“Sống sợ” trong vùng sụt lún

ThienNhien.Net – Theo dự kiến đến hết quý III năm 2014, Nhà máy xi măng Đồng Lâm đóng tại xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mới đi vào hoạt động. Thế nhưng người dân sinh sống ở khu vực gần mỏ đá nhà máy đang khai thác đã không thể chịu nổi cảnh đặt mìn đánh đá. Cuộc sống của người dân ở hai thôn Điền Lộc, Quảng Lộc bị đảo lộn.

Một trong 36 điểm sụt lún bất thường trên cánh đồng thôn Xuân Lộc (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Một trong 36 điểm sụt lún bất thường trên cánh đồng thôn Xuân Lộc (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nhấp nhổm không yên

Hiện tượng nhà cửa mới làm trong một thời gian ngắn đã bị nứt nẻ mới diễn ra từ cuối năm 2012. Tính đến nay đã có 93 ngôi nhà của các hộ dân ở hai thôn này bị nứt nẻ. Nhiều ngôi nhà 2 tầng vững chắc nhưng vẫn bị nứt nhiều điểm.

Đến thăm nhà chị Thái Thị Diệp ở thôn Điền Lộc đúng lúc cả nhà vừa ăn trưa xong. Nhìn bề ngoài ngôi nhà khá bề thế được lát gạch hoa sạch sẽ nhưng khi vào bên trong, từ cánh cửa đầu tiên đã thấy nhiều vết nứt chạy dọc từ trên tường đến xuống bếp. Chị Diệp buồn bã kể: “Tui không biết răng, chứ từ lúc Nhà máy xi măng Đồng Lâm bắt đầu nổ mìn đánh đá vào cuối năm 2012 thì nhà tui nứt nẻ. Buổi trưa cứ mỗi lần nghe tiếng nổ mìn là cả nhà khiếp sợ, nhà cửa như rung cả lên rứa. Làm nông, tích góp được một ít để làm nhà, giờ thì không biết mần răng. Ở trong nhà mà có cảm giác run run, sợ tường nhà sập xuống khi mô cũng chẳng hay”.

Lo rạn nứt nhà chưa xong, người dân thôn Điền Lộc, Quảng Lộc lại nhấp nhổm đứng ngồi không yên khi hiện tượng sụt lún bất thường liên tiếp diễn ra tại các chân ruộng trên khu vực gần mỏ đá nhà máy. Hiện tượng này diễn ra từ tháng 12 năm 2012 đến nay, các điểm sụt lún cách ranh giới mỏ đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Lâm từ 300-1800m, tổng số có 36 hố sụt lún đất, nằm rải rác ở các ruộng lúa, đường kính dao động từ 2 đến 3m.

Theo thiết kế độ sâu mỏ đá vôi tại nhà máy cho khai thác đá từ mặt đất xuống mạch đá ngầm là 30m, nhưng mới khai thác chiều sâu 13m nông dân đã khốn khó, nhà cửa rạn nứt, giếng khô. Hiện nay tại thôn Lộc Lợi nước giếng đã khô cạn, người dân không còn nước sạch để uống, phải đi chở nước từ thôn khác về. Một số bà con khi gặp chúng tôi đã than phiền: Mới khai thác sâu xuống 13m mà bà con đã khổ như ri rồi, sâu nữa thì còn khổ tới mô. Nhà máy đánh mìn không biết răng mà đá cứ bay vào đồng ruộng.

Người dân đang mang nặng tâm lý đi hay ở đều khổ cả. Nhiều lúc, 11 trưa đang gặt lúa, nhà máy đánh mìn, đá văng ra buộc mọi người phải chạy khỏi cánh đồng để tránh nguy hiểm. Có lần khi đưa máy cày ra ruộng, ông Trần Thanh Phương thôn Xuân Lộc vô tình đến chỗ sụt lún mà không hề biết, thế là cả máy và người bất thình lình lao xuống hố.

Đáng nói nữa là, hiện tất cả nước trên đồng ruộng thôn Xuân Lộc chảy về khu vực nước ngầm của nhà máy, rồi sau đó theo khe Cổ Xuân đổ ra sông Bồ. “Những hố đó như hố tử thần. Bà con lấy những cây sào dài thả xuống mãi mà không thấy đáy. Cả 3 thôn đều nhờ cả vào hơn 80 ha lúa gieo trồng ở khu vực ruộng này. Nhà rạn nứt còn có thể ở được, nhưng ở được mà không có lương thực để ăn thì dân cũng bỏ đi thôi”, ông Lộc bức xúc nói.

 Ngôi nhà kiên cố của gia đình chị Thái Thị Diệp ở thôn Điền Lộc nứt nẻ kể từ khi nhà máy nổ mìn đánh đá (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Ngôi nhà kiên cố của gia đình chị Thái Thị Diệp ở thôn Điền Lộc nứt nẻ kể từ khi nhà máy nổ mìn đánh đá (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Ai lo cho dân?

Công văn số 528/TNMT-KS của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế gửi UBND tỉnh về việc kiểm tra sụt lún đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phong Xuân nêu: Tại một số hố sụt, lún thấy nước mặt thường xuyên chảy xuống liên tục vào lòng đất, gây nên mất nước tại các chân lúa lân cận. Sở TNMT cũng yêu cầu UBND xã Phong Xuân thông báo sụt lún đến người dân, đồng thời thiết lập hệ thống biển báo tại các hố sạt lún có nguy cơ không an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực.

Về phía lãnh đạo xã, dù tỏ rõ thái độ “lo lắng, thương dân” cũng chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục sản xuất không bỏ ruộng hoang. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Cân, người có thâm niên 15 năm làm Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho rằng, nếu không có sự “chung tay đồng hành” của huyện, tỉnh buộc nhà máy phải thực hiện di dời, đền bù thiệt hại cho bà con thì những quyết tâm của xã trong việc “trấn an dân” cũng giống như “nước đổ lá môn”. Thực tế thì xã đã nhiều lần báo cáo với huyện, sở TNMT, Sở KHCN, lãnh đạo tỉnh. Nhưng lãnh đạo nhà máy cứng rắn trả lời: Hội đồng khoa học nhà máy xi măng Đồng Lâm chưa chứng minh việc nứt nhà, sạt lún đất ở đồng ruộng là do việc nổ mìn khai thác đá, cho nên chưa đền bù.

Nếu vậy, biết bao giờ người dân mới hết cảnh “sống sợ”?