Vụ “Ăn nhậu động vật hoang dã ven rừng Cúc Phương”, kiểm lâm vào cuộc… nửa vời

ThienNhien.Net – Ngay sau khi phóng viên Báo Lao Động & Đời sống cung cấp thông tin về tình trạng buôn bán, ăn nhậu thịt động vật hoang dã tại các nhà hàng ven rừng quốc gia Cúc Phương, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc qia Cúc Phương đã thành lập một đoàn kiểm tra về tình trạng kể trên, song đưa ra kết luận bước đầu là… “không có thịt thú rừng”!?

Bản cam kết không tàng trữ, sử dụng, giết mổ động vật rừng làm món ăn đặc sản. Biên bản kiểm tra nhà hàng kinh doanh ăn uống của bà Bùi Thị Khoa tại thôn Thống Nhất, Thạch Lâm, Thạch Thành. Biên bản kiểm tra nhà hàng kinh doanh ăn uống Hương Rừng (Ảnh: Báo Lao động)
Bản cam kết không tàng trữ, sử dụng, giết mổ động vật rừng làm món ăn đặc sản. Biên bản kiểm tra nhà hàng kinh doanh ăn uống của bà Bùi Thị Khoa tại thôn Thống Nhất, Thạch Lâm, Thạch Thành. Biên bản kiểm tra nhà hàng kinh doanh ăn uống Hương Rừng (Ảnh: Báo Lao động)

Chỉ kiểm lâm mới chối

Báo Lao Động & Đời sống số 1/2015 ra ngày 1.1.2015 có đăng bài viết “Mua bán, ăn nhậu động vật hoang dã công khai ngay ven rừng quốc gia Cúc Phương” nêu rõ việc mua bán động vật rừng hoang dã trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua rừng cấm quốc gia Cúc Phương.

Trước đó không lâu, sau khi thu thập thông tin đầy đủ về việc mua bán, ăn nhậu thịt động vật rừng như sóc, cầy vòi, cầy hương… tại nhà hàng Q.Đ (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) và quán điểm hẹn Cúc Phương (tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), chúng tôi đã đến trao đổi với ông Tạ Đức Biên – Phó Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương. Dù trước toàn bộ video do phóng viên kỳ công có được, đầy đủ chứng cứ, ông Biên vẫn một mực khẳng định: “Chưa thể khẳng định được đó là thịt động vật rừng, khi nào chúng tôi nhìn thấy các anh cầm trên tay thì mới tin được”. Theo ông Biên, chúng tôi cần phải quay trở lại các nhà hàng nói trên, mua thịt thú rừng của họ. Khi có trong tay số thịt động vật rừng Cúc Phương, chúng tôi gọi cho ông Biên đến để lập biên bản, lúc đó, kiểm lâm mới chính thức xác thực sự việc.

Chúng tôi cho rằng, kế hoạch của ông hạt phó đưa ra không hợp lý và không thể hợp tác bởi nhiều lý do. Sau khi bài báo đã được đăng tải, việc chúng tôi quay lại 2 nhà hàng nói trên sẽ gặp rất nhiều phiền phức. Báo chí có vai trò thực hiện nhiệm vụ thông tin, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra xử lý sự việc. Sau khi phát hiện các nhà hàng buôn bán thịt rừng, chúng tôi đã thông tin cho phía Hạt kiểm lâm Cúc Phương. Hoạt động kiểm tra, bắt quả tang để xử phạt thuộc về nghiệp vụ chuyên ngành của kiểm lâm. Việc từ chối mua động vật rồi báo kiểm lâm đến xử phạt cũng nhằm tránh cho PV rơi vào “bẫy” phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã.

Nhà hàng đã “nhẵn mặt” kiểm lâm

Khi chúng tôi hỏi: “Tại sao các anh kiểm lâm không cải trang thành dân thường, dân nhậu, khách “xộp” thâm nhập vào các nhà hàng kể trên hỏi mua một vài kilogram thịt rừng nhằm tìm hiểu sự việc”, ông Biên thực thà cho biết: “Chúng tôi dù cải trang thế nào cũng sẽ bị lộ ngay vì các nhà hàng đó đã nhẵn mặt kiểm lâm hết cả rồi”.

Được biết, Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương có thành lập một đội kiểm tra việc mua bán, ăn nhậu tại các nhà hàng mà phóng viên LĐ&ĐS đã cung cấp thông tin, nhưng việc kiểm tra không được tiến hành bí mật mà công khai theo kiểu “trống giong cờ mở”. Các thành viên trong đoàn ngoài đại diện hạt kiểm lâm do ông Tạ Đức Biên đứng đầu, còn có đại diện chính quyền đến từ hai xã Thạch Lâm và Ân Nghĩa. Tất nhiên, đoàn kiểm tra đã không “thu được kết quả”!