Dân tái định canh, định cư thủy điện A Lưới: Khốn khổ vì đất cằn cỗi

ThienNhien.Net – Đất sản xuất được cấp quá cằn cỗi đã và đang khiến cuộc sống của người dân mất đất bởi dự án Thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) bị đẩy vào cảnh ngặt nghèo.

Nhận đất để… bỏ hoang

Sau 4 năm di dời đến khu tái định canh, định cư Căn Tôm (xã Hồng Thượng) để nhường đất cho dự án Thủy điện A Lưới, kinh tế gia đình anh Hồ Văn Ngập ngày càng tụt dốc. Với phương châm “đất đổi đất”, tại khu tái định canh, định cư, gia đình anh Ngập được cấp 2ha đất trồng rừng, hơn 3 sào đất vườn và 3 sào đất ruộng. Tuy nhiên, do đất được cấp quá cằn cỗi nên gia đình anh Ngập rất khó phát triển sản xuất.

Đất sản xuất được cấp quá cằn cỗi khiến cuộc sống người dân tái định canh, định cư Thủy điện A Lưới ngày càng tụt dốc.  (Ảnh: An Sơn)
Đất sản xuất được cấp quá cằn cỗi khiến cuộc sống người dân tái định canh, định cư Thủy điện A Lưới ngày càng tụt dốc. (Ảnh: An Sơn)

Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Ngập phải bỏ hoang phần nhiều diện tích đất được cấp do trồng cây gì cũng khó sống. “Đất trồng rừng, đất vườn được cấp toàn là sỏi đá, nên rất khó cải tạo. Đất ruộng cũng sỏi đá nhiều hơn đất, lại không có nước tưới nên không thể canh tác. 4 năm nay vợ chồng tui phải làm thuê làm mướn kiếm cái ăn qua ngày”- anh Ngập buồn bã nói.

Để nhường đất cho dự án Thủy điện A Lưới, gần 200 hộ dân thuộc nhiều xã của huyện A Lưới phải di dời đến nơi ở mới, trong đó hơn 100 hộ chuyển đến khu tái định canh, định cư Căn Tôm. Ngoài là nơi ở và đất sản xuất cho hơn 100 hộ dân di dời đến đây, 750ha đất ở khu tái định canh, định cư này còn là nơi cấp đất sản xuất cho những hộ dân khác mất đất bởi dự án. Tuy nhiên, từ đất trồng rừng, đất vườn cho đến đất ruộng ở đây toàn là “đất chết”, sỏi đá nhiều hơn đất nên cây trồng rất khó phát triển.

Theo ông A Viết Huy- Trưởng thôn Căn Tôm, ngoài đất rừng và đất vườn rất khó cải tạo để sản xuất, hiện mới chỉ có 9/25ha đất được quy hoạch làm đất ruộng ở đây được cải tạo, còn lại đều trong tình trạng bỏ hoang. Những diện tích ruộng được cải tạo cây lúa rất khó phát triển vì quá bạc màu. “Ruộng không chỉ bạc màu mà còn thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ còn cách bỏ hoang”- ông Huy cho biết.

Bế tắc

Ông Hồ Văn Ngưm- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đất sản xuất được cấp quá cằn cỗi đã và đang khiến đời sống của những hộ dân bị mất đất bởi dự án Thủy điện A Lưới chồng chất khó khăn. Theo ông Ngưm, vì quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã hết nên hiện chỉ còn cách duy nhất là huy động các lực lượng giúp người dân cải tạo đất bằng việc nhặt sỏi đá và hỗ trợ giống, phân bón để người dân phát triển sản xuất. “UBND huyện cũng đã kiến nghị tỉnh và chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm bơm phục vụ cho việc sản xuất lúa nước của người dân”- ông Ngưm nói.

Theo ông Phan Ngọc Thọ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, khu tái định canh, định cư cho người dân mất đất bởi dự án Thủy điện A Lưới đã được đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện công trình này chưa đáp ứng đủ nước tưới cho đất ruộng tại đây. Do đó, trước mắt phần diện tích không chủ động được nguồn nước cần xem xét để chuyển đổi cây trồng phù hợp. Về lâu dài sẽ nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng nâng cao năng lực công trình thuỷ lợi nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Một lãnh đạo xã Hồng Thái khẳng định, cho dù được nhặt hết đá và được đầu tư công trình thủy lợi đầy đủ thì đất đai ở khu vực Căn Tôm cũng không thể phát triển sản xuất hiệu quả vì quá cằn cỗi.

Theo chính quyền xã Hồng Thái, trước đây, khu vực được chọn làm nơi tái định canh, định cư cho người dân mất đất bởi dự án Thủy điện A Lưới từng có khá đông người dân sinh sống. Về sau, tất cả những hộ dân này đều bỏ đi nơi khác vì đất đai ở đây trồng cây gì cũng không phát triển.