Dự án Bảo tồn voi ở Đắc Lắc: Triển khai ì ạch do thiếu kinh phí

ThienNhien.Net – Trước sự sụt giảm nhanh của quần thể voi hoang dã và đàn voi nhà, tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện nhiều chính sách bảo tồn loài vật có tên trong sách đỏ này. Tuy nhiên, trong khi đàn voi đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, thì công tác bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc, trong những năm qua, số lượng voi hoang dã lẫn voi nhà của tỉnh giảm nhanh. Đối với voi hoang dã, năm 1980 có hơn 550 con, thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng khoảng 60-70 cá thể. Từ năm 2009 đến nay, đã có 17 con voi rừng bị chết, trong đó có nhiều cá thể voi bị săn bắn trái phép. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống của voi hoang dã bị thu hẹp, chia cắt, cạn kiệt nguồn thức ăn. Bên cạnh đó, nạn săn bắn trái phép để lấy các sản phẩm có giá trị như ngà, lông, da… cũng đang làm cho số lượng voi hoang dã giảm đi nhanh chóng.

Đàn voi nhà ở Đắc Lắc cũng đang giảm nghiêm trọng. Nếu như năm 1980, toàn tỉnh Đắc Lắc có 502 con thì hiện nay chỉ còn 49 con, như vậy trong vòng 34 năm số lượng voi nhà đã giảm tới hơn 90%. Tính riêng từ năm 2007 đến nay, đã có 21 con voi nhà bị chết. Voi chết chủ yếu là do bị giết hại, thiếu thức ăn; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng còn lạc hậu; bị khai thác làm du lịch quá mức dẫn đến kiệt sức. Dự báo, khoảng 20 đến 30 năm nữa voi không sinh sản thì voi nhà ở Đắc Lắc sẽ biến mất. Với tốc độ suy giảm như hiện nay, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu mai này, Đắc Lắc có còn voi?

Trước nguy cơ đàn voi bị xóa sổ, thì công tác bảo tồn voi càng trở thành vấn đề cấp bách được các cấp, ngành của tỉnh Đắc Lắc quan tâm. Năm 2013, tỉnh Đắc Lắc đã phê duyệt Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc đến năm 2020 với nguồn kinh phí gần 85 tỷ đồng, tiếp nối Dự án Bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc giai đoạn 2010-2015 đã được phê duyệt trước đây.

Đàn voi nhà bị khai thác quá mức trong dịch vụ du lịch tại Đắc Lắk (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Đàn voi nhà bị khai thác quá mức trong dịch vụ du lịch tại Đắc Lắk (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Mục tiêu của dự án nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và những sản phẩm dẫn xuất từ voi. Theo Dự án, đàn voi hoang dã và voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 trạm Bảo tồn voi đặt ở 2 huyện Ea Súp và Lắk. Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 200ha, trong đó 100ha để chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích ăn, phần diện tích còn lại dành cho Bệnh viện voi.

Tuy muộn, song đó là tin vui để cứu đàn voi hoang dã và voi nhà trước nguy cơ bị xóa sổ. Thế nhưng, trên thực tế sau gần 4 năm triển khai dự án thì việc bảo tồn voi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, đến nay UBND tỉnh Đắc Lắc vẫn chưa phê duyệt diện tích đất và rừng để thành lập các trạm Bảo tồn voi. Điều này đồng nghĩa với việc khu chăn thả voi, vườn thức ăn, cũng như Bệnh viện voi vẫn còn nằm “trên giấy”.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc, trong số 49 con voi nhà chỉ 43 con voi nằm trong độ tuổi và có khả năng sinh sản (19 con đực và 24 con cái). Trong 30 năm trở lại đây khả năng sinh sản của voi nhà là có, nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,6%/năm. Hiện nay, tỷ lệ này gần như bằng 0, vì môi trường cho việc gặp gỡ và giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế do các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả voi cùng nhau mà chỉ tập trung chủ yếu cho khai thác du lịch.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc thừa nhận: Việc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà hiện nay chỉ còn thông qua con đường sinh sản. Nhưng việc bắt voi nhà sinh sản ở thời điểm hiện tại thì Trung tâm chưa có khả năng thực hiện. Hiện tại, Trung tâm chưa có quỹ đất (rừng) để tạo sinh cảnh tự nhiên cho voi nhà chăn thả tập trung.

Nhằm khuyến khích voi nhà sinh sản, tỉnh Đắc Lắc cũng đã có chính sách hỗ trợ các chủ voi, nài voi với mức từ 200 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/ngày tùy vào từng giai đoạn voi động dục, mang thai, sinh đẻ. Tuy nhiên, theo các chủ voi thì rất khó lấy được số tiền này bởi từ xưa đến nay chẳng thấy voi nhà đẻ bao giờ(!).

Đối với quần thể voi hoang dã, để bảo tồn có hiệu quả, vấn đề sống còn là duy trì không gian sống của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua, hàng chục nghìn héc-ta rừng ở Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo (nơi nhiều voi rừng sinh sống) đã bị khai tử, do tình trạng khai thác rừng trái phép, giao đất rừng cho doanh nghiệp để trồng cao su. Từ năm 2005 đến 2012, diện tích rừng tự nhiên của 3 huyện có voi hoang dã sinh sống đã giảm gần 14.000ha. Không gian sinh tồn của voi đang bị thu hẹp dần và chúng ngày càng trở nên hung dữ hơn. Đây cũng chính là lý do khiến cho xung đột giữa voi và người ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc săn bắn trái phép cũng làm giảm đi quần thể voi hoang dã vốn đã ít ỏi. Thế nhưng tới nay, các vụ voi bị chết, bị săn bắn, cơ quan chức mới chỉ tiến hành các bước điều tra sơ bộ, và thường cho kết quả “án mờ”, nên vẫn chưa có nhóm thủ phạm nào bị các cơ quan tư pháp truy tố, xét xử công khai.

Ông Huỳnh Trung Luân cũng cho biết thêm, việc bảo tồn voi triển khai “ì ạch” là do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực mỏng. Nguồn kinh phí cho việc bảo tồn là khá lớn gần 85 tỷ đồng, trong đó 60% là nguồn kinh phí từ Trung ương, còn lại là ngân sách địa phương và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, tỉnh Đắc Lắc cũng mới chỉ cấp kinh phí nhỏ giọt đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý dự án, còn kinh phí từ Trung ương thì đến nay vẫn chưa được phân bổ. Thiếu kinh phí, nên Trung tâm chưa thể mua sắm được những thiết bị cần thiết hiện đại phục vụ công tác giám sát voi hoang dã và chữa bệnh cho voi nhà.

Săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà đã trở thành một huyền thoại của vùng Tây Nguyên và nay đàn voi nhà trở thành đặc sản của du lịch Đắc Lắc. Bảo tồn voi không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một nguồn gen quý, mà còn lưu giữ một phần bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên; đồng thời góp phần duy trì sự phát triển ổn định của ngành du lịch Đắc Lắc vốn dựa chủ yếu vào voi. Vì vậy, tỉnh Đắc Lắc cần tháo gỡ những khó khăn, bất cập nhất là về nguồn kinh phí và quy hoạch sinh cảnh rừng để Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi được thực hiện có hiệu quả.