Cần điều chỉnh căn bản chính sách với nông, lâm trường

ThienNhien.Net – Trong việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, cần phải nghiên cứu một cách thực sự nghiêm túc, thận trọng với tư duy đổi mới nhằm đưa ra những chính sách phù hợp để quản lý và phát huy một cách hiệu quả nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, đất rừng.

Phát biểu sau một ngày nghe các ý kiến của các địa phương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW cho rằng yêu cầu tiên quyết đặt ra là đất đai và rừng phải có người quản lý, không thể để tình trạng không ai quản lý, quản lý không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để xảy ra thất thoát.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khảo sát vườn cao su của Công ty Cao su Việt Trung, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Xuân Tuyến/Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khảo sát vườn cao su của Công ty Cao su Việt Trung, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Xuân Tuyến/Chinhphu.vn)

Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần gắn quyền lợi với trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý này, từ đó xử lý hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Về quy hoạch sử dụng đất, Phó Thủ tướng đề nghị cần phân loại rừng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để trên cơ sở đó, nghiên cứu để xây dựng phương án đo đạc, cắm mốc, kiểm kê đất, xử lý các tồn tại về đất đai, xây dựng mô hình phù hợp.

“Về nguyên tắc, không nên cứng nhắc theo một loại hình, mô hình nhất định nào. Nếu cứng nhắc một mô hình nào đó, rất có thể đúng chỗ này nhưng không đúng chỗ khác, do vậy tùy thuộc vào tình hình thực tế để có mô hình và phương thức quản lý phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Qua thực tế ở nhiều địa phương, có thể khẳng định nếu công ty nông, lâm nghiệp có cơ sở chế biến sản xuất gắn kết với người dân, người lao động, có hỗ trợ đầu vào, đầu ra, có hình thức bao tiêu sản phẩm thì sẽ thành công, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đảm bảo đời sống người dân được nâng lên.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 28 cũng đã xuất hiện một số mô hình mới như mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, mô hình Ban Quản lý rừng nằm trong Công ty…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng cần có thay đổi căn bản về cơ chế chính sách vì còn nhiều bất cập so với thực tiễn, chẳng hạn như cơ chế chính sách đối với rừng nghèo kiệt, chính sách thuế, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, vốn cho doanh nghiệp…

“Đối với những cơ chế chính sách trong thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, hoàn toàn có thể tập trung nghiên cứu để ban hành sớm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Việc cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp thực tế cũng đã được triển khai thí điểm ở một số đơn vị, tuy nhiên kết quả cụ thể chưa được tổng kết một cách khoa học, chặt chẽ. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong thời gian tới, có thể cho phép tiếp tục thí điểm cổ phần hóa công ty nông, lâm nghiệp nhưng phải bảo đảm một số nguyên tắc và thực hiện đúng quy hoạch; đất đai chuyển sang cho thuê, thay vì giao đất; bảo đảm quyền lợi của người dân trên địa bàn, lao động trong công ty.

Để tiếp tục tổng kết một cách đầy đủ kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 28, trên cơ sở đó báo cáo, kiến nghị những định hướng lớn, những giải pháp phù hợp trong sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, các địa phương cần tích cực cập nhật thêm tình hình, đánh giá thật rõ về từng nội dung để nắm được thực trạng một cách chính xác, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, ban hành chính sách.