực lắm, bởi điều kiện sống ở đây rất thiếu thốn, có những hộ vẫn còn tranh tre nứa lá. Nay được về nơi ở mới thì dân làng rất vui mừng, không những có nhà ở khang trang và chắc chắn, có đất sản xuất mà con cái còn được học hành và có điều kiện chăm lo chữa bệnh cho cộng đồng…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các khu tái định cư tại 2 xã Đăk Sơ Mar và Lơ Ku đều triển khai xây dựng còn rất chậm, chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để tiếp nhận 350 hộ dân đến sinh sống. Trong khi đó, thời gian còn lại để cho công việc chặn dòng của công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nát thực hiện theo đúng kế hoạch là rất ngắn, chừng non 3 tháng nữa thôi. Theo chân ông Trần Ngọc Thạch – Chủ tịch UBND xã Đăk Sơ Mar đến “mục sở thị” tại 3 khu tái định cư cho 4 thôn – làng của xã (hơn 200 hộ dân) mới thấy một thực tế là chưa đâu vào đâu, công việc tại đây còn quá bề bộn và ngổn ngang. Nhà ở cho dân cũng xây dựng được khá nhiều nhưng chưa có cái nào được hoàn chỉnh, có nhà chỉ xây được bốn bứt tường rồi để đó, có nhà đã lợp tol nhưng chưa tô trét…trong khi đó thợ xây chẳng có mấy người. Điện thắp sáng đã dựng lên được một số trụ nhưng chưa kéo dây về, còn nước sinh hoạt thì chưa có một động tỉnh gì. Những người thợ xây dựng tại các khu tái định cư ở đây cho biết: Lâu nay anh em thi công và sinh hoạt đều phải vận chuyển nước từ trung tâm xã ngược lên để dùng, vì vùng này chưa có nước. Giếng đào thì không được, chỉ có khoan sâu may ra mới gặp mạch nước ngầm, còn làm được hệ thống tự chảy bắt nước từ trên ngọn núi cao đưa về chưa có.

Vấn đề quan trọng hơn là quỹ đất sản xuất cấp cho bà con vẫn còn nằm trên giấy tờ, vị trí đã được định vị nhưng chủ đầu tư chưa có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành việc khai hoang phục hoá để giao đất sản xuất cho bà con theo kế hoạch. Theo ông Trần Ngọc Thạch, khối lượng công việc hiện nay ở các khu tái định cư chỉ đạt được khoảng 40%, thời gian còn lại để hoàn thành mọi công việc trong các khu tái định cư là không thể, nếu như kiên quyết vận động bà con di dời trước thời điểm chặn dòng thì chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”, đời sống sẽ gặp vô cùng khó khăn…

Quan điểm của lãnh đạo huyện K’bang là rất rõ ràng, nơi ở mới cho bà con bao giờ cũng phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ thì mới đưa dân đi. Thực tế ở 5 khu tái định cư trên địa bàn là chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết cho cuộc sống, chưa nên vội để rồi gây mất niềm tin đối với dân.