Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sáng nay, 26.10, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, cần quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi các dòng sông. Đặc biệt, xem xét quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này.
Theo ĐBQH Cầm Thị Mẫn, dự thảo luật lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề về kết cấu và nội dung cụ thể của từng điều luật, giúp làm rõ được phạm vi điều chỉnh của luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới từ thực tiễn quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Đặc biệt, việc bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước và đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt là chủ trương đúng đắn. Bởi, hiện nay, nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông “chết”.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn thống nhất với tên Chương III được sửa đổi, bổ sung thành Chương “Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước”. Trong đó, bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và đặc biệt có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Trước tiên, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông, nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông; đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn,…để tiếp nước, khơi thông dòng chảy tạo cho các sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
Vấn đề khó khăn trong phục hồi nguồn nước đó là đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách nhà nước không có khả năng bố trí đủ cho hoạt động này. Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn thống nhất với quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 34 của Dự thảo Luật, theo đó, quy định “đ) Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân; e) Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động này. Đặc biệt, xem xét quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông. Bài toán đặt ra là khi một doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để phục hồi một đoạn sông bị ô nhiễm cạn kiệt thì họ sẽ được nhà nước ưu đãi gì và được hưởng lợi gì từ dự án đầu tư này.
Trong bối cảnh nhiều dòng sông đang bị cạn kiệt, ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường và đang là vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay, ĐBQH Cầm Thị Mẫn kiến nghị Chính phủ trước mắt phải khẩn trương có giải pháp đầu tư nguồn lực để cải thiện, phục hồi các dòng sông cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là hệ thống các sông thuộc hạ lưu lưu vực sông Hồng như: Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê, Nhuệ-Đáy… và hạ lưu các dòng sông ở các địa phương đã, đang xây dựng các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất…
Đối với quy định về thuế, phí tài nguyên nước, tại khoản 2, Điều 68 nêu rõ: “Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế – xã hội trong khu vực”. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định như thế nào là mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, cũng không giao quy định chi tiết nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung vào điều luật về giải thích từ ngữ để làm rõ quy định về “mức độ căng thẳng của tài nguyên nước” bảo đảm tính khả thi.