Nỗi lo nơi đầu sóng

ThienNhien.Net – Chỉ hơn 2 năm đưa vào sử dụng, tuyến kè bảo vệ bờ biển xã Tam Hải (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã bị xé toạc một đoạn dài và một số điểm khác có dấu hiệu xuống cấp, mất dần công năng. Cùng với đó, đoạn bờ biển tiếp giáp công trình này vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên luôn xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Mùa bão lũ đang đến rất gần, nỗi lo của chính quyền và người dân nơi đây càng thêm trĩu nặng…

Kè bị xé toạc

Ông Bùi Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, tuyến kè chống sạt lở bờ biển Tam Hải có chiều dài gần 1.900m, được UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương đầu tư từ nguồn vốn của dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà. Công trình này do Cty TNHH một thành viên Đầu tư & Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai làm chủ đầu tư và Cty Cổ phần Vinaconex 25 đảm nhận thi công. Ông Hoàng nói: “Công trình đó khởi công xây dựng vào cuối tháng 4-2010, đưa vào sử dụng vào ngày 12-4-2012. Tuy nhiên, cơn bão số 11 năm 2013 đã làm sạt lở nghiêm trọng đoạn kè cuối tuyến với chiều dài khoảng 30m. Nếu không sửa chữa kịp thời thì chắc chắn trong thời gian tới mức độ hư hỏng sẽ càng trầm trọng hơn”.

Khoảng 30m của đoạn cuối tuyến kè hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Khoảng 30m của đoạn cuối tuyến kè hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Gần giữa tháng 8, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy đoạn kè cuối tuyến – khu vực tiếp giáp với đường bờ biển chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ đã bị sóng- gió bão làm hư hỏng hết sức nặng nề. Theo đó, phần thân kè, mái kè dài chừng 30m bị gãy vỡ hoàn toàn, từng mảng bê-tông lớn nằm ngổn ngang và phần nền bị sụt lún rất sâu. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Hưởng, cán bộ địa chính & xây dựng xã Tam Hải giải thích: “Do điểm cuối của tuyến kè tiếp giáp với hệ thống kênh thoát nước nên mùa mưa bão sóng lớn đánh vào liên tục, trong khi đó nước từ kênh thì chảy ngược ra tạo thành vòng xoáy mạnh phá nát công trình. Nếu không có giải pháp khắc phục một cách nhanh chóng thì e rằng những mùa mưa bão kế tiếp sẽ xé toạc tuyến kè này”.

Cần nói thêm, đi dọc công trình kè bảo vệ bờ biển Tam Hải, chúng tôi còn ghi nhận nhiều điểm khác đã xuất hiện hiện tượng sụt lún khiến mái kè bị hư hỏng, những tấm lát bê-tông sắp bung ra. Không chỉ vậy, tại khu vực này một số hộ dân nuôi tôm cũng đã đục phần thân kè để lắp đặt những đường ống dẫn nước và xả thải ra biển. Điều đó đang khiến chất lượng công trình giảm và có nguy cơ mất dần công năng…

Lo biển “nuốt” làng!

Song song với nỗi lo công trình kè bảo vệ và chống sạt lở bờ biển bị hư hỏng nặng thì rất nhiều hộ dân ở thôn Thuận An của xã Tam Hải cũng đang lo ngay ngáy khi phải sống chung với tình trạng xâm thực, sạt lở qua từng mùa mưa bão. Ông Hoàng Thanh Khuê, một người dân ở thôn Thuận An lo lắng: “Mùa mưa bão năm 2013, nước biển xâm thực vào vườn nhà tôi gần 50m. Sóng quá mạnh đã cuốn hết vạt rừng thông chắn sóng ra biển. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi bão lũ hoành hành thì đất của làng cứ bị mất dần, kiểu ni làm sao mà yên tâm làm ăn, sinh sống lâu dài được”.

Mùa mưa bão tới, chắc chắn bờ biển Tam Hải sẽ tiếp tục bị xâm thực. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Mùa mưa bão tới, chắc chắn bờ biển Tam Hải sẽ tiếp tục bị xâm thực. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Chỉ tay về phía đoạn bờ biển chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ, ông Nguyễn Hưởng, cán bộ địa chính và xây dựng xã Tam Hải, nói: “Trước đây, rừng thông phi lao nằm sát mép bờ biển giúp chắn sóng và gió cho người dân. Nhưng thời gian qua nó đã bị sóng mạnh xâm thực, cuốn trôi hết. Tính từ mép nước bờ biển đến mép của rừng thông hiện tại thì hơn 10m chiều dài của rừng thông đã bị trốc gốc, mất cây. Nếu tình trạng xâm thực này cứ tiếp tục diễn ra trong những mùa mưa bão tới thì chắc chắn sẽ mất hẳn rừng phi lao chắn sóng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Phạm Đức Thịnh, ngoài gần 1.900m đã được thi công thì hiện nay tại địa phương vẫn còn 1.500m đường bờ biển dọc theo thôn Thuận An chưa được xây dựng kè chống sạt lở. Ông Thịnh nói: “Hiện giờ, các khu dân cư chỉ cách đường bờ biển khoảng 200-400m mà thôi. Vì thế, hiện tượng sóng biển xâm thực sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến 527 hộ dân của thôn Thuận An này. Trong đó, có 150-200 hộ đang nằm trong diện nguy hiểm. Những năm qua, mỗi khi mưa bão xuất hiện là chúng tôi phải lo tập trung di dời các hộ dân này đến nơi an toàn chứ để họ sống trước miệng hà bá thì sinh mạng sẽ bị đe dọa”.

Hỏi về hướng khắc phục đoạn kè bị hư hỏng và khả năng xây dựng tuyến kè bảo vệ 1.500m đường bờ biển còn lại thì lãnh đạo chính quyền xã Tam Hải lắc đầu cho hay địa phương hoàn toàn không có kinh phí. “Vấn đề này hết sức cấp bách, đã được cử tri phản ánh rất nhiều lần nhưng thú thật là chúng tôi bất lực. Bởi, bây giờ muốn sửa chữa đoạn kè bị hư hỏng đó thì cần khoảng 300-400 triệu đồng. Còn muốn thi công thêm 1.500m bờ kè còn lại thì đòi hỏi phải có ít nhất 30 tỷ đồng. Tam Hải là xã đảo còn rất nhiều khó khăn, ngân sách địa phương quá eo hẹp, làm sao chúng tôi kham nổi số tiền lớn như vậy. Do đó, không còn cách nào khác là phải trông chờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên”, ông Thịnh chia sẻ.