Anh luật hóa yêu cầu minh bạch đối với các công ty khai khoáng

ThienNhien.Net – Điều luật của Vương quốc Anh quy định các công ty khai khoáng phải công khai các khoản chi nộp cho chính phủ đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 12 này, sau khi Bộ trưởng Bộ Thương Mại Anh ký quyết định thông qua vào ngày 28/11/2014.

Quy định này áp dụng các điều khoản chống tham nhũng đối với ngành dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng và khai thác gỗ quy định tại Chương 10 của Chỉ thị Kế toán EU 2013.

Theo điều luật mới, các công ty dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng và lâm nghiệp đăng ký tại Anh và niêm yết ở EU phải báo cáo các khoản chi phí nộp cho chính phủ các quốc gia mà họ có hoạt động theo từng dự án và từng năm tài chính bắt đầu từ tháng 1/2015.

Việc thông qua các điều luật nói trên là kết quả của một quá trình xây dựng luật kéo dài 3 năm kể từ khi Liên minh Châu Âu lần đầu tiên đề xuất yêu cầu công khai thông tin công ty theo từng quốc gia vào tháng 10/2011. Những báo cáo đầu tiên dự kiến sẽ được công bố vào năm 2016.

Căn cứ vào điều luật mới, các công ty khai khoáng đăng ký ở Anh phải thực hiện báo cáo này gồm các công ty/tập đoàn lớn như Anglo-American, BG Group, BP, Rio Tinto và Shell. Tuy nhiên, theo Chỉ thị Minh bạch 2013 của EU thì Vương quốc Anh phải áp dụng các yêu cầu về minh bạch tương tự cho cả các công ty không đăng ký tại Anh nhưng niêm yết tại thị trường chứng khoán London như BHP Billiton, Glencore-Xstrata, Total, Gazprom và Sinopec. Cơ quan Thực thi Tài Chính Anh đang điều chỉnh Các quy định về Minh bạch và Công khai của Thị trường chứng khoán London cho phù hợp với yêu cầu này.

Ảnh minh họa: coalminingandgeology.com
Ảnh minh họa: coalminingandgeology.com

Vương quốc Anh là quốc gia EU đầu tiên hoàn tất việc chuyển sang hình thức báo cáo theo từng quốc gia mà các công ty có hoạt động theo yêu cầu của Chỉ thị Kết toán EU 2013. Động thái này của Anh là bước tiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và nghèo đói trên toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh, bà Jo Swinson phát biểu: “Các công ty dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng phải công khai các khoản chi để đảm bảo chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới đều phải thực hiện các quy định về minh bạch. Việc thông qua các điều luật này cũng chứng tỏ Anh là quốc gia dẫn đầu trong công cuộc cải thiện tính minh bạch trong lĩnh vực khai khoáng, đồng thời thể hiện rằng Anh đã hoàn thành những gì đã cam kết Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm ngoái tại Lough Erne. Thành tựu này là kết quả của sự phối hợp hệ chặt chẽ giữa chính phủ, các doanh nghiệp và khối xã hội dân sự tại Anh. Ngoài ra, việc làm này của Anh cũng sẽ giúp cải thiện các tiêu chuẩn toàn cầu về yêu cầu minh bạch và góp sức vào cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.”

Theo ông Miles Litvinoff, điều phối viên Liên minh Công bố các khoản chi (PWUP) tại Anh, hành động đi đầu của Anh sẽ đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và thiết lập một tiêu chuẩn minh bạch toàn cầu về các khoản thu từ tài nguyên thiên nhiên. Quản lý tốt và hạch toán đúng các khoản thu từ dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng sẽ giúp gia tăng đáng kể đầu tư vào y tế, giáo dục, phát triển xã hội và đa dạng hóa nền kinh tế ở các nước nghèo.

“Thay đổi các quy tắc minh bạch cho tất cả 28 quốc gia thành viên của EU sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Các quy định công khai tương tự cũng đã được ở Mỹ và Na Uy thông qua, Canada đang chuẩn bị áp dụng và Pháp cũng theo sau Anh.” – Ông Litvinoff nói thêm.

Các nhà vận động chính sách ở các nước đang phát triển rất tán dương các điều luật mới này của Anh. Bà Faith Nwadishi, điều phối viên PWUP Nigeria nhận xét: “Những điều luật này sẽ là bước tiến lớn đối với sự minh bạch ở châu Phi. Nhờ những quy định như vậy, chỉ cần dựa vào báo cáo theo từng dự án, chúng tôi có thể biết chính xác khoản tiền các công ty như Shell chi nộp cho chính phủ của chúng tôi. Điều này giúp người dân hiểu biết tường tận về các công ty và chính phủ, từ đó tạo động lực cho chính phủ phải hạch toán sao cho cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên”.

Bà Nwadishi nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi hy vọng các quốc gia thành viên khác của EU cũng ban hành các điều luật báo cáo nghiêm ngặt cho chính họ sớm nhất có thể và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ – đơn vị trì hoãn thực hiện điều 1504 Đạo luật Dood-Frank trong 4 năm, có những hành động kịp thời”.

Các điều luật về minh mạch của Mỹ và EU sẽ chi phối 65% giá trị của ngành khai khoáng tại các thị trường vốn lớn của thế giới bao gồm Trung Quốc, Nga, Brazil và các công ty sở hữu nhà nước khác. Một khi những yêu cầu tương tự được áp dụng ở Canada thì 84 trong số 100 công ty dầu mỏ và khí đốt, 58 trong số 100 công ty khai mỏ lớn nhất thế giới sẽ phải công khai các khoản chi của họ một cách chi tiết theo từng quốc gia và từng dự án.