Tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 30/3, các nghị sĩ toàn cầu tiếp tục thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU 132 tại Hà Nội.

Trong phiên thảo luận chung, các đại biểu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.

Ông M. Andre đến từ Pháp cho rằng, IPU cần xem xét lại các phương thức đánh giá hiện nay về phát triển bền vững trên cả 3 phương diện: Thứ nhất, bền vững về mặt kinh tế; Thứ hai, bền vững về mặt xã hội; Thứ ba, bền vững về sinh thái môi trường.

“Phát triển bền vững phải tạo lập được sự cân bằng. Tôi rất mừng vì phát triển bền vững đã giúp chúng ta tạo ra bình đẳng giới, trong đó giáo dục là nhân tố cơ bản”, ông nói.

Theo ông Andre, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, mỗi nước cần có cơ chế riêng và nghị viện mỗi nước phải có hành động cụ thể vì phát triển bền vững. Ông cho biết, Pháp đang thảo luận 1 bộ luật về năng lượng trong đó đưa ra khái niệm mới về kinh tế xanh, tiết kiệm năng lượng… để đảm bảo yếu tố bền vững giữa phát triển kinh tế và môi trường.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, các nghị sĩ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vì họ chính là người sẽ đưa các mục tiêu này vào luật để thực hiện.

Theo Tổng thư ký, ASEAN vốn là khu vực được ưu đãi với hệ sinh thái đặc biệt nhưng những năm qua, hệ sinh thái này đang bị đe doạ nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế nhanh, khoảng cách phát triển giữa các nước… Những yếu tố này đã huỷ diệt nguồn tài nguyên, sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái, đẩy ASEAN đối mặt với nhiều thách thức trong việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo sự bền vững.

“ASEAN hiện đang bước vào nền tảng xanh, xây dựng xã hội vì người dân, hướng đến người dân dựa trên cả 3 trụ cột phát triển bền vững, đặt ra các mục tiêu cụ thể có tính đến sự khác nhau giữa các nước”, vị Tổng thư ký cho biết.

Theo ông, để đảm bảo sự bền vững, phải đảm bảo được an sinh xã hội, trong đó có tính đến các nhóm yếu thế. ASEAN đang hướng đến xây dựng sáng kiến chung về năng lượng, hướng đến cộng đồng ASEAN sạch hơn qua việc xây dựng mạng lưới điện, khí gas chung, sử dụng than sạch, quy hoạch năng lượng cho các mục tiêu dân sự; xây dựng chỉ số đánh giá môi trường sạch, nước sạch; dán nhãn các sản phẩm thân thiện môi trường…

Tuy nhiên, ông Lê Lương Minh cũng bày tỏ quan ngại, mặc dù đã đạt được sự đồng thuận cao về các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 phù hợp với chương trình Liên hợp quốc nhưng các nước ASEAN vẫn đang còn thiếu lòng tin chiến lược, do bị đe doạ bởi những tranh chấp lãnh thổ, vùng biển, ảnh hưởng tới an ninh chung của ASEAN. Ông kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và sự nỗ lực giữa các nước trong khu vực vì một ASEAN hòa bình, thịnh vượng, tạo dựng được sự bền vững từ bên trong.

31032015_canbanggiuaPTKTvaMT

Ông M. Balla đến từ Hungary, ông P.F Casini đến từ Italy và ông S.Suzuki đến từ Nhật Bản có chung nhận xét, việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng quốc tế nhưng nhiều nước vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhiều mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa đạt được và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai. Theo các ông, thách thức quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ 21 chính là việc tiếp cận nguồn nước sạch của người dân.

“Nghị viện là nhân tố quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta phải cùng suy nghĩ toàn cầu nhưng hành động trên bình diện địa phương”, ông Balla nói.

“Tôi muốn đề cập đến phát triển bền vững dưới góc độ an ninh con người. Việc đảm bảo an toàn cho mỗi công dân nhìn ở bình diện quốc tế là vấn đề rất phức tạp. Chúng ta phải bảo vệ con người trước mọi nguồn rủi ro. Để triển khai khái niệm mới này, cần sự phối hợp của Liên hợp quốc”. ông Suzuki nói.

Chung quan điểm, ông A. Burt đến từ Anh cũng cho rằng, thế giới cần có phương thức tiếp cận mới với phát triển bền vững, trong đó phải chú ý giảm xung đột, chiến tranh, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Phát triển bền vững phải thoát khỏi cơ cấu cũ, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển đều phải có trách nhiệm với các cam kết của mình, chứ không phải chỉ các nước phát triển viện trợ cho các nước đang phát triển. Hệ thống của chúng ta phải bảo vệ người yếu thế, tạo ra nhiều việc làm, đảm bảo minh bạch hoạt động của chính phủ, dựa vào người dân”, ông Burt nói.

Tiếp tục đề cao vai trò của nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các ông Y Chin – Hàn Quốc, P.F Veillon – Thuỵ Sỹ cho rằng, nghị viện các nước phải đảm bảo luật pháp đề ra phù hợp với phát triển bền vững, phải luật hoá các mục tiêu này, biến chúng thành các mục tiêu phát triển của đất nước. Đồng thời, thiết lập cơ chế hợp tác liên nghị viện nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hành động.

“Nghị viện phải xác định những ưu tiên phát triển của mình để yêu cầu, tạo sức ép cho chính phủ trong việc thực hiện, xoá bỏ rào cản khó khăn giữa các cơ quan chính phủ trong phối hợp hành động. Thậm chí, nghị viện phải đề ra những mục tiêu riêng của mình. Tôi đề xuất thành lập một uỷ ban IPU về phát triển bền vững nhằm kết nối nghị viện các nước với nhau để đánh giá, giám sát, khuyến nghị thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Chin nói.