ThienNhien.Net – Năm 2008, 74 hộ dân của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) phải di dời chỗ ở, nhường đất cho công trình Thủy điện Đăk Mi 4. Nhưng đến nay, đã hơn 6 năm tái định cư, người dân vẫn chưa ổn định được cuộc sống tại nơi ở mới.
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Gia đình ông Hồ Văn Đằng được bố trí vào khu tái định cư tập trung ở thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn. Tại đây, ông được cấp 400m2 đất ở và 8.000m2 đất rẫy để trồng keo. Ông Đằng chia sẻ: “Từ khi về đây, cả nhà tôi sống dựa vào đám keo này. Nhưng cũng phải mất 5 năm mới thu được. Vụ đầu tiên, gia đình tôi thu được 30 triệu đồng, chẳng đủ để trang trải cuộc sống”.
Gia đình chị Hồ Thị Tuyết về khu tái định cư này cũng được cấp 8.000m2 đất rẫy để trồng keo, trong thời gian chờ thu hoạch keo chị phải đi bóc keo thuê cho các công ty nhưng đây cũng chỉ là việc làm thời vụ, mỗi năm khoảng 4-5 tháng, mỗi tháng chỉ 5-6 ngày. Chị cho hay: “Chủ đầu tư Thủy điện Đăk Mi 4 bố trí cho chúng tôi nhà ở thì nằm xã này, còn đất sản xuất thì lại ở xã khác, cách nhà đến 5-7km, mà đất khô cằn, đồi dốc nên khó trồng và cũng khó quản lý”.
Trước đó có 25 hộ bị ảnh hưởng từ Thủy điện Đăk Mi được bố trí tái định cư tại thôn Nước Lang, hiện nay số hộ đã tăng lên 36, nhưng tất cả những hộ này đều là hộ nghèo, qua nhiều năm định cư nhưng không có một hộ nào thoát nghèo. Diện tích đất ở và sản xuất của 25 hộ tại nơi ở cũ là hơn 52ha nhưng chủ đầu tư cũng chỉ bố trí lại khu tái định cư 42,2ha.
Chủ đầu tư không giữ lời hứa…
Trong khi 25 hộ tái định cư ở thôn Nước Lang, thì 49 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thuỷ điện còn lại được bố trí tái định cư về thôn 2, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn. Ông Lê Thanh Việt – Chủ tịch xã Phước Hòa cho biết: “Khi về tái định cư, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay không có con em nào của xã Phước Hòa được làm trong nhà máy thủy điện.
Thủy điện Đăk Mi nằm trên địa bàn xã Phước Hòa, nhưng trong các cuộc họp phổ biến về tình hình kinh tế- xã hội của xã hay các cuộc tiếp xúc cử tri… đại diện chủ đầu tư cũng không bao giờ tham gia”- ông Việt nói. Tại khu tái định cư này, các hộ dân đều ở nhà đôi, bên cạnh ngôi nhà tường gạch vách tôn do chủ đầu tư xây dựng, người dân còn dỡ ngôi nhà từ nơi ở cũ về dựng lại.
Theo lý giải của bà con, nhà tường ở rất nóng và chật chội nên chỉ là nơi để đồ đạc hay tiếp khách, phần lớn họ đều ở nhà gỗ. Ngoài ra, 3 phòng học được chủ đầu tư xây dựng tại điểm trường thôn 2 của Trường Tiểu học Phước Hiệp lại gần như bị bỏ hoang vì quá nóng nực, nhà vệ sinh thì xuống cấp và không có nước.
Sau khi nhận nhà tái định cư, người dân chỉ được ký vào biên bản bàn giao tài sản, còn hiện tại hầu hết họ không hề có một thứ giấy tờ nào để chứng minh đó là nhà của mình. Một điều đáng nói là mặc dù không nằm trong diện tích lòng hồ, nhưng nhiều diện tích đất vườn của người dân cũng bị ngập và họ chỉ được thông báo 3 – 4 ngày trước khi xả nước, vì vậy nhiều tài sản, cây cối đã không kịp được thu dọn và thu hoạch.
Trong khi đó, theo Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4, các hộ ở thôn 2 không được bố trí đất sản xuất vì vẫn còn đất sản xuất tại nơi ở cũ. Các hộ thôn Nước Lang ngoài 400m2 đất ở/hộ còn được bố trí 2.000m2 đất lúa nước và 8.000m2 đất rẫy. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho mỗi hộ dân với trị giá từ 50- 70 triệu đồng/căn nhà (khoảng 51m2/căn), cùng các công trình công cộng như trường học, trạm y tế…
Đến nay, người dân ở đây vẫn loay hoay với việc tìm sinh kế vì không có ban, ngành nào hướng dẫn cho họ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như thế nào cho phù hợp. |