Hiểm họa ô nhiễm bãi rác Đông Thạnh – Bài 2: Khi nào kiến nghị của dân được giải quyết

ThienNhien.Net – Bãi rác Đông Thạnh ô nhiễm có nguy cơ lan rộng sông Sài Gòn, đe dọa môi trường TP. HCM. Tháng 11-2013, Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo xem xét giải quyết việc bãi rác Đông Thạnh hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, đã 1 năm trôi qua nhưng dường như các cơ quan có trách nhiệm vẫn “im ru”…

Hố bãi rác số 7 gây ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Hố bãi rác số 7 gây ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn

Người dân cho biết, nhiều năm nay họ liên tục kiến nghị lên lãnh đạo các cấp tại TP.HCM có biện pháp trước thực trạng bãi rác đã có lệnh đóng cửa nhưng vẫn hoạt động, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Thế nhưng, đơn gửi đi và chỉ biết mòn mỏi chờ đợi. Việc xử lý bãi rác, giải quyết đơn khiếu nại của dân về tình trạng ô nhiễm ở bải rác này như thế nào, vẫn chưa có những chuyển động gì cụ thể.

Bãi rác Đông Thạnh nằm cạnh sông Rạch Tra, một nhánh của sông Sài Gòn chảy bao quanh ở TP. HCM. Do đó, khi bãi rác bị ô nhiễm nặng nước thải độc hại từ bãi rác rò rỉ chảy ra sông Rạch Tra rồi hòa ô nhiễm vào sông Sài Gòn. Ngoài ra, trong khu vực huyện Hóc Môn và những vùng lân cận như quận 12, quận Gò Vấp… còn có nhiều nhánh kênh khác cũng chung nguồn nước từ sông Sài Gòn; ở quận 12 còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp có đông người dân, công nhân sinh sống và phải sử dụng nguồn nước ngầm là chủ yếu. Tình trạng ô nhiễm ở bãi rác Đông Thạnh đã đến mức báo động đỏ nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thì không chỉ người dân khu vực này bị ảnh hưởng, mà rất nhiều khu vực khác trong thành phố cũng bị ảnh hưởng từ hệ lụy của ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Ngày 31-10-2013, đại diện của Phòng TN&MT huyện Hóc Môn phối hợp với đại diện cán bộ UBND xã Đông Thạnh – Hóc Môn, đại diện ban quản lý bãi rác Đông Thạnh, đại diện ấp 7 và ông Trần Văn Ước đã có chuyến khảo sát và làm việc về tình trạng ô nhiễm của bãi rác Đông Thạnh. Tại nhà máy xử lý chất thải, công nhân vẫn đang làm việc, mùi hôi vẫn còn. Ở hầm xử lý rác số 7, nước thải đen ngòm và rác nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đại diện bãi rác thừa nhận, hầm này không có bạt lót sàn. Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã lập biên bản của chuyến khảo sát. Nhưng sau đó, theo nhiều người dân phản ánh, việc xử lý vẫn chưa được triển khai. Tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này vẫn không giảm, hàng ngày nhiều xe chở rác vẫn chở rác về đây đổ.

Người dân mòn mỏi…

Trong khi đó, ngày 7-8-2013, Tổng cục môi trường (thuộc Bộ TN&MT) lại ra văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị TP. HCM được vận hành thử nghiệm hầm chôn lấp chất thải nguy hại ở bãi rác Đông Thạnh. Người dân ở đây thắc mắc, tại sao lại có văn bản này, sau khi bãi rác đã có lệnh đóng cửa? Không những thế, hiện không ai rõ văn bản nói trên cho phép thời hạn của việc “triển khai vận hành thử nghiệm hầm chôn lấp chất thải nguy hại số 2” và việc “thu gom, vận chuyển hoặc tiếp nhận các loại đất đá thải có chứa thành phần nguy hại để vận hành thử nghiệm” đến khi nào thì chấm dứt!

Nhiều người dân cho rằng, văn bản của Tổng cục môi trường như là “bửu bối” để Công ty môi trường đô thị TP. HCM “dựa lưng” để tiếp tục hoạt động đổ rác ở đây. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM) cho biết: “Tôi cho rằng, văn bản trên của Tổng Cục môi trường là trái với quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải được quy định tại Điều 31 và Điều 34 Nghị định 59/2007/NĐ- CP ngày 9-4-2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Cụ thể, Điều 31 Nghị định này quy định rõ ngay sau khi đóng bãi chôn lấp hoặc kết thúc hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn, chủ đầu tư phải tiến hành phục hồi và cải thiện cảnh quan khu vực, đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; Chậm nhất sau 2 năm kể từ ngày đóng bãi chôn lấp và sau 1 năm kể từ ngày chấm dứt hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục bàn giao lại đất cho Nhà nước; Có trách nhiệm quan trắc môi trường, theo dõi biến động môi trường ít nhất sau 5 năm kể từ ngày đóng bãi chôn lấp, hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn. Kết quả quan trắc môi trường phải được thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương”.

“Trên thực tế, UBND TP. HCM ra quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh vào năm 2002, do đó theo quy định pháp luật hiện hành thì không tiếp tục có hành vi nhận rác, xử lý rác tại khu vực này. Việc Tổng Cục môi trường cho phép Công ty Môi trường đô thị TP. HCM triển khai vận hành thử nghiệm hầm chôn lấp chất thải nguy hại số 2 tại Trạm xử lý chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh là đồng nghĩa với việc cho phép công ty này tiếp tục nhận và xử lý rác thải tại khu vực này. Việc này trái với quy định đóng bãi chôn lấp chất thải được quy định tại Nghị định nêu trên của Chính phủ”, luật sư Hậu khẳng định. Và sau bao đơn kiến nghị, người dân vẫn mòn mỏi việc cơ quan có trách nhiệm xử lý hiểm họa ô nhiễm tại bải rác Đông Thạnh một cách thực chất.