Tiêm chất độc vào sừng để bảo vệ tê giác

ThienNhien.Net – Mặc dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ loài tê giác, nhưng dường như cách tiếp cận hiện tại đều thất bại. Bằng chứng là những vụ sát hại được phát hiện ở Nam Phi tăng mạnh trong vòng ba năm qua: 668 cá thể tê giác vào năm 2012, 1004 vào năm ngoái, và 899 trong 9 tháng đầu năm 2014. Con số này mới chỉ bao gồm các vụ được ghi nhận – trên thực tế thậm chí còn cao hơn.

Trong các giải pháp được đưa ra có những giải pháp “cực chẳng đã” là cưa sừng của tê giác. Tuy nhiên, đây chưa phải là một giải pháp khả thi vì người mua vẫn muốn có cả phần gốc sừng và những con tê giác đã bị cưa sừng vẫn tiếp tục là mục tiêu bị săn trộm.  Hơn nữa, những con tê giác bị cưa sừng cũng phải chịu nhiều bất lợi trong cuộc sống tự nhiên như không thể bảo vệ tê giác con khỏi các kẻ săn mồi và không thể dịch chuyển đá, gỗ, cành cây để tìm đồ ăn. Trước thực tế trên, Dự án Cứu hộ Tê giác đã được thiết lập tại Nam Phi với mục đích cung cấp giải pháp bền vững, chủ động và chi phí thấp cho cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác ở Nam Phi. Dưới đây là chia sẻ của chị Lorinda Hern, người đã sáng lập nên dự án cứu hộ tê giác này.

Lorinda làm việc tại Nam Phi. (Ảnh: Miona Janeke)
Lorinda làm việc tại Nam Phi. (Ảnh: Miona Janeke)

Derek Schuurman: Là người sáng lập Dự án Cứu hộ Tê giác, chị có thể cho biết về công việc của chị, về dự án và điều gì khiến chị có ý tưởng này?

Lorinda Hern: Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến nạn săn trộm tê giác khi một con tê giác của chúng tôi bị giết hại vào năm 2010. Hầu hết các giải pháp chúng tôi biết đến đều thụ động, không thể khiến bọn săn trộm từ bỏ ý định. Rõ ràng, chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề để đưa ra giải pháp chủ động hơn, nghĩa là làm sao để tê giác trở thành mục tiêu ít hấp dẫn nhất đối với những kẻ săn trộm. Từ đó, ý ​​tưởng tiêm chất độc vào sừng bắt đầu nảy sinh.

Derek Schuurman: Dựa vào các số liệu thống kê báo động về các ca tử vong tê giác cho đến năm 2014, rõ ràng nhiều giải pháp chống săn trộm tê giác cho đến nay đều không hiệu quả. Cách tiếp cận của chị là gì?

Lorinda Hern: Chúng tôi không tin có bất cứ giải pháp nào có thể đơn phương giải quyết triệt để được nạn săn trộm. Tất cả các biện pháp an ninh đều có điểm mạnh và hạn chế – lý tưởng nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp để tối đa hóa hiệu quả và bù đắp thiếu sót, đảm bảo an toàn lâu dài cho tê giác ở Nam Phi và các nơi khác. Tiêm chất độc vào sừng tê giác là biện pháp tạm thời tốt nhất để giữ động vật sống, và không phải là một giải pháp lâu dài cho vấn đề săn trộm.

Derek Schuurman: Theo mô tả của chị trên trang Facebook thì các hợp chất hóa học được sử dụng theo liều lượng nhất định để đảm bảo vô hại với con vật, nhưng lại độc hại nghiêm trọng khi con người uống phải. Xin chị giải thích rõ hơn. Có phải sừng con vật cần được tái truyền 3-4 năm một lần không?

