Nạo vét cửa sông Nhật Lệ: Lợi bất cập hại

ThienNhien.Net – Việc nạo vét hơn 2,2 triệu mét khối cát ở cửa sông Nhật Lệ là việc làm bất thường, không nhận được sự ủng hộ của người dân.Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT vừa ký hợp đồng với một doanh nghiệp thực hiện Dự án “Nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa sông ra biển trên sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình”. Theo đó, doanh nghiệp được tận thu tới 2,2 triệu mét khối cát để xuất khẩu. Các chuyên gia, nhà khoa học và người dân tỉnh Quảng Bình không đồng tình với việc nạo vét cát quá nhiều dễ gây sạt lở bờ sông và một phần bán đảo Bảo Ninh.

Cuối tháng 7 năm nay, người dân thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thấy 6 chiếc sà lan cỡ lớn dí vòi xuống cửa sông Nhật Lệ thi nhau hút cát chở đi. Bà con lo ngại, nếu hút cát quá nhiều, bán đảo Bảo Ninh sẽ rỗng chân và sạt lở nghiêm trọng. Bãi biển Nhật Lệ tuyệt đẹp có nguy cơ xâm thực, hồ nước Bàu Tró, hồ cung cấp nước ngọt chính cho thành phố Đồng Hới, đồng thời là di chỉ khảo cổ quan trọng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà Trần Thị Hai lo lắng trước việc hút cát quá nhiều sẽ gây sạt lở bờ sông. (ẢNh: vov.vn)
Bà Trần Thị Hai lo lắng trước việc hút cát quá nhiều sẽ gây sạt lở bờ sông. (ẢNh: vov.vn)

Bà Trần Thị Hai, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh thành phố Đồng Hới lo lắng, hút cát nhiều như thế thì sẽ cuốn trôi làng mạc: “Người dân đang lo là họ hút cát quá nhiều, đến khi bão lớn là sóng lớn vỗ vô bờ sạt lở, họ hút quá nhiều thì bão vô là nó cuốn trôi làng”, bà Hai cho biết.

Ngày 5/6/2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ký hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt, trụ sở tại TP HCM thực hiện Dự án “Nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa sông ra biển trên sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình”.

Theo đó, Công ty Hoàng Kim Việt được nạo vét 2,2 triệu mét khối cát từ Km 0 đến Km 3+200 cửa sông Nhật Lệ, chiều rộng từ 100 mét đến 400 mét, sâu đến 7  mét, giá trị hợp đồng là 130 tỷ đồng. Nhà thầu tự bố trí kinh phí nạo vét và được sử dụng cát tận thu để xuất khẩu, có nghĩa vụ nộp cho bên giao thầu gần 6,5 tỷ đồng.

Cửa sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thường xuyên xảy ra bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Đến năm 2010, cảng hàng hóa Nhật Lệ bị xóa chỉ còn tàu thuyền nhỏ của ngư dân ra vào. Vì vậy, việc Cục Đường thủy nội địa cho phép Công ty Hoàng Kim Việt nạo vét, lấy đi một lượng cát quá lớn gây nhiều lo lắng cho người dân địa phương và các chuyên gia.

Ông Nguyễn Xơn, nguyên Trưởng phòng Thủy lợi, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi ở tỉnh Quảng Bình cho biết: Bồi lấp cửa sông Nhật Lệ phụ thuộc vào dòng chảy biển mà dòng chảy biển lại phụ thuộc vào các mùa gió. Do vậy, các vị trí bồi lấp cửa sông luôn thay đổi tùy theo dòng chảy biển và mùa gió.

“Cát bồi lấp ở những cửa sông, cửa biển là do dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác theo gió và dòng chảy biển. Việc khoét sâu xuống lòng sông, lòng biển làm cho cát hai bên bờ dịch chuyển xuống chỗ trũng sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển”, ông Xơn khẳng định.

Theo ông Nguyễn Xơn, năm 2009, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Linh Thành cũng đã xin nạo vét thông luồng và kết hợp tận thu cát nhiễm mặn nhưng chỉ nạo vét chưa tới 1km, khối lượng cát lấy đi chỉ khoảng 300.000 mét khối. Bây giờ Công ty Hoàng Kim Việt nạo vét 2,2 triệu mét khối là điều cần phải xem xét kỹ.

“Phải có tính toán để việc hút cát không làm xói lở bờ, ổn định được bờ và tạo được luồng cho ngư dân ra vào. Những việc này cần phải hài hòa với nhau”, ông Xơn chỉ rõ.

Ông Nguyễn Xơn, nguyên Trưởng phòng Thủy lợi, sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: vov.vn)
Ông Nguyễn Xơn, nguyên Trưởng phòng Thủy lợi, sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: vov.vn)

Ông Nguyễn Ngọc Giai, nguyên Chi cục trưởng chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Quảng Bình, người có hàng chục năm gắn bó với công tác khắc phục sạt lở các bờ sông, bờ biển tỉnh ở Quảng Bình cho rằng: Sông Nhật Lệ là một dòng sông khá đặc biệt. Bởi sông đổ ra biển theo hướng Tây Nam – Đông Bắc nên cửa sông Nhật Lệ hứng gió mùa đông bắc và thường xuyên bị sạt lở nặng nề.

Nhiều thời điểm sông Nhật Lệ ăn sâu vào con đường Trương Pháp làm cho tượng đài Trương Pháp trơ móng. Tỉnh Quảng Bình đã thưc hiện nhiều biện pháp đồng bộ như xây mỏ hàn chữ T, đóng cọc tre, làm kè để chống xói lở. Theo ông Nguyễn Ngọc Giai, việc nạo vét thông dòng sông Nhật Lệ nhất thiết phải thực hiện đồng bộ với việc chống xói lở bờ sông.

“Cửa Nhật Lệ nhiều năm không được ổn định. Trước đây diễn biến là sạt lở bờ Bắc rất lớn. Sau đó lại diễn biến bồi lắng, rồi lại sạt lở ở bờ Nam. Cho nên nếu lấy cát thông dòng thì phải được cân nhắc. Nếu không đặt vấn đề chống xói lở thì có thể xảy ra những việc không lường được”, ông Giai cho hay.

Rất nhiều tài liệu nghiên cứu về cửa sông Nhật Lệ trước đây cho thấy, các nhà khoa học thủy lợi đã từng khuyến cáo chỉ nên nạo vét chiều rộng chừng 50 mét và khối lượng cát cần nạo vét là 280 ngàn mét khối.

Nhưng không hiểu vì sao Cục Đường thủy nội địa lại hợp đồng với Công ty Hoàng Kim Việt nạo vét với khối lượng gấp gần 10 lần so với khuyến cáo của các nhà khoa học? Và trong hồ sơ dự án không hề có sự tham gia của các nhà khoa học? Và ngay cả báo cáo đánh giá tác động môi trường do UBND tỉnh Quảng Bình phế duyệt cũng không hề có một dòng nào nói đến việc chống xói lở cho bờ sông Nhật Lệ.

Thực tế tại tỉnh Quảng Bình cho thấy, ở cửa sông Gianh là cửa sông trọng điểm cho tàu bè cỡ lớn ra vào nhưng Cục Hàng hải chỉ nạo vét 600.000 mét khối cát theo đúng khuyến cáo của các nhà khoa học. Vì thế, việc nạo vét hơn 2,2 triệu mét khối cát ở cửa sông Nhật Lệ là việc làm bất thường, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong cán bộ và nhân dân địa phương.