Quảng Nam: Chảy máu khoáng sản vì núp bóng nạo vét hồ chứa

Để đảm bảo nước tưới tiêu cho vụ Hè Thu, UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án nạo vét lòng hồ Khe Bò. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án là UBND xã Đại Hồng đã buông lỏng quản lý để đơn vị thi công lợi dụng khai thác cát đem bán trái phép gây thất thoát tài nguyên.

Từ thông tin phản ánh của người dân đơn vị thi công khai thác khoáng sản trái phép tại công trình nạo vét lòng hồ hồ chứa nước Khe Bò, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường tìm hiểu vụ việc.

Theo tìm hiểu, do ảnh hưởng bởi mùa mưa bão năm 2020, nên hồ chứa nước Khe Bò đã hồ bị bồi lắng nặng làm lưu lượng nước trong hồ chứa không đám ứng được công tác tưới tiêu. Để đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Đại Lộc đã phê duyệt công trình Nạo vét bồi lấp lòng hồ hồ chứa nước Khe Bò do UBND xã Đại Hồng làm chủ tư; đơn vị lập phương án là Công ty cổ phần Na Sơn Quảng Nam; với tổng diện tích lòng hồ cần nạo vét là 2,38ha; chiều cao lớp đào vét từ 0,5m đến 0,6m; khối lượng cát nạo vét: 6.532 m3; tổng kính phí nạo vét: 262.126.000đ được lấy từ vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa lũ năm 2020 và vốn ngân sách xã (vốn hỗ trợ mưa lũ 250 triệu).

Xe tải cở lớn đang vận chuyển cát tại điểm tập kết cát được nạo vét từ hồ chứa nước Khe Bò đem bán.

Ông Phạm Ích Khiêm, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, đây là dự án thuộc lĩnh vực công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp 4. Công trình có đầy đủ giấy tờ pháp lý và đã triển khai được khoảng 10 ngày. Hiện nay, máy móc bị hỏng nên đơn vị thi công phải tạm dừng thi công.

Tìm hiểu hồ sơ do UBND xã Đại Hồng cung cấp, chúng tôi phát hiện rất nhiều điểm bất cập như hồ sơ dự án được lập chưa ghi ngày tháng nhưng vẫn được phê duyệt, chưa có bản vẽ biện pháp thi công được duyệt. Đặc biệt, công trình chưa có hợp đồng thi công nhưng đơn vị thi công vẫn triển khai, phương pháp thi công không phù hợp với phương án nạo vét được duyệt,…Vấn đề này, ông Khiêm giải thích là hồ sơ đang hoàn thiện!?

Khi phóng viên đưa ra thông tin tại hiện trường, đơn vị thi công là Công ty Phúc Thành Đạt (Quảng Nam) đã khai thác cát vận chuyển đi bán. Thế nhưng, ông Khiêm lại khẳng định không có.

Xe vận chuyển cát hoạt động cả ban đêm.

“Cát được nạo vét đem đi đổ thải tại 3 địa điểm trên địa bàn xã đó là bãi trước trạm Y tế xã Đại Hồng, bãi sau UBND xã Đại Hồng và bãi cầu Ngọc Thạch. Nghiêm cấm việc đưa cát nạo vét ra ngoài thị trường. Hiện nay mới đổ được 3 đến 4 xe tại trạm y tế xã” – ông Khiêm nói.

Theo ông Khiêm chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại bãi thải trước Trung tâm y tế xã Đại Hông, tại đây có khoảng 10 m3 đất bồi được đổ thải, khác hẳn với mẫu cát không lẫn tạp chất được đơn vị thi công tập kết thành đống bên cạnh hồ chứa.

Rõ ràng thông tin người dân cung cấp cho phóng viên là hoàn toàn có cơ sở. Tại hiện trường mà phóng viên quan sát đơn vị thi công đã sử dụng đoàn xe 4 giò (4 trục bánh xe), xe HOWO cõ lớn để vận chuyển cát sau nạo vét, trong khi đường vào bãi thải tại trung tâm y tế xã chỉ vừa cho xe tải cở nhỏ tầm 3,5m. Chưa hết, nếu là nạo vét đem đổ thải thì tại sao đơn vị thi công phải bơm cát qua sàn để loại bỏ đá sỏi?

Công trường đang tạm dừng nhưng cát sau nạo vét vẫn còn tập kết thành đống.

Tại hiện trường, hiện vẫn còn nhiều khối cát được tập kết, chất đống cao. Máy đào, máy xúc, máy hút cát nằm la liệt. “Mấy hôm trước, máy móc triển khai rầm rộ, xe chở cát hạng lớn nối đuôi nhau. Có khi đêm hôm họ cũng cho xe vào chở cát. Mấy hôm nay thì thấy nằm im lìm”, một người dân cho biết.

Ông Khiêm cho rằng, việc đơn vị thi công vận chuyển cát ra ngoài bán là đơn vị thi công làm sai, UBND xã chỉ thuê nạo vét chở đi đổ thải tại 3 địa điểm đã được phê duyệt, xã theo dõi khi nào cát tại 3 bãi thải đổ đủ khối lượng ký kết thì dừng đồng thời ký thanh toán.

Hiện trường bãi thải tại trung tâm y tế xã có mẫu cát khác với mẫu cát tại công trường nạo vét.

Dự án lập một đằng, đơn vị thi công một nẻo khiến người dân địa phương bức xúc. Trái hẳn với hồ sơ phê duyệt, Công ty Phúc Thành Đạt đêm ngày chở cát đi bán. Liên tiếp trong vòng mấy ngày qua, PV theo dõi và ghi lại cảnh xe tải, xe ben cở lớn ngày đêm nối đuôi nhau ra vào công trình nạo vét hồ chứa nước Khe Bò. Sau khi “ăn no” cát, đoàn xe này rầm rập chở ra Thừa Thiên Huế tiêu thụ.

Hành vi này không chỉ sai so với hồ sơ thiết kế mà còn vi phạm pháp luật. Bởi lẽ số cát trên được bán ra thị trường sẽ trở thành cát không hóa đơn, không nguồn gốc chứng từ. Nghiêm trọng hơn là gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thoát nguồn thu ngân sách.