Lorinda Hern: Chu kỳ phát triển của sừng kéo dài khoảng bốn năm. Sau đó chủ sở hữu tê giác cần phải tái thực hiện việc truyền dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng đó là khoảng thời gian cần thiết cho đến khi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã (CITES) và các cơ quan quản lý khác có giải pháp dài hạn bền vững hơn. Chúng tôi đã rất cẩn trọng trong việc lựa chọn các hợp chất và đăng ký đặc biệt để sử dụng trên động vật, đảm bảo không gây hại đến bản thân loài tê giác. Tuy nhiên, cũng giống như các loại thuốc trừ sâu trên thị trường, không thích hợp cho con người sử dụng.

Derek Schuurman: Liệu hóa chất tiêm vào sừng tê giác có thể giúp theo dõi được chúng không, chẳng hạn như có thể phát hiện được qua máy quét sân bay?

Lorinda Hern: Trong bốn năm qua, Dự án Cứu hộ Tê giác đã thực hiện một số thử nghiệm thú vị. Tôi dùng từ “thú vị” bởi vì có rất ít tài liệu nghiên cứu về loài tê giác, do đó mọi thử nghiệm đều đóng góp rất lớn cho vốn kiến thức toàn cầu về loài động vật này. Bằng cách này, chúng tôi không ngừng thay đổi các hợp chất truyền dẫn và tạo mầu sắc. Lý tưởng nhất là có thể tìm ra một sắc tố mà tia X quang có thể phát hiện được nhưng cũng phải tồn tại đủ lâu trên sừng để không thể sử dụng cho mục đích trang trí.

Mỗi sừng được khoan hai lỗ để đưa đầu dò truyền dẫn và chíp. (Ảnh: Mongabay.com)
Mỗi sừng được khoan hai lỗ để đưa đầu dò truyền dẫn và cấy chíp.

Derek Schuurman: Bên cạnh chất dẫn truyền và mầu sắc, chị cũng phối hợp với các nhà khoa học tại Onderstepoort lấy mẫu DNA từ các cá thể được truyền dẫn cho cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ cộng đồng pháp lý trong các trường hợp truy tố liên quan săn trộm tê giác. Phương pháp của chị có hiệu quả chi phí và khả năng thương mại khác với các giải pháp đề xuất khác như thế nào?

Lorinda Hern: Dự án Cứu hộ Tê giác luôn hướng đến một dịch vụ giá cả phải chăng để nhiều chủ sở hữu tê giác có thể sử dụng được. Toàn bộ quá trình (bao gồm truyền dẫn, lấy và lưu trữ mẫu DNA, cấy chíp và bảo hiểm) có giá gần tương đương một quy trình cưa sừng trung bình. Như tôi đã nói, làm cho sừng tê giác trở nên vô giá trị không phải là phương pháp hoàn hảo. Nhưng dựa trên tỉ lệ giảm săn trộm khi sừng tê giác được truyền độc, có thể thấy vai trò quan trọng của phương pháp này trong việc bảo tồn tê giác trong tương lai.

Derek Schuurman: Cho đến nay, chị đã tiêm hóa chất vào sừng khoảng bao nhiêu cá thể tê giác?

Lorinda Hern: Trong suốt bốn năm qua, chúng tôi đã xử lý khoảng 280 cá thể. Trong số đó có bảy cá thể được báo mất tích (có thể do săn trộm và /hoặc tử vong tự nhiên), tương đương hai cá thể bị mất mỗi năm – một thành công dưới bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Derek Schuurman:  Chị đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ cho các sáng kiến ở Nam Phi?

Lorinda Hern: Mặc dù có khá nhiều sự hỗ trợ, chúng tôi vẫn bị phản đối mạnh mẽ bởi một nhóm “ủng hộ thương mại”. Ai cũng có thể hiểu được lí do của nỗ lực thúc đẩy cho việc hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác là nguồn lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, tất cả các chủ sở hữu tê giác không hề mong muốn trở thành thương nhân, và quyền bảo vệ con vật bằng nhiều cách khác nhau của họ cũng cần được tôn trọng. Trong khi đó, chúng tôi đã bị buộc tội “giết chết thị trường” và “làm xấu danh tiếng của sừng tê giác ở Nam Phi” – mà đó không bao giờ là mục tiêu của chúng tôi.