ThienNhien.Net – Thời gian gần đây tình trạng tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, sửa chữa, cơi nới nhà khi chưa được phép diễn ra rất “sôi động” trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, có thêm hàng trăm căn nhà xây không phép mọc lên tại “thành phố mộng mơ” chưa đầy 200.000 dân này nhưng điều đáng nói là chính quyền và ngành chức năng ở đây gần như chỉ đứng bên lề.
Vi phạm xây dựng gia tăng chóng mặt
Khoảng 5 năm trở lại đây, số vụ vi phạm trật tự xây dựng tại Đà Lạt luôn có xu hướng gia tăng tỷ lệ thuận với lượng dân nhập cư vào thành phố cao nguyên này, đặc biệt là nhà xây dựng không có giấy phép.
Chỉ tính riêng trong năm 2005 qua theo dõi kiểm tra trên địa bàn thành phố của Đội Thanh tra giao thông công chính – Thanh tra đô thị (GTCC – TTĐT) và các xã, phường đã phát hiện 193 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có tới 76 trường hợp xây nhà không có giấy phép. Số vụ vi phạm còn lại rơi vào các trường hợp cải tạo nhà sai giấy phép, không đúng thiết kế; nâng tầng nhà không phép và cơi nới mở rộng nhà chưa xin phép.
Tình trạng xây dựng trái phép xảy ra ở hầu hết 12 phường và 4 xã của thành phố. Trong đó tập trung chủ yếu ở các vùng ven thành phố như phường 3, 4, 6, 8, 9, 10, 11, 12 và các xã Tà Nung, Xuân Thọ. Theo báo cáo của Đội Thanh tra GTCC – TTĐT thành phố Đà Lạt, từ 2005 đến nay trong toàn thành phố Đà Lạt đã có trên 500 trường hợp xây dựng trái phép tập trung chủ yếu vào hai đối tượng là cải tạo nhà không có giấy phép (130 trường hợp) và xây dựng nhà không có giấy phép (179 trường hợp).
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008 và 02 tháng đầu năm 2009 này, số trường hợp vi phạm trên địa bàn thành phố đã lên tới 265 trường hợp. Đó mới chỉ là các số liệu báo cáo, còn trên thực tế các trường hợp vi phạm còn cao hơn nhiều vì chính quyền địa phương này hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn.
Giải pháp vẫn là câu hỏi!
Nếu như các trường hợp xây dựng trái phép tại phường 9, 11,12.. chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ở, thì việc xây dựng nhà không phép tại một số địa phương khác như phuờng 8, phường 10, thành phố Đà Lạt lại chủ yếu là để cho học sinh sinh viên và người lao động thuê nên rất khó phát hiện. Về thực tế này, ông Lê Tấn Lâm, chủ tịch UBND phường 8, TP Đà Lạt cũng lắc đầu ngao ngán: “Trong khi ngành chức năng thành phố chưa áp dụng được những biện pháp mạnh để cưỡng chế buộc tháo dở, thì chính quyền địa phương chúng tôi thật sự gặp khó khăn để xử lý các trường hợp vi phạm, tại địa phương có rất nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng là cán bộ nhà nước, hoặc những người nhà của họ”.
Được biết hiện nay riêng tại khu vực phường 8, TP Đà Lạt có trên 15.000 học sinh, sinh viên ở trọ đi học. Để có chỗ cho số HSSV này tá túc, mỗi năm nơi đây đã có thêm hàng chục ha đất nông nghiệp được đưa vào xây dựng nhà trọ, tuy nhiên chỉ có khoảng 30% diện tích đất được chuyển sang đất xây dựng trước khi cất nhà…
Một câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra là vì sao tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của TP Đà Lạt ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt mà số vụ phát hiện lại chẳng bao nhiêu, đặc biệt việc xử lý xem ra cũng không đủ sức để ngăn chặn, hoặc chí ít là răn đe. Ông Nguyễn Văn Bình – Đội trưởng Đội Thanh tra GTCC – TTĐT thành phố nhìn nhận một thực tế là hiện nay các trường hợp vi phạm phát hiện được ít ỏi trong toàn TP chủ yếu là do đội phối hợp với chính quyền cấp phường, xã. Hầu hết nhà xây trái phép rơi vào các trường hợp nhà xây cấp 4 và nhà tạm. Địa bàn đi lại khó khăn, các hộ lại thi công vào ban đêm nên việc phát hiện là