Tìm hướng phát triển năng lượng sinh khối Việt Nam

ThienNhien.Net – Hội thảo Quốc tế Phát triển năng lượng sinh khối Việt Nam – Thực trạng và giải pháp do Bộ Công thương chủ trì đã diễn ra sáng qua (17/11), tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham gia hội thảo, có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, … Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng Việt Nam; đại diện của các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) – nhấn mạnh về tiềm năng cũng như vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo – năng lượng sinh khối trong đời sống, góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ mội trường.

Năng lượng sinh khối được coi là bước phát triển phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng góp phần vào cải thiện đời sống dân sinh, phát triển nông nghiệp nông thôn, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Thích hợp đặc biệt với các nhà máy điện chạy than hoặc dầu, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, xử lý rác thải…

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã giới thiệu về các công nghệ ứng dụng tiêu biểu phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bếp khí hóa CCS tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiệt đun nấu, khi lắp thêm bộ phát điện thì ở quy mô hộ gia đình có thể thắp sáng. Ở quy mô công nghiệp, bếp khí hóa thích hợp sấy nông sản trên quy mô lớn và tạo điện thắp sáng một vùng.

Công nghệ đốt chất thải rắn phát điện của Tập đoàn Wabio đã được ứng dụng ở Đồng Hới cũng được giới thiệu.

Bà Bùi Hằng Phương – chuyên gia kinh tế phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Việt Nam – giới thiệu cuốn sách “Cẩm nang năng lượng xanh Việt Nam: Biomass – Develop & green” với mục tiêu giúp các nhà đầu tư có cách hiểu biết cơ bản về loại hình năng lượng mới này, đồng thời biết được các nguồn hỗ trợ cần thiết khi thực hiện dự án Năng lượng Sinh khối, đặc biệt các dự án lớn.

Cuốn sách là công trình chung của gần 30 tập thể là các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ phát triển, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, đặc biệt năng lượng sinh khối.

Bà Bùi Hằng Phương cũng giới thiệu 6 mô hình kinh tế sử dụng năng lượng sinh khối khuyến nghị, trong đó thể hiện rõ các ưu thế của năng lượng sinh khối như sự linh hoạt, thích hợp với nhiều quy mô từ hộ gia đình đến quy mô khu công nghiệp; như tận dụng tốt tài nguyên thổ nhưỡng và nguồn lao động dồi dào của Việt Nam; có nhiều hiệu ứng tích cực tới kinh tế, xã hội, môi trường… 6 mô hình được phân tích sơ lược về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.

Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng công bố Bảng tổng hợp trữ lượng sinh khối Việt Nam liệt kê các nguồn sinh khối một cách đầy đủ nhất, có kể đến các nguồn ít khi được đề cập như trữ lượng rong biển, cây trồng trên đất xấu và các chủng vi sinh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam.

Bà Katrine Broheme, Dự án chống biến đổi khí hậu từ cây trồng năng lượng công bố báo cáo đầu tiên về trồng cây năng lượng trên đất xấu, theo đó,vùng ô nhiễm chủ yếu nằm trong 4 loại: Đất công nghiệp, Khu rác thải, Khu nhiễm chất độc dioxin, Đất mỏ. Cây trồng năng lượng là loại cây trồng phù hợp nhất với các khu đất khó canh tác và tỏ ra hiệu quả trong việc chống xói lở đất, làm giàu và giúp đất phục hồi.

CleanED, Phòng Thí nghiệm phát triển năng lượng sạch và bền vững công bố nghiên cứu về Lợi ích đồng đốt sinh khối phát điện tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, theo đó việc ứng dụng đồng đốt sinh khối với tỷ lệ 5% sẽ đem lại lợi nhuận tốt, trạng thái tốt hơn cho cán cân thương mại, gia tăng thu nhập cho nông dân…

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thành viên Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam trình bày Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, sẽ huy động mọi nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện địa, bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý cho mọi người dân; Từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; Giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng; Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Các tham luận tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng, tiềm năng sinh khối của Việt Nam là rất lớn, từ nguồn phế thải nông nghiệp, từ gỗ và phế thải gỗ. Năng lượng sinh khối được tạo ra hội đủ các tiêu chí: rẻ – sạch và chất lượng cao. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được sử dụng một cách tương xứng.

Sinh khối bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, bã nông nghiệp và lâm nghiệp. Sinh khối cũng bao gồm chất thải đời sống con người, như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn, nước uống, bùn/ nước cống, phân bón, sản phẩm phụ gia hữu cơ, công nghiệp (industrial by-product) và các thành phần hữu cơ của chất thải sinh hoạt… Mục đích sử dụng: Phát điện, tạo nhiệt, tạo khí, xăng, dầu sinh học, hơi nước, phân bón, chất đốt…