Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vùng hạ du sông Hồng: Vẫn là bài toán khó

ThienNhien.Net – Nguồn nước hạ lưu sông Hồng vào mùa khô luôn ở mức thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, giao thông đường thủy và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trước thực trạng này, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam vừa đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước hạ du sông Hồng.

Trước đây nhiều người cho rằng, mực nước sông Hồng giảm sâu trong mùa khô là do các hồ thủy điện vận hành không hợp lý, giảm lưu lượng điều tiết nước xuống hạ lưu. Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, các hồ thủy điện vẫn điều tiết lưu lượng nước hơn 600m3/s theo quy định thiết kế, thậm chí trong thời kỳ đổ ải (tháng 1, 2 hằng năm) lưu lượng điều tiết xuống hạ du đã tăng lên mức 850 – 1.100m3/s để phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Theo kết quả nghiên cứu của GS-TS Lê Kim Tuyến, Trường Đại học Thủy lợi, từ năm 2004 đến nay, mực nước mùa khô tại hạ lưu sông Hồng ngày càng giảm thấp, năm sau luôn thấp hơn mực nước cùng kỳ của năm trước, mặc dù lưu lượng xả từ các hồ thủy điện đều tăng gấp 1,5-2,8 lần so với thiết kế.

Mực nước sông Hồng xuống thấp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Phương An)
Mực nước sông Hồng xuống thấp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Phương An)

Khảo sát của Viện Quy hoạch thủy lợi cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm mực nước vào mùa khô vùng hạ lưu sông Hồng do sự hạ thấp cao độ đáy sông và mở rộng lòng sông. Cụ thể trên sông Lô, đáy sông bị hạ thấp từ 6 đến 8m, thậm chí có vị trí bị hạ thấp tới 9-12m; sông Đuống cao độ đáy sông hạ thấp 4-6m; còn trên sông Hồng tại vị trí Sơn Tây đáy sông bị hạ thấp tới 5m so với địa hình năm 2000. Mặt cắt ngang sông ở phần nước thấp cũng bị mở rộng, nghiêm trọng nhất là trên sông Đuống, nhiều đoạn có diện tích mặt cắt ướt tăng gấp 2 lần so với trước đây. Sông Hồng từ Sơn Tây xuôi xuống Hà Nội, hiện tượng xói lở bãi sông khá lớn, các vị trí mặt cắt ướt mở rộng thêm 20-25%. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh số lượng hồ chứa trên thượng nguồn (khoảng 52 hồ chứa) đã giữ lại trên 90% lượng phù sa (bùn, cát) chảy xuống hạ du. Trong khi đó, trên sông Lô, sông Hồng, sông Đuống tình trạng khai thác cát, sỏi diễn ra tràn lan, vượt quá khả năng bồi đắp của bùn cát trong sông. GS-TS Hà Văn Khối (Trường Đại học Thủy lợi) cho biết thêm, sự thay đổi tỷ lệ lượng nước sông Hồng phân sang sông Đuống vào mùa khô (vào các tháng 1, 4) ngày càng gia tăng, trong đó năm 2000 tỷ lệ phân lưu là 28%, đến nay đã tăng lên 40%… “Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sự hạ thấp mực nước sông Hồng trong mùa khô” – GS-TS Hà Văn Khối khẳng định.

GS.TS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng, sự suy giảm mực nước hạ lưu sông Hồng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng. Thực tế từ năm 2004 trở lại đây, vào mùa khô, mực nước sông Hồng tụt xuống thấp hơn đáy cống và bể hút trạm bơm của các hệ thống thủy nông lấy nước từ sông Hồng. Thậm chí mùa khô năm 2010, mực nước sông Hồng chỉ còn 0,1m đã gây ra nạn thiếu nước trầm trọng cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía Bắc và ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường sinh thái của Thủ đô Hà Nội; làm sông Đáy, sông Nhuệ trở thành “sông chết”, nhiều đoạn sông Hồng thành bãi hoang…

Theo các nhà khoa học, để khắc phục tình trạng này về lâu dài, các hồ thủy điện cần xả đủ nước để nâng mực nước sông Hồng như trước đây, khi cần lấy nước vào đồng phục vụ sản xuất chỉ việc mở cống tự chảy vào kênh và bể hút. Tuy nhiên, để có đủ lượng nước này thì các hồ trên thượng nguồn phải xả lưu lượng khoảng 2.500m3/s, tương ứng khoảng 32 tỷ mét khối nước trong 5 tháng mùa khô. Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi vì các hồ thủy điện không có đủ nguồn nước trong mùa khô để xả, do đó chỉ có thể áp dụng giải pháp tạm thời như đang thực hiện trong những năm vừa qua là xả nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân theo ba đợt (cuối tháng 1 đến giữa tháng 2). Ngoài ra, cũng đã có ý kiến cho rằng, nên xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi dọc sông Hồng, sông Đuống… Thực hiện giải pháp này sẽ không động chạm đến lòng dẫn các sông, nhưng không khôi phục được trạng thái có nước trong hệ thống thủy lợi như trước đây mà chỉ khi nào máy bơm hoạt động mới có nước vào kênh và phải đầu tư xây dựng lớn… Một giải pháp khác cũng được các nhà khoa học đưa ra đó là xây dựng các công trình điều tiết nước ở sông Hồng và sông Đuống; trước mắt có thể thí nghiệm theo kiểu đập phao hoặc đập phao thời vụ để khôi phục lưu lượng và mực nước sông Hồng trong mùa khô theo cao trình thiết kế. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt trong khi chưa có giải pháp.