Hãy cứu rừng đầu nguồn Yên Thế

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, khu vực rừng đầu nguồn thuộc xã Canh Nậu (Yên Thế, Bắc Giang) liên tục bị tàn phá. Các đối tượng có khi phát, đốt cả một khoảnh rừng rộng vài ha, có khi cắt tỉa hàng chục cây gỗ tự nhiên có tuổi từ 25 đến 30 năm. Vụ việc xảy ra không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong người dân địa phương.

Ai là thủ phạm phá rừng?

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, đại diện 17 hộ dân bản Chay (xã Canh Nậu) tố cáo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc (gọi tắt là Công ty Trường Lộc) phá rừng, hủy hoại rừng khu vực đường Cộc, đèo Uỷnh. Ngoài ra, Công ty Trường Lộc còn mở đường lên thượng Ba Mả với mục đích khai thác gỗ và dung túng cho nhân viên phát, đốt nhiều ha rừng. Ðáng chú ý, ngày 15-11 vừa qua, hàng chục người dân tổ chức “bắt giữ” một điểm tập kết gỗ tại tuyến đường nêu trên và báo lực lượng chức năng lên lập biên bản, thu giữ 12 m3 gỗ. Trước sự việc đó, huyện Yên Thế thành lập tổ liên ngành điều tra thủ phạm phá rừng. Công ty Trường Lộc khẳng định số gỗ là “sản phẩm” của lâm tặc và chỉ đích danh năm đối tượng có mặt trong số những người dân đứng ra tố cáo. Ðại diện của Công ty Trường Lộc cho rằng, việc chặt hạ số gỗ rừng tự nhiên, trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn như vậy nhằm mục đích duy nhất là tố cáo, hạ uy tín Công ty, để từ đó cho rằng Công ty không đủ năng lực quản lý, bảo vệ rừng, rồi kiến nghị Nhà nước giao lại đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ.

Ảnh minh họa: Báo Lào Cai
Ảnh minh họa: Báo Lào Cai

Sau khi liên lạc với những người dân đứng ra tố cáo, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến diện tích rừng bị cắt, đốt trước đó tại khu vực đèo Uỷnh, đường Cộc. Tại cánh rừng tự nhiên thuộc thượng Ba Mả (như người dân gọi), trên một khoảng dài 300 m từ mặt đường lên, còn hàng chục gốc cây có đường kính từ 20 đến 35 cm vẫn chưa khô nhựa và nhiều thân, cành cây chưa cắt nằm ngổn ngang. Ðây chính là khu vực mà lực lượng chức năng vừa thu giữ 12 m3 gỗ. Khu vực này giáp huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), thuộc diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn, nghiêm cấm khai thác. Hiện tại, toàn bộ diện tích này thuộc quyền quản lý của Công ty Trường Lộc nằm trong tổng số 1.394 ha đất rừng được UBND tỉnh Bắc Giang giao từ năm 2011.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn cơn của những khúc mắc, tranh chấp đất rừng, tố cáo lẫn nhau và hủy hoại tài nguyên rừng ở khu vực bản Chay, xã Canh Nậu xuất phát từ khi Công ty Trường Lộc được giao quản lý, bảo vệ, khai thác diện tích rừng này (trong tổng thể Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững 1.394 ha mà UBND tỉnh giao cho công ty này). Trước đó, diện tích thuộc bản Chay được giao cho Hội Cựu chiến binh xã Canh Nậu quản lý, một số khác được giao (hoặc người dân tự phát, đốt) để lấy đất canh tác. Thời gian đầu, Công ty Trường Lộc đã cùng cơ quan chức năng thu hồi, lập các chốt bảo vệ, cấm người dân xâm phạm khu vực được giao quản lý. Gần đây, do có khó khăn trong việc tổ chức bảo vệ, Công ty Trường Lộc đã để xảy ra một số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong khu vực quản lý. Ðiển hình là hộ ông Hà Văn Sự và Hà Văn Ước (ở bản Chay), từ năm 2009 đến đầu năm 2014 đã phát đốt và trồng cây trên đất của Công ty khoảng 3 ha; giữa tháng 6-2014, 17 hộ dân (bản Chay, bản Ðình, bản Thia) tự ý làm đường trên đất rừng và lấn chiếm hơn 6,2 ha để trồng cây; hộ Ðinh Văn Tuấn phá, lấn chiếm gần 1 ha. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm, người dân, bảo vệ của Công ty Trường Lộc còn phát hiện, bắt giữ hàng chục m3 gỗ đã bị chặt hạ, hàng chục ha rừng bị đốt, phát quang chiếm đất để sản xuất… Bên cạnh đó, Công ty Trường Lộc cũng nhiều lần bị nhắc nhở, phạt hành chính về việc buông lỏng quản lý rừng trong khu vực được giao.

Cần có biện pháp ngăn chặn

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế Ðồng Xuân Thanh khẳng định, một số vụ việc liên quan đến phá, hủy hoại rừng tại bản Chay, xã Canh Nậu từ trước năm 2014 đều đã được lực lượng chức năng xử lý. Tuy nhiên, một số hộ ở bản Chay không đồng thuận do muốn được giao lại rừng, đất rừng cho nên tìm cách khơi lại vụ việc. “Hiện tại chưa có kết luận ai phá rừng do tổ công tác đang xác minh, nhưng quan điểm của tôi là kiên quyết xử đúng, xử nghiêm bất kể đối tượng đó là ai”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, mặc dù ngày 14-8, UBND huyện Yên Thế có thông báo số 57/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Lưu Xuân Vượng về việc xử lý các đối tượng phá rừng nhưng việc thực thi của các bên liên quan lại không thỏa đáng. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến việc rừng tự nhiên đầu nguồn tiếp tục bị “xẻ thịt”, mà đỉnh điểm là vụ 12 m3 gỗ bị chặt hạ ngày 15-11.

Trả lời về trách nhiệm của lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng thường xuyên đóng trên địa bàn Yên Thế, ông Ðồng Xuân Thanh và ông Nguyễn Hồng Quảng cho biết, toàn bộ đất rừng trên địa bàn đã được giao cho các tổ chức và cá nhân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Về nhân lực, Hạt Kiểm lâm Yên Thế chỉ có tổng cộng 13 người; lực lượng bảo vệ của Công ty Trường Lộc chỉ có 12 người cho nên rất khó quản lý, bảo vệ. Sự phối hợp của chính quyền địa phương chưa tốt…

Trở lại vụ việc đối tượng chặt phá 12 m3 gỗ rừng tự nhiên ngày 15-11 vừa qua, có thể thấy các cơ quan chức năng cũng như đơn vị được giao rừng chưa làm hết trách nhiệm. Hạt Kiểm lâm chỉ biết khi người dân “báo”; cán bộ phụ trách bảo vệ của Công ty thì biết tin mới phóng xe máy lên; tổ công tác đi kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vì không chuẩn bị phương tiện, nhân lực vận chuyển tang vật về cất giữ; chính quyền xã thì làm ngơ như không biết… Nếu không xử lý dứt điểm, để tình trạng nêu trên tái diễn thì không những nguồn tài nguyên rừng tiếp tục bị tàn phá, mà chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục bị vi phạm, bị coi nhẹ. Ai phá rừng; ai lợi dụng chính sách giao rừng để vi phạm pháp luật, để trục lợi, bao che đối tượng phá rừng?… Ðề nghị các cơ quan chức năng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nhanh chóng làm rõ và xử lý theo pháp luật.