Gần 600 triệu USD cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông

ThienNhien.Net – Sáng nay, Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân đã tổ chức động thổ khởi công dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tại tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông).

Dự án có quy mô 300.000 tấn nhôm/năm, có tính tới tăng lên 450.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 575 triệu USD, với cơ cấu vốn vay là 80%. Dự kiến Nhà máy cho ra sản phẩm vào cuối năm 2016 và có doanh thu khi hoạt động hết công suất là khoảng 1,35 tỷ USD/năm.

Dự án điện phân nhôm là mắt xích cuối trong chuỗi khai thác quặng bauxit – sản xuất alumin – điện phân nhôm để ra sản phẩm cuối cùng là nhôm kim loại.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đầu tư hai tổ hợp khai thác và chế biến alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Nhà máy alumin Tân Rai do Vinacomin đầu tư (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Nhà máy alumin Tân Rai do Vinacomin đầu tư (Ảnh: Báo Đầu Tư)

Cho đến nay, Nhà máy Alumin Tân Rai đã đi vào vận hành được hơn 1 năm, còn Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhà máy.

Sau hơn 1 năm tổ chức vận hành Nhà máy Alumin Tân Rai, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, về cơ bản Vinacomin đã đảm bảo được việc vận hành Nhà máy ổn định, linh hoạt sửa chữa và khắc phục các sự cố trong quá trình vận hành ban đầu. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ, chất lượng sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn thiết kế, sản lượng sản xuất ngày càng ổn định và tăng dần tiến tới đạt công suất thiết kế.

Báo cáo của Vinacomin cho hay, trong giai đoạn vận hành thương mại (từ 1/10/2013 đến hết tháng 7 năm 2014), Nhà máy Alumin Tân Rai đã sản xuất gần 351.578 tấn alumina, 533.480 tấn hydroxit nhôm. Dự kiến năm 2014, Nhà máy sẽ đạt 75-80% công suất.

Với chất lượng quặng bauxite trên thực tế tốt hơn so với thiết kế (hàm lượng Al2O3 đạt trên 98,5%), giá bán tại thị trường trong nước phù hợp với giá cả thị trường quốc tế nên sản phẩm của Nhà máy đã được các khách hàng trong nước ủng hộ. Sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước ngày một tăng. Năm 2013, sản lượng alumina tiêu thụ trong nước của Nhà máy đạt 845 tấn và sản lượng hydroxit nhôm là 3.840 tấn. Còn trong 7 tháng đầu năm 2014 là 1.088 tấn alumina và 3.640 tấn hydroxit nhôm.

Vinacomin cũng đã thực hiện giao dịch với nhiều khách hàng đến từ các nước như: Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… và ký được hợp đồng bán alumina với 11 khách hàng. Tính đến nay, sản phẩm alumina của Nhà máy xuất khẩu đạt 411.528 tấn.

Đánh giá tác động đối với địa phương, theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2013 số thuế, phí của dự án nộp cho ngân sách địa phương gần 100 tỷ đồng và tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.300 tỷ đồng, vượt kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, trong quá trình triển khai, Dự án đã thực hiện đúng cam kết hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ bị thu hồi đất, Dự án đã thu hút 1.200 lao động trực tiếp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, đóng góp rất tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ưu đãi cho dự án Điện phân nhôm Đắk Nông (theo Quyết định 822/2014/QĐ-TTg):– Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm.

– Thuế nhập khẩu: Dự án luyện nhôm được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

– Giá điện: Được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cent/kWh) trong 10 năm đầu, kể từ thời điểm Nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo Dự án luyện nhôm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

– Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 kV đến Trạm biến áp, ký hợp đồng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Dự án.

– Về Alumin: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp alumin ổn định lâu dài và đảm bảo chất lượng, khối lượng đáp ứng nhu cầu của Dự án theo giá thỏa thuận.

– Chấp thuận bổ sung công nghệ và sản phẩm của Dự án điện phân nhôm vào Danh mục công nghệ cao và Danh mục sản phẩm công nghệ cao ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.