Lâm trường lâm… nợ! – Bài cuối

Bài cuối: Tìm hướng đi phù hợp  

ThienNhien.Net – Hiệu quả chuyển đổi từ lâm trường sang Công ty lâm nghiệp không đạt được như kì vọng. Rừng vẫn bị mất, bị xâm chiếm… Để cứu rừng, ngành chức năng đang tiếp tục tìm hướng đi cho các Công ty lâm nghiệp.

Thực tế, sau chuyển đổi theo Nghị định 200, một số chủ rừng đã rất nỗ lực tìm hướng đi riêng cho mình. Thế nhưng, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc kinh doanh thua lỗ, khiến Công ty vốn đã khó lại chồng thêm khó. Sau chuyển đổi, Công ty Ea H’mơ và Công ty Rừng Xanh (H. Ea Súp, Đắc Lắc) mạnh dạn đầu tư nuôi đàn bò gần 300 con để có thêm “đồng ra đồng vào”. Trước năm 2011, những Công ty này còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên cũng không đến nỗi khó khăn. Đàn bò được đầu tư nên số lượng ngày càng tăng. Từ năm 2011, chỉ tiêu khai thác gỗ hết, tiền hỗ trợ chi phí bảo vệ rừng hàng năm không đủ để duy trì hoạt động bộ máy Công ty.

Để tự “cứu” mình, 2 Công ty này lần lượt bán đi đàn bò của mình. Bò bán hết, Công ty lại không có vốn để tái đầu tư dẫn đến kế hoạch nuôi bò phá sản hoàn toàn. Trường hợp khác như Công ty Cư Mlan (H. Ea Súp). Năm 2003, Công ty đã tiến hành thuê hồ Ea Súp Thượng (H. Ea Súp) để thả cá chép, cá mè, cá trôi kết hợp với ba ba. Mỗi năm Công ty thu được từ 60-70 tấn cá. Thế nhưng cơn bão lịch sử vào năm 2007 đã cuốn trôi hết cá trong hồ. Công ty không có tiền để đắp đập, cải tạo, thả con giống… nên ý tưởng “tăng thu nhập nhờ ao cá” đã tan vỡ. Công ty chưa thu hồi được vốn đầu tư, nợ càng chồng nợ.

Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng
Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng

Thực trạng các Công ty lâm nghiệp Tây Nguyên sau chuyển đổi được Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: “Quản lý gần 1 triệu ha đất, nhưng sử dụng đất kém hiệu quả, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp, nhiều Công ty đứng trước nguy cơ phá sản”.  Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định: “Việc chuyển đổi thành các Công ty lâm nghiệp không đạt được như kì vọng là do việc chuyển đổi nửa vời, chuyển đổi chỉ thay đổi về tên gọi, còn cơ cấu tổ chức, hoạt động không có gì mới… Có quá nhiều cơ quan, tổ chức chi phối vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến việc Công ty không được tự chủ…”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắc Lắc phân tích: “Một Công ty muốn hoạt động được phải có vốn và tư liệu sản xuất (gồm rừng và đất rừng-PV). Lúc chuyển từ lâm trường sang, vốn hầu như bằng không, các Công ty chỉ có rừng và đất rừng, được xem là thế mạnh của họ. Thế nhưng, trong chuyện này, họ lại không được tự chủ tư liệu sản xuất. Ví dụ như các Công ty có đất nhưng không có vốn để đầu tư. Bây giờ muốn kêu gọi vốn từ nhà đầu tư thì phải trình xin chủ trương liên doanh liên kết đủ thứ. Trong khi cơ chế cũng chưa rõ ràng, nên chưa làm được…”. Cũng chính vì vướng phải nguồn vốn nên 3 năm nay, kế hoạch liên doanh trồng cao su trên đất rừng của Công ty Cư Mlan với Tập đoàn cao su Việt Nam hiện vẫn đang… nằm trên giấy.

Những cây rừng 2,3 người ôm bị lâm tặc đốn hạ chỉ vì sự yếu kém của các Cty lâm nghiệp (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Những cây rừng 2,3 người ôm bị lâm tặc đốn hạ chỉ vì sự yếu kém của các Công ty lâm nghiệp (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Trước thực trạng khó khăn của các Công ty lâm nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ-T.Ư về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, căn cứ vào thực trạng của các Công ty để sắp xếp theo các hướng: tiếp tục duy trì, củng cố phát triển các Công ty lâm nghiệp 100% vốn nhà nước, chuyển thành Công ty lâm nghiệp công ích, Ban quản lý rừng, Cổ phần hóa Công ty lâm nghiệp… hoặc giải thể những Công ty kinh doanh làm ăn thua lỗ kéo dài.

Ông Trần Đức Thanh lạc quan nói về Nghị quyết 30: “Làm theo nghị quyết thì Công ty sẽ sống được. Nếu Công ty nào được cấp chứng chỉ rừng quốc tế thì được khai thác, được sản xuất, kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Anh nào không đủ điều kiện thì chuyển thành doanh nghiệp hoạt động công ích, lúc đó nhà nước phải cấp đủ ngân sách để các Công ty bảo vệ rừng…”. Trao đổi với chúng tôi, một số chủ rừng trong tình trạng “sống dở chết dở” cho biết: “Công ty hết chỉ tiêu khai thác gỗ, kinh phí hỗ trợ không đủ hoạt động… nên Nghị quyết 30 ra đời như là hướng “gỡ bí”, nhằm vực dậy các Công ty lâm nghiệp vốn đang hoạt động rất “uể oải”.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Lắc, hiện tỉnh đang chờ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 30. Sau khi có văn bản hướng dẫn, tỉnh căn cứ vào đó để áp vào thực tế để xây dựng phương án sắp xếp 15 Công ty lâm nghiệp này. Nhìn từ thực tế có thể sẽ có 12 hoặc 13 Công ty lâm nghiệp được tổ chức theo dạng doanh nghiệp công ích, số còn lại là cổ phần hóa Công ty lâm nghiệp hoặc chuyển sang Ban quản lý rừng. “Việc tiếp tục sắp xếp đổi mới các Công ty lâm nghiệp không phải chỉ để cứu các doanh nghiệp không mà cái chính là để cứu rừng… Dù chuyển đổi gì thì cũng phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của các Công ty lâm nghiệp, phải “cột” trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng thì mới giữ rừng được”, ông Dương nêu quan điểm.