“Khoảng trống” tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt

ThienNhien.Net – Xung quanh vấn đề chất lượng nước sạch sinh hoạt, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi cùng ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế).

Ông Doãn Ngọc Hải. (Ảnh: Báo Hải Quan)
Ông Doãn Ngọc Hải. (Ảnh: Báo Hải Quan)

Thưa ông, hiện việc thanh tra, kiểm tra chất lượng nguồn nước hiện nay được thực hiện như thế nào?

Thấy được tầm quan trọng chất lượng nguồn nước, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT. Trong đó, quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT đưa ra 109 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu đều đưa ra các mức độ đánh giá cụ thể. Từ các tiêu chuẩn đó, các cơ quan chức năng có thể đánh giá, kiểm tra chất lượng nguồn nước và tiêu chuẩn xây dựng nhà máy, trạm cấp nước. Đồng thời, cũng là cơ sở để người tiêu dùng tự kiểm tra đánh giá chất chất lượng nước đang sử dụng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế cho thấy, có một số trạm cấp nước nhỏ lẻ được xây dựng ở các khu đô thị mới, khu chung cư chưa được đảm bảo. Nguyên nhân, hiện chưa có các quy định chung cho những trạm cấp nước nhỏ lẻ tại các khu đô thị. Bên cạnh đó, những trạm cấp nước nhỏ lẻ có công nghệ xử lý chưa đạt yêu cầu nên chất lượng nước không đảm bảo. Như một số trạm cấp nước nhỏ ở khu đô thị Mỹ Đình II, Nam Đô , trạm cấp nước ngoại thành TP. HCM và các tỉnh có một số chỉ tiêu chưa đạt như Clo dư, pH, độ đục, mangan, sắt, pecmanganat, asen, E. Coli, coliform.

Ngoài ra, hiện các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ xét nghiệm được từ 12 đến 20 chỉ tiêu (chủ yếu là nhóm A).  Mỗi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ có từ 2 đến 3 cán bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, lấy mẫu các nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh, thành phố. Trong khi đó, các Sở Y tế chưa có thanh tra chuyên trách về chất lượng nước sinh hoạt. Một số Trung tâm Y tế dự phòng chỉ xét nghiệm được chỉ tiêu giám sát nhóm B và chưa làm được hầu hết các chỉ tiêu nhóm C. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng chưa có khả năng xét nghiệm được hết các chỉ tiêu (trừ Viện Sức khỏe nhà nước và Môi trường, Viện Y tế cộng đồng TP. HCM). Do đó, việc thanh tra, kiểm tra chất lượng nguồn nước cũng đang gặp khó khăn.

Theo ông nguyên nhân nào khiến cho các trạm cấp nước nhỏ lẻ lại cung cấp nước không đảm bảo yêu cầu?

Mặc dù, Bộ Y tế đã có Thông tư 15/2006/TT-BYT quy định việc kiểm tra vệ sinh nguồn nước đối với các mô hình sản xuất, cung cấp và sử dụng nước khác nhau nhưng chỉ có thể bao phủ trong một phạm vi hẹp quanh nguồn nước đầu vào (tối đa 350m đối với nguồn nước ngầm, 200m đối với nguồn nước sông và 300m đối với hồ chứa nước). Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể đối với trạm cấp nước nhỏ lẻ trong các khu đô thị mới.

Trong khi đó, hiện các trạm cấp nước nhỏ lẻ công nghệ còn lạc hậu chưa thể xử lý được hết các vấn đề về nước. Do đó các Bộ như: Y tế, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường cần có quy định cụ thể đối với trạm cấp nước nhỏ lẻ. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các trạm cấp nước này để có thể đầu tư được công nghệ cao xử lý nguồn nước. Từ đó, đảm bảo việc cung cấp nước sạch đến với người dân.

Hiện giữa các Bộ: Y tế, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường chưa có quy định thống nhất trong việc quản lý nguồn nước. Việc này đang dẫn đến gặp khó khăn trong quản lý nguồn nước, cũng như chất lượng nước.. Theo ông trong thời gian tới, cần phải làm gì để quản lý nguồn nước sinh hoạt này?

Nước khi cung cấp ra thị trường cũng là một sản phẩm hàng hóa, phải đảm bảo chất lượng. Khi nước có vấn đề, người dân phải yêu cầu nhà máy cấp nước chứng minh nguồn nước đang sử dụng có đảm bảo an toàn. Hiện nay, gói kẹo ra thị trường có thể xử phạt được, nhưng nhà máy cung cấp nước ra thị trường không đảm bảo cũng không bị xử phạt được.

Việc quản lý nguồn nước liên quan đến ba Bộ, cụ thể: Xây dựng, Tài nguyên môi trường và Y tế. Tức là khi nguồn nước được đưa vào sử dụng phải qua khâu kiểm tra của Bộ Y tế. Bộ Xây dựng thực hiện xây hạ tầng cấp nước, mà hạ tầng không đảm bảo chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng. Bộ Tài nguyên – Môi trường liên quan đến quản lý nguồn nước, nguồn nước bị ô nhiễm việc xử lý sẽ tốn kém. Theo tôi cần có một Luật chung về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước, được thống nhất và áp dụng chung để có thể kiểm soát ô nhiễm nước và bảo vệ nguồn nước bền vững.

Đồng thời, xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa các Bộ Y tế – Xây dựng -Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phối hợp kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại các khu vực đô thị, khu chung cư, nông thôn.

Xin cảm ơn ông!