Ẩn họa từ những kho thuốc bảo vệ thực vật ở Quảng Trị

ThienNhien.Net – Mặc dù các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị quan tâm bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm trong khu vực dân cư và khuôn viên trường học, đang ngày đêm gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe nhân dân.

Kho thuốc BVTV trong vườn gia đình ông Trần Toàn ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thường xuyên bốc mùi hôi nồng nặc. (Ảnh: Nguyễn Văn Hai)
Kho thuốc BVTV trong vườn gia đình ông Trần Toàn ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thường xuyên bốc mùi hôi nồng nặc. (Ảnh: Nguyễn Văn Hai)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, các loại thuốc BVTV được dự trữ trong các kho trước đây thường khá lớn, nhiều lúc lên đến hàng tấn, trong đó thuốc DDT, 666, Wofatox, Falizan, Bi-58, Metafot và Basudin… là những loại thuốc rất độc hại. Do việc cất giữ, bảo quản không nghiêm ngặt nên bị rò rỉ; một số thuốc chôn lấp dưới đất thất thoát ra môi trường, chưa có giải pháp khắc phục đã để lại những hậu quả rất đáng lo ngại.

Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn những kho thuốc có các chỉ số 666, DDT vượt hàng chục, thậm chí hàng triệu lần quy chuẩn Việt Nam (QCVN) như: Kho thuốc của HTX nông nghiệp Quyết Tiến, xã Hải Quy (Hải Lăng) chỉ tiêu 666 vượt QCVN 1.373 lần; chỉ tiêu DDT vượt QCVN 2.168.024 lần; kho thuốc BVTV trong vườn nhà ông Trương Văn Tiếu, ở khóm 11, thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) có chỉ tiêu 666 vượt QCVN 4.924 lần, chỉ tiêu DDT vượt QCVN 87.145 lần; kho thuốc BVTV trong khuôn viên Trường tiểu học số 2, xã Triệu Long (Triệu Phong) chỉ tiêu DDT vượt 5.927 lần; kho thuốc trong vườn nhà ông Trần Toàn, ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ (Triệu Phong) chỉ tiêu DDT vượt QCVN 125.000 lần; kho thuốc của HTX sản xuất nông nghiệp Trà Lộc, xã Hải Xuân (Hải Lăng) chỉ tiêu DDT vượt QCVN 5.137 lần… Ngoài ra còn rất nhiều kho thuốc khác có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Kho thuốc trong vườn cao-su của ông Phạm Quang Diễn, ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái (Gio Linh) tồn tại từ năm 1985 đến 1990, sau đó kho thuốc ngừng hoạt động và bỏ hoang. Lượng thuốc tồn dư trong kho rất lớn với nhiều loại như: thuốc 666 khoảng 300 kg, Wonfatox 100 kg, Basudin 300 kg, Ba sa 30 kg, Falizan 400kg, Zinep 60 kg… Ông Diễn cho biết: Năm 2003, tôi đã phá nhà kho và san ủi toàn bộ lượng thuốc trên xuống vùng đất trũng phía nam lấp lại để tạo mặt bằng trồng cây cao-su. Quá trình san ủi một số túi thuốc bị rách, vỡ gây thất thoát ra bên ngoài làm cho khu vực này thường xuyên có mùi hôi nồng nặc khi thời tiết thay đổi.

Kho thuốc trong vườn nhà ông Trần Toàn, ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) tồn tại từ năm 1978 đến năm 1985 phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sau này, trong kho còn hơn 200 kg thuốc các loại, nằm ngổn ngang, có mùi hôi nên ông đã gom các loại thuốc DDT, 666 và Vonfatoc… đem chôn trước cửa kho, cách giếng nước của gia đình khoảng 10 mét, với độ sâu hơn hai mét. Ông Toàn cho biết: Khu vực này thường xuyên bị ngập lụt nên lượng thuốc và đất bị ô nhiễm thuốc BVTV phát tán ra môi trường có mùi hôi khó chịu, gây nhức đầu, chóng mặt. Người dân thôn Gia Độ rất lo lắng cho sức khỏe của họ khi hằng ngày phải tiếp xúc với loại hóa chất độc hại này. Bản thân ông Toàn, trước đây là cán bộ kỹ thuật pha chế thuốc trừ sâu, thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc BVTV nên bị bệnh viêm tắc động mạch, chân phải cưa cụt. Con trai của ông Toàn là anh Trần Phước An, sinh năm 1990 cũng bị dị tật bẩm sinh ở chân…

Ngày 31-10-2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục xử lý 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng trên địa bàn, nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân. Theo đó, UBND tỉnh giao Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan xây dựng kế hoạch, phương án xử lý. Tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm thuốc BVTV tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng tại các điểm; báo cáo tiến độ kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường…

Để bảo đảm sức khỏe, ổn định đời sống người dân chung quanh khu vực có kho thuốc, chính quyền các địa phương ở Quảng Trị (nơi có các kho thuốc BVTV cũ gây ô nhiễm) cần thông báo cho người dân biết tình trạng ô nhiễm thuốc BVTV, xây dựng hàng rào cách ly, treo biển cảnh báo ở những điểm này. Khuyến cáo người dân trong vùng bị ô nhiễm không trồng và sử dụng các sản phẩm như rau màu, trái cây; không sử dụng nguồn nước ngầm, nước mặt, không tiến hành cấp đất xây dựng đối với khu vực bị ô nhiễm. Các ngành chức năng cần triển khai lập các dự án đầu tư xử lý thuốc còn tồn đọng, tăng cường kiểm tra, rà soát, ngăn chặn những việc làm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

“Thuốc BVTV tồn tại ngoài môi trường hàng chục năm là bình thường và vẫn gây hại cho con người. Những người tiếp xúc thường xuyên với các loại thuốc nêu trên sẽ bị những bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thậm chí, độc tố có thể truyền từ mẹ sang con làm cho trẻ kém phát triển, biến chứng. Ngoài ra, người tiếp xúc nhiều với thuốc BVTV thường bị các bệnh thần kinh, hô hấp, đái tháo đường và một số tác nhân gây nên bệnh ung thư…”.LÊ VĂN LÂM
Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị
“Kho thuốc của HTX Thanh Sơn, ở thôn Cam Lộ, xã Cam Thanh (Cam Lộ) nằm gần Trường mẫu giáo Tuổi Hoa. Ngày nào học sinh của trường cũng phải chịu mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước… từ kho thuốc này. Ở thôn Cam Lộ có một số người ốm đau lâu ngày, nhiều người lo ngại liệu có phải một phần do kho thuốc trừ sâu ở gần khu dân cư hay không?”.VÕ THỊ TÂM
(Thôn Cam Lộ, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị)
“Sở Tài nguyên – Môi trường có công văn gửi Tổng cục Môi trường đề nghị đưa các điểm ô nhiễm thuốc BVTV vào danh mục chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để được cấp vốn xử lý. Dự kiến kinh phí xử lý các điểm này khoảng 134 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, đến năm 2025 mới cơ bản xử lý xong”.NGUYỄN THANH LỢI
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Trị