Nghệ An: Khởi sắc chi trả dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Bởi lượng hồ sơ phải lập rất nhiều, yêu cầu lớn về cả nhân lực và tài chính nên các chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm gặp khó khăn trong thực hiện, không đáp ứng tiến độ, yêu cầu.

Một góc khu vực được chi trả DVMTR tại huyện Tương Dương. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Một góc khu vực được chi trả DVMTR tại huyện Tương Dương. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập là mô hình hoạt động mới, có tính đặc thù, ngoài nhiệm vụ của một cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp, môi trường, Quỹ còn làm nhiệm vụ của một cơ quan tài chính chuyên ngành nắm vai trò trung tâm trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Đánh giá về hoạt động của đơn vị trong năm 2014, ông Nguyễn Khắc Lâm, GĐ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) Nghệ An cho biết: Năm qua, mặc dù khởi đầu với nhiều khó khăn song nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và các sở, ngành cùng với sự vào cuộc một cách tích cực của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn đơn vị, nên Quỹ BV-PTR Nghệ An đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kết quả thực hiện đạt cao trên cả 3 mặt: Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ chi trả; Mở rộng nguồn thu và nâng cao tốc độ giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các chủ rừng.

Về công tác kế hoạch, kỹ thuật, Quỹ đã tham mưu, chủ trì rà soát cơ bản xong ranh giới và hiện trạng 315.000 ha rừng trong các lưu vực thủy điện đã đi vào hoạt động, đạt 100% kế hoạch đề ra. Kết quả rà soát trên đã được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho Quỹ triển khai các bước lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật tiếp theo để có thể đồng loạt chi trả tiền DVMTR đến các chủ rừng.

Hiện bộ phận điều hành nghiệp vụ Quỹ đã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết để xúc tiến việc triển khai rà soát đối với các lưu vực thuộc Nhà máy Thủy điện Nậm Pông, Chi Khê vào đầu năm 2015.

Công việc hoàn thành hồ sơ rà soát ranh giới, hiện trạng rừng và thiết kế bảo vệ rừng là tài liệu quan trọng làm cơ sở tính toán tiền DVMTR để chi trả cho các chủ rừng. Bởi lượng hồ sơ phải lập rất nhiều, yêu cầu lớn về cả nhân lực và tài chính nên các chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm gặp khó khăn trong thực hiện, không đáp ứng tiến độ, yêu cầu.

Trước thực tế như vậy, Quỹ BV-PTR Nghệ An đã tiến hành khảo sát, lập phương án tổng hợp nhu cầu khối lượng, kinh phí và đề xuất các giải pháp để triển khai nội dung này một cách tích cực, trình UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.

Về hoạt động thu, chi tiền DVMTR, trong năm 2014, Quỹ đã huy động được hơn 45 tỷ đồng tiền ủy thác DVMTR, đạt mức cao nhất trong 3 năm hoạt động và trở thành một trong những đơn vị có mức thu tiền ủy thác nội tỉnh khá nhất.

Theo báo cáo tổng hợp của đơn vị, cho đến nay, Quỹ đã giải ngân (lũy kế) tiền DVMTR và hỗ trợ cho các chủ rừng được tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, tương ứng với số lượt diện tích 250 nghìn ha rừng được khoán bảo vệ; diện tích hỗ trợ trồng bù rừng được quy đổi đạt trên 500 ha. Tỷ lệ giải ngân hàng năm theo đó đã được nâng lên từ 30% (năm 2013) lên 80% (năm 2014).

Nguồn tiền DVMTR nói trên không những đã giúp nhiều hộ hộ gia đình có thêm việc làm, cải thiện đời sống mà còn là nguồn “cứu cánh” cho các Ban quản lý rừng, Cty lâm nghiệp làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng trong điều kiện kinh phí ngân sách Nhà nước không đủ trang trải.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, song song với việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, Quỹ BV-PTR Nghệ An còn chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để triển khai nhiều nội dung tuyên truyền thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền các cấp về vai trò, nhiệm vụ của Quỹ BV-PTR, cũng như chính sách chi trả DVMTR.

Nhờ đó, nhận thức về công tác bảo vệ rừng và chính sách chi trả DVMTR của các đối tượng đã được nâng lên rõ nét. Từ đó cùng chung tay thực hiện tốt chính sách này.

Theo báo cáo chính thức của tỉnh Nghệ An, tổng nguồn thu huy động được từ các đơn vị trực tiếp sử dụng DVMTR từ năm 2011 đến hết năm 2014 trên 130 tỷ đồng (lũy kế). Trong đó riêng tổng nguồn thu năm 2014 đạt 45 tỷ đồng.

Có được sự chuyển biến tích cực kể trên chính là nhờ việc sắp xếp lại nhân sự, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tạo môi trường thuận lợi cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân viên phát huy tốt sự chủ động, tích cực của mình trong các lĩnh vực được phân công, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan.

Nhờ đó Quỹ BV-PTR Nghệ An đã dần tạo được cho mình một thế đứng trong hệ thống để tiếp tục mở rộng, ổn định nguồn thu, nâng cao chất lượng giải ngân nhằm chung sức cùng thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Được biết, năm 2015, Quỹ BV-PTR sẽ được giao thực hiện nhiệm vụ tự chủ về tài chính.

Đó là một chủ trương đúng đắn, không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách cho địa phương, mà còn đặt ra cho Quỹ một yêu cầu là phải luôn chủ động, tích cực mở rộng đối tượng khai thác nguồn thu khác đã được Chính phủ cho phép tại QĐ 07/2012/QĐ-TTg; Nghị định 99/2010/NĐ-CP; Quyết định 07/2012QĐ-TTg…

Theo đó, các nguồn thu từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý BVR, quản lý lâm sản bị thu giữ, bị xử phạt theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP, ngày 02/11/2009; các nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh gỗ và lâm sản của các chủ rừng, các hoạt động có nguồn thu từ du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ hấp thu CO2… đều thuộc các đối tượng phải thu để chi trả DVMTR.

Nếu triển khai tốt theo hướng này thì nguồn thu để chi trả DVMTR còn được mở rộng và ổn định lâu dài, là tiềm năng lớn về nguồn tài chính cho ngành lâm nghiệp.