Ngổn ngang dự án hồ Nước Trong

ThienNhien.Net – Hồ Nước Trong là công trình thủy lợi kết hợp thủy điện lớn nhất nhưng cũng kéo dài thời gian nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Được khởi công từ năm 2005, đúng ra dự án phải xong từ 4 năm trước. Nhưng đã 9 năm trôi qua, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành, nhất là công tác di dời dân, tái định cư, định canh.

Loay hoay định canh, định cư

Đã 3 năm qua, kể từ lúc nhường nhà cửa, ruộng vườn của mình để xây dựng công trình hồ Nước Trong, mọi thứ đối với người dân vẫn không có gì thay đổi. Các thôn Suối Y 2, Sờ Lác, Bắc Nguyên 2 ở xã Trà Thọ (Tây Trà) nằm xa tít, toàn đường rừng quanh co heo hút. Ngày nắng còn đi lại được chứ một cơn mưa dông trút xuống, người đi đường chỉ có nước khóc vì lầy lội. Họ vẫn chưa có đất để sản xuất, cuộc sống hàng trăm gia đình rơi vào cảnh khốn khó.

Chị Hồ Thị Dương, ở Khu tái định cư (TĐC) Suối Y 2, trong nhà nhìn ngó ra rừng than vãn: “Đất ruộng đã khai hoang xong mà sao lâu quá không thấy cho mình làm? Chưa có đất sản xuất, 7 người trong nhà ở không”. Ông Hồ Minh Trí, ở Khu TĐC Suối Y 2, cũng buồn rầu: “Ngày trước, nhà có gần 16.000m² đất trồng rừng, trồng lúa nước, khoai mì…, cuộc sống gia đình cũng có của ăn của để. Nhưng từ khi chuyển đến đây, không ruộng sản xuất, mấy đồng tiền đền bù ăn hoài cũng hết”. Không chỉ thiếu ruộng sản xuất, người dân còn chịu cảnh khó khăn trăm bề do thiếu nước sinh hoạt. Trước nhà ông Trí có công trình nước sạch thật to đã xây xong, nhưng chẳng có giọt nước nào.

Không đất sản xuất, cư dân làng mới ở khu TĐC Trà Xinh chỉ biết ngồi chờ (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Không đất sản xuất, cư dân làng mới ở khu TĐC Trà Xinh chỉ biết ngồi chờ (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Thiếu đất sản xuất, thiếu nước, thêm bức bối của người dân nữa là diện tích tái định cư quá chật hẹp. Hầu hết mỗi nhà 200 – 250m², lại ở sát nhau, thiếu đất vườn nên làm chuồng trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Vượt qua chiếc cầu treo dẫn về các khu TĐC Bắc Nguyên, Nước Biếc, Sờ Lác, Suối Y, xã Trà Thọ (Tây Trà) là hình ảnh những xóm “nhà giàu” hiện ra. Cách đây vài năm, nơi đây có thương lái trao đổi, mua bán hàng. Những quán hàng ăn, giải khát đông đúc người. Nhưng giờ, hình ảnh ấy được thay thế bằng cái nghèo, cái đói đang dần quay trở lại khi những đồng tiền đền bù đang vơi theo tháng ngày.

Ban quản lý Dự án hợp phần di dân TĐC hồ Nước Trong cho biết, theo kế hoạch, tất cả 6 công trình thủy lợi, 12ha ruộng bàn giao cho dân sử dụng, canh tác, nhưng do UBND hai huyện Tây Trà và Sơn Hà cũng như các nhà thầu chậm hoàn thành vì thiếu vốn nên chưa thể bàn giao cho dân.

Chủ đầu tư thiếu kiểm tra, đôn đốc

Theo tiến độ của Ban Quản lý hợp phần di dân dự án hồ Nước Trong thì trong hai tháng 4 – 5-2014 sẽ tiến hành đo đạc cấp đất sản xuất cho người dân. Thế nhưng đến nay đã hết tháng 7, người dân vẫn chưa có đất sản xuất. Khi công trình hồ Nước Trong triển khai xây dựng, một trong những vấn đề quan trọng được đề cập là cấp 400m² đất/hộ dân. Thế nhưng, đến nay nhiều người dân ở các xã Trà Thọ, Trà Xinh và Trà Phong (Tây Trà) chưa nhận đủ số đất như lãnh đạo Ban Quản lý dự án đã hứa ban đầu, mà hầu hết chỉ nhận từ 250m² đất trở lại. Có hộ chỉ nhận 150m².

Theo ông Đỗ Minh Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, người dân hiện rất bức xúc trước tình trạng cấp đất ở theo diện TĐC tập trung không đủ. Theo quy định của ban quản lý thì những hộ này thuộc diện thực hiện phương án “đất đổi đất” với mức cấp tại nơi TĐC là 400m²/hộ. “Đề nghị ban quản lý cần xem xét bố trí đủ đất theo phương án. Trong trường hợp không đủ quỹ đất thì phải bồi thường cho người dân đối với phần đất chênh lệch so với quy định. Không được để người dân thiệt thòi” – ông Lâm nói. Cũng theo ông Lâm, mặc dù đầu tháng 7-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý, các huyện và xã trước ngày 20-7 (mốc 1) phải hoàn thành công tác giao đất tái định canh (đất ruộng) cho các hộ dân nhưng mốc 1 đã hết tháng 7 vẫn chưa hoàn thành.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Quang – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hợp phần di dân TĐC hồ Nước Trong thì đã hoàn thành 100% kế hoạch khai hoang 18ha đất trồng lúa, đã cấp 120ha đất vườn và đất sản xuất cho người dân. 100ha đã được thu hồi thêm, đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tiến hành chia đất cho dân, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9-2014. Đối với diện tích đất ở thiếu hụt, theo ông Quang là do quỹ đất hạn hẹp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho chủ trương tùy theo từng địa phương cụ thể mà cấp đất cho dân TĐC ở mức thấp nhất là 100m² và tối đa 400m² đất ở. Tuy nhiên, do diện tích đất đảm bảo điều kiện để ở quá ít nên chỉ có thể cấp từ 100 – 250m². “Số còn lại chúng tôi sẽ tiến hành chi trả cho người dân bằng tiền mặt” – ông Quang cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho rằng, do thiếu vốn nên một số hạng mục của dự án bị chậm. Bên cạnh đó, ông Thọ cũng phê bình chủ đầu tư (Sở NN-PTNT), ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan chưa thật sự tập trung thực hiện quyết liệt khối lượng công việc còn lại của dự án theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Mùa mưa bão đang đến gần, thời gian còn lại không nhiều, yêu cầu giám đốc Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng dở dang còn lại của dự án, đặc biệt là các nội dung liên quan đến ổn định đời sống và sản xuất của người dân như xây dựng nhà ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt…”- ông Thọ chỉ đạo.

Chưa có quy trình xả lũ

Dự án hồ Nước Trong được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ, tổng vốn 1.982 tỷ đồng (tại thời điểm khởi công tháng 12-2005). Trong đó, công trình đầu mối 1.250 tỷ đồng; di dân, đền bù và tái định cư 247 tỷ đồng; nhà máy thủy điện có công suất 16MW 280 tỷ đồng… Mùa mưa lũ năm 2013, công trình hồ chứa Nước Trong đã tích được 106,7 triệu m³ nước. Dự kiến, mùa mưa lũ năm 2014 sẽ tích 115,7 triệu m³ nước. Tuy nhiên, theo ban quản lý dự án thì dù đã kiến nghị Bộ TN-MT trình Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ (thủy điện Đakrinh và Nước Trong) trên lưu vực sông Trà Khúc để đảm bảo an toàn hạ du và đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi.