Đào vàng mùa mưa (Kỳ cuối): Tan nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

ThienNhien.Net – Ngay cả Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (vùng giáp ranh giữa hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) thực trạng khai thác vàng trái phép cũng ngày đêm diễn ra.

“Lãnh địa vàng tặc” trong vùng cấm 

Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (KBTST) nằm trên địa bàn hai huyện Phước Sơn và Nam Giang, giáp biên giới nước CHDCND Lào, với diện tích 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm. Riêng khu vùng lõi được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng tại khu vực này, nhiều năm qua các đối tượng khai thác vàng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, dù bên ngoài KBTST có nhiều đơn vị chức năng túc trực bảo vệ.

Để vào KBTST từ hướng Phước Sơn chỉ có độc đạo đi từ thôn 4 (xã Phước Đức, H. Phước Sơn) vào. Đầu đường, một barie chắn ngang do lực lượng liên ngành quản lý. Nếu  ô-tô, xe tải vào thì phải được sự đồng ý của trạm này. Con đường đất đỏ dẫn vào KBTST nhão nhoẹt, lầy lội. “Lữ khách” như chúng tôi vào đó chỉ có cách duy nhất là đi xe ôm. “Tiền nào của nấy, mỗi cuốc 1 triệu đồng. Hai người đi trên hai xe thì chúng tôi lấy 2 triệu cho chuyến khứ hồi. Đường này không phải như các nơi khác, muốn đi chúng tôi phải gắn thêm xích chuyên dụng vào bánh xe, nếu không xe sẽ lao xuống hố ngay”, anh xe ôm tên Khánh giải thích khi chúng tôi thương lượng giá.

Trong chuyến hành trình vào KBTST, chúng tôi mới cảm nhận hết được câu nói của anh xe ôm. Đây là con đường mở ra chỉ phục vụ cho việc khai thác lâm khoáng sản trái phép nên rất khó đi. Những bánh xe in hằn trên con đường lầy lội. Anh xe ôm phải điều khiển cho xe của mình chạy theo dấu vết sâu hoắm của những chiếc xe đi trước. Theo quan sát của chúng tôi, để phục vụ cho việc làm vàng trái phép, các chủ bãi đã cho xe đào phá những cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ lớn. Những quả đồi núi cũng bị san bằng để thuận lợi cho việc đưa xe cơ giới vào. Con đường được mở xuyên KBTST dài hàng chục ki-lô-mét trong nhiều năm qua, thế nhưng sự việc nghiêm trọng này không thấy các ngành chức năng xử lý(?).

Vàng tặc băm nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)
Vàng tặc băm nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)

Những cánh rừng già xanh tốt ngút ngàn trong KBTST đã bị đào bới tan hoang, đất đá nham nhở như một bãi chiến trường. Hơn 2 giờ ngồi xe ôm, chúng tôi mới vào đến được khu vực Khe Nhiên, suối Ring (thuộc xã Phước Đức, H. Phước Sơn và xã Đắc Pring, H. Nam Giang). Tại hiện trường, cây rừng bị đào hạ ngổn ngang, la liệt, nhiều đối tượng “lâm tặc” còn tận dụng những cây gỗ to của “vàng tặc” triệt hạ để cưa ra lấy gỗ đưa ra bên ngoài tiêu thụ, xung quanh các khe suối, nước chảy đục ngầu. Gần đó, một xe múc với 3 lao động đang khai thác vàng một cách ngang nhiên cạnh suối Ring. Thấy chúng tôi ghi hình, một lúc sau các đối tượng mới tắt máy vào lán gần đó ngồi…

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, tại khu vực này từ năm 2012 đến nay, các đối tượng đã đưa phương tiện, máy móc, con người vào tổ chức khai thác vàng trái phép ồ ạt, tàn phá tan hoang KBTST. Nhiều lần, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành truy quét, nhưng “việc đâu lại vào đấy”. Khi các đoàn rút lui thì các đối tượng trên lại tiếp tục đưa phương tiện cơ giới máy móc vào khai thác.

Có một điều đặc biệt, để đưa 1 xe múc vào KBTST, chủ bãi vàng phải qua rất nhiều “cửa ải” như, chốt Kiểm lâm, trạm kiểm tra liên ngành đặt tại thôn tư Phước Đức – nơi chốt giữ con đường độc đạo để vào KBTST… “Cửa ải dày đặc, nhưng không hiểu sao những chiếc xe múc to vật vã vẫn có mặt trong lòng KBTST để khai thác vàng, tàn phá nơi đây”, anh xe ôm cho biết…

Gỗ Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị “vàng tặc” bứng gốc để cho “lâm tặc” cưa xẻ đem ra ngoài. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)
Gỗ Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị “vàng tặc” bứng gốc
để cho “lâm tặc” cưa xẻ đem ra ngoài. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)

Truy quét “định kì”

Chúng tôi rời khu vực trên vài ngày thì lực lượng kiểm tra khoáng sản liên ngành (gồm Sở TN&MT, các ngành chức năng thuộc H. Phước Sơn) tiến hành kiểm tra, truy quét các điểm nóng khai thác vàng tại KBTST, qua đó đã ghi nhận tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây rất phức tạp như chúng tôi đã đề cập ở trên. Theo báo cáo của đoàn cho thấy, tại bãi vàng Nhẹ (thôn tư, xã Phước Đức) có 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 6 máy xay đá, 5 máng tuyển đãi vàng bằng gỗ, 2 hồ chứa nước và 1 mỏ lộ thiên bị đục khoét sâu dưới lòng đất với quy mô rộng 0,5ha. Kiểm tra hiện trường suối Ring (thuộc xã Đắc Pring, H. Nam Giang, giáp ranh Phước Sơn) không có người lao động, chỉ có một sàng tuyển bằng sắt. Tuy nhiên, một khu rừng rộng 3ha đã bị cày xới ngổn ngang, nhiều điểm nước ứ đọng nhuốm màu đỏ. Tương tự, tại suối Ring, qua kiểm tra có 5 máy xay đá, 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 40 lít dầu diesel, 20 lít nhớt cùng nhiều dụng cụ phục vụ cho việc tận thu vàng. Khi đoàn kiểm tra đến, tất cả máy móc đều dừng hoạt động, không có người tại hiện trường. Do vậy, ngành chức năng đã đốt phá toàn bộ các lán trại, thiết bị máy móc, dụng cụ phát hiện được.

Trong báo cáo cho thấy không phát hiện thấy xe múc. Như vậy những xe múc, những máng tuyển quặng vàng lớn mà chúng tôi ghi nhận trước đó đã được “tẩu tán” trước khi đoàn kiểm tra liên ngành vào (?).

Thông tin với P.V, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho biết, việc “vàng tặc” hoành hành tại khu vực KBTST rất đáng lo ngại, đặc biệt trong mùa mưa. “Năm ngoái chúng tôi cũng vào kiểm tra, truy quét. Lúc đó quy mô lán trại của vàng tặc nhiều hơn lúc này. Qua các đợt kiểm tra, truy quét, đoàn sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện Phước Sơn, Nam Giang, BQL Khu BTST tiếp tục tổ chức các biện pháp nhằm ngăn chặn, truy quét, chốt giữ và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép”, ông Ba nhận định.  Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành trên vừa rút lui được vài ngày, đã có hàng chục quân đào vàng trái phép vào tiếp tục khai thác vàng trái phép trong KBTST.

Qua đây có thể thấy, chính việc quản lý lỏng lẻo, lơ là của các ngành chức năng đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức vào tàn phá khu “rừng cấm” này. Bên cạnh đó có thể thấy, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại KBTST còn bất cập. Đến nay, đơn vị này quản lý chưa cắm mốc được ranh giới bảo tồn và ranh giới các phân khu chức năng ở ngoài thực địa. Chính vì thế, các phân khu chưa được bảo vệ hiệu quả và chưa tìm được tiếng nói chung trong khâu giữ tài nguyên rừng, khoáng sản giữa Ban quản lý KBTST và chính quyền hai huyện Phước Sơn, Nam Giang.