Người dân Quảng Ngãi bức xúc vì thủy điện

ThienNhien.Net – Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở miền trung đang đầu tư phát triển nhiều dự án thủy điện (DATÐ) vừa và nhỏ trên các huyện miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc phát triển thủy điện khiến hàng nghìn hộ dân bị đe dọa mất đất sản xuất, thiên tai lũ lụt đã gây nên nhiều bức xúc trong cuộc sống.

Dự án chưa hợp lòng dân

Tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã có cuộc họp đánh giá, phân tích tình hình phát triển thủy điện trên địa bàn và xem xét, giải quyết những bức xúc của người dân bị ảnh hưởng trong vùng thủy điện. Toàn tỉnh hiện có 12 DATÐ, trong đó người dân huyện miền núi Sơn Hà chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tám DATÐ vừa và nhỏ: Sơn Trà 1, Nước Trong, Ðăkdrinh, Ðăkdrinh 2, Trà Khúc 1, Sông Tang, Huy Măng và ÐăkBa. Ðáng chú ý, trong đó ba DATÐ có nguy cơ gây nguy hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân là Thủy điện Sơn Trà 1, Trà Khúc 1 và Ðăkdrinh 2. Trước thực trạng DATÐ đầu tư ồ ạt trên địa bàn, Huyện ủy và UBND huyện Sơn Hà đã có nhiều văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quan tâm chỉ đạo vấn đề triển khai các DATÐ hiện nay. Quan điểm của huyện Sơn Hà là tạm dừng cấp phép đầu tư và nhất thiết loại bỏ khỏi quy hoạch những DATÐ gây ảnh hưởng lớn môi trường và đời sống người dân.

Người dân huyện Sơn Hà điêu đứng sau mỗi lần Thủy Điện Đăkdrinh xả lũ. (Ảnh: Minh Trí)
Người dân huyện Sơn Hà điêu đứng sau mỗi lần Thủy Điện Đăkdrinh xả lũ. (Ảnh: Minh Trí)

Qua khảo sát, đánh giá mới đây của các sở, ngành liên quan về nguy cơ ảnh hưởng của các DATÐ trên địa bàn cho thấy: Công trình Thủy điện Sơn Trà 1 nếu triển khai xây dựng, ngoài việc làm mất đi nhiều rừng phòng hộ, ảnh hưởng lớn hệ sinh thái, môi trường thì hàng nghìn hộ dân của 10 trong số 14 xã nằm dưới hạ lưu sông Xà Lò có thể chịu rất nhiều hệ lụy về đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, hai DATÐ Trà Khúc 1 và Ðăkdrinh 2 đã được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép đầu tư và đang triển khai các bước tiếp theo, nhưng chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hà không đồng tình. Qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HÐND tỉnh Quảng Ngãi vừa qua tại huyện Sơn Hà, với 100% số cử tri nêu ý kiến không tán thành xây dựng các DATÐ Sơn Trà 1, Ðăkdrinh 2 và Trà Khúc 1. Chưa có DATÐ thì hàng chục nghìn người dân của huyện Sơn Hà đã khốn khổ vì ngập nước vào mùa mưa lũ. Nếu cho xây thêm DATÐ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào? Vì vậy, nhiều già làng, cán bộ lão thành cách mạng ở huyện Sơn Hà đang kiến nghị tỉnh loại bỏ các DATÐ có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Tổn hại nhiều rừng nguyên sinh

Ðưa chúng tôi đến khu rừng phòng hộ Thạch Nham – vị trí xây dựng công trình Thủy điện Sơn Trà 1, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham Ðoàn Ngọc Thạch chỉ tay vào những cây cổ thụ bức xúc nói: Khu rừng này đã được ngành chức năng đánh giá là rừng nguyên sinh có trữ lượng gỗ quý, hiếm nhiều nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. Nếu DATÐ mọc lên thì hàng chục ha rừng già ở đây sẽ biến mất. “Nếu xây dựng Thủy điện Sơn Trà 1 thì diện tích rừng bị “khai tử” không chỉ dừng ở con số báo cáo trong dự án, mà hơn 2.300 ha rừng phòng hộ khác ở 3 tiểu khu 247, 253 và 182 đều bị ảnh hưởng nghiên trọng. Còn Thủy điện Ðăkrinh 2 chiếm gần 200 ha, trong đó đất rừng khoảng 25 ha. Công trình Thủy điện Trà Khúc 1, diện tích rừng và đất sản xuất bị thiệt hại hơn 290 ha” – ông Thạch khẳng định.

Theo Ban quản lý rừng Sơn Hà thì hiện nay, nhà đầu tư thuê đơn vị ở Hà Nội vào tư vấn, khảo sát và lập quy hoạch chỉ dựa trên bản đồ phân bổ rừng là không thực tế, trong khi lãnh đạo huyện Sơn Hà chưa nắm đầy đủ thông tin về đầu tư xây dựng các DATÐ trên địa bàn. “Phương án tái tạo, trồng rừng chưa có; đánh giá tác động môi trường cũng chưa có. Vậy mà Sở Công thương cứ “ấn” dự án xuống, cứ một mực khẳng định dự án đem lại nhiều lợi ích. Chưa biết lợi ích thế nào, nhưng mất rừng, thay đổi môi trường sinh thái thì người dân địa phương phải chịu mọi hậu quả. Vì vậy, huyện Sơn Hà thống nhất kiến nghị với tỉnh không triển khai DATÐ Sơn Trà 1 trên địa bàn”- Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Ðặng Ngọc Dũng tỏ rõ quan điểm.

Thực tế, khi triển khai xây dựng DATÐ Sơn Trà 1, không chỉ mất đi hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn, mà dưới tác động của công trình này, diện tích rừng phòng hộ chắc chắn sẽ bị xâm hại thêm. Ban quản lý rừng phòng hộ cho rằng, vị trí xây dựng dự án này gần như là trung tâm của cánh rừng đầu nguồn, tiếp giáp với các tiểu khu có diện tích rừng quý lên đến hơn 2.300 ha. Khi xây dựng DATÐ sẽ có các tuyến đường vận chuyển vật liệu, đó là cơ hội để lâm tặc dễ dàng vào rừng triệt phá những cây gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi.

Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Diện tích rừng phòng hộ kể trên lâu nay do bị con sông Xà Lò ngăn cách với phần giáp ranh huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) nên vẫn bình yên. Thế nhưng, khi dự án Thủy điện Sơn Trà 1 được triển khai thì đường giao thông sẽ được mở đến tận bìa rừng, rồi chuyện dùng thuyền băng qua con sông này để vào rừng phòng hộ trở nên quá dễ dàng. Như vậy, có thể là điều kiện thuận lợi để lâm tặc tiếp cận rừng…

Hiện, nhiều DATÐ nêu trên đã và đang gây ra những hệ lụy đáng quan ngại. Nhiều thủy điện nhỏ mới lũ đã sợ vỡ đập, xả nước ào ào vì hồ chứa chỉ có vài triệu m3 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân. Tỉnh Quảng Ngãi không nên quy hoạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư quá nhiều DATÐ trên một huyện nghèo miền núi như Sơn Hà. Hiện, không chỉ huyện miền núi này không đồng tình đầu tư DATÐ, mà nhiều địa phương cũng bức xúc bởi làm thủy điện không tránh khỏi việc phá rừng. Hầu hết các DATÐ mới hiện nay đều không thực hiện đúng cam kết, gây tác hại môi trường, sinh thái, xáo trộn cuộc sống của người dân trên địa bàn.