Nỗi lo sau cổ phần hóa nông, lâm trường

ThienNhien.Net – Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015, ngành nông, lâm nghiệp phải tiến hành cổ phần hóa (CPH) 14 doanh nghiệp (DN). Đến nay, đã có bảy đơn vị hoàn thành CPH và chín đơn vị khác sắp hoàn thành, bảo đảm lộ trình đề ra. Tuy nhiên, câu chuyện đổi mới khối nông, lâm trường quốc doanh (nay là các công ty nông, lâm nghiệp) lại không đơn giản…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đang quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp ngành nông nghiệp, trong đó CPH được xem như là giải pháp sắp xếp, đổi mới DN nhà nước triệt để nhất. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn nhận định: Do đặc thù của ngành là bên cạnh những DN nhà nước hoạt động ở các khâu chế biến, thương mại, dịch vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp, còn có số lượng lớn các công ty nông, lâm nghiệp gắn với đất, vườn cây và việc giao khoán cho bà con… cho nên việc thực hiện tái cơ cấu các đơn vị này gắn với việc phải bảo đảm ổn định đời sống cho bà con, ổn định đất đai, và gắn với mục tiêu phát triển rừng.

Đây là cái rất khó cho ngành nông nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu DN nhà nước. Được biết, sau gần 10 năm triển khai sắp xếp, đổi mới, phát triển các lâm trường quốc doanh, từ 256 lâm trường trước đây, nay đã giảm xuống còn 148 công ty lâm nghiệp, giải thể 14 lâm trường quốc doanh hoạt động yếu kém. Một số công ty đã tổ chức lại sản xuất, tạo thành mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp liên kết giữa vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Chăm sóc giống cây tại vườn ươm của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình/Tuyên Quang (Ảnh: Nhân Dân)
Chăm sóc giống cây tại vườn ươm của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình/Tuyên Quang (Ảnh: Nhân Dân)

Tuy nhiên, quá trình đổi mới lâm trường quốc doanh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đó là nhiều công ty lâm nghiệp sau sắp xếp vẫn chưa thay đổi về cơ chế quản lý, quản trị và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, vẫn lúng túng trong sản xuất, kinh doanh. Một trong những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết dứt điểm là việc quản lý, sử dụng đất đai diễn biến phức tạp, thậm chí đã tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội. Dù đã chuyển đổi, nhưng ngoại trừ một số tập đoàn, tổng công ty (như trong lĩnh vực cao-su, cà-phê…) là có sự thay đổi về chất, còn nhìn chung vẫn là “bình mới, rượu cũ” chưa có gì thay đổi. Theo đánh giá sơ bộ, hiện có khoảng 30 đến 40% số lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả, trong đó hiện 1/4 số công ty bị thua lỗ.

Trước những bất cập nêu trên, ngày 12-3-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Kế hoạch những năm tới sẽ tiến hành CPH hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp. Tuy vậy, theo nhận định chung, công tác CPH ngành nông, lâm sẽ khó gấp bội phần so với các loại hình DN khác. Trước khi CPH, từng công ty phải giải quyết được phần đất tranh chấp với người dân, thu hồi được đất đai sau khi khoán trắng đã bị chuyển nhượng trái phép. Với những công ty nếu CPH mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, thì dĩ nhiên đất canh tác sẽ không phải theo hình thức Nhà nước giao, mà các công ty sẽ phải thuê đất từ Nhà nước. Khi ấy, phần vốn của DN sẽ chỉ được tính ở giá trị cây cối, không đáng kể, cho nên rất ít người muốn mua cổ phần của các công ty này. Điển hình như Công ty lâm nghiệp Yên Sơn ở Tuyên Quang, khi CPH, tổng giá trị tài sản chỉ là 5,193 tỷ đồng; nhưng tiền thuê đất trả liền một lần là 205 tỷ đồng. Vì vậy, rất ít công ty nông, lâm nghiệp có điều kiện thu hút các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Rõ ràng, nếu hiểu CPH như là việc thay một phần “máu” cho các đơn vị ngành nông, lâm, thì để lượng “máu” ít hơn vừa được thay vào có thể hòa hợp được với lượng máu lớn hơn còn lại, từ đó thay đổi toàn bộ “cơ thể” lại là việc không dễ.

“Công tác CPH doanh nghiệp nhà nước là quá trình chuyển sở hữu vốn DN theo quy trình chặt chẽ, vừa phải bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường trong quá trình CPH, có phương án sắp xếp khả thi, hiệu quả hơn, đồng thời bảo toàn được vốn của Nhà nước. Do vậy, có rất nhiều công việc phải giải quyết vừa khẩn trương, vừa thận trọng, nên ở một số DN tiến độ CPH đề ra còn chậm. Việc chào bán cổ phần ra công chúng trong hoàn cảnh cụ thể ở một số DN rất khó khăn, các doanh nghiệp nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi IPO cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược”. – Ông Hà Công Tuấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Vừa qua, Chính phủ đã sửa đổi bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP bằng Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15-9-2014 về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DN nhà nước để tháo gỡ một số khó khăn cho DN khi thoái vốn và xác định giá trị…

Những động thái quyết liệt ở tầm vĩ mô về lâu dài chắc hẳn sẽ có những hiệu ứng tích cực với việc tổ chức, sắp xếp các DN ngành nông, lâm. Tuy nhiên, muốn có những đột phá rất cần những giải pháp mạnh từ cơ sở. Bởi chúng ta không chỉ lo thúc đẩy CPH đi đúng lộ trình mà còn phải có những giải pháp thỏa đáng cho vấn đề “hậu CPH” – tức là sau khi CPH, các đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ hoạt động như thế nào. Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ NN và PTNT Đỗ Văn Nam cho rằng: DN sau CPH sẽ phải tự chủ về tài chính, tự phát hành cổ phiếu, tự hạch toán độc lập, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải có trách nhiệm với tài sản của mình. Chuyển hoạt động từ hình thức được bao cấp sang tự lo là cả một quá trình, vì thế chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra sau khi CPH, như làm thế nào để không bị tư nhân hóa; người lao động không bị thất nghiệp. Tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động phải là mục tiêu sống còn sau khi CPH các công ty nông, lâm nghiệp. Theo quy định thì người lao động có tên trong DN tại thời điểm CPH sẽ được mua cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất.

Nhưng hầu hết người lao động tại các công ty nông, lâm nghiệp hiện làm việc theo hợp đồng nhận khoán, có quan hệ kinh tế lâu dài với công ty, họ sẽ không thuộc nhóm đối tượng được mua cổ phần ưu đãi. Vì vậy, sẽ không gắn kết lợi ích giữa công ty với lao động nhận khoán để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển DN. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 30-NQ/TW là phải bảo đảm chế độ đối với lao động dôi dư khi sắp xếp, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp. Do đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực về chế độ, chính sách đối với họ, nhất là chế độ cho các đối tượng từng là thành viên hội đồng thành viên, ban giám đốc, kế toán trưởng, ban kiểm soát… nếu họ phải nghỉ việc sau khi DN tổ chức lại. Đồng thời, thực hiện giải quyết kịp thời chế độ đối với người lao động dôi dư để giảm gánh nặng tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp sau khi CPH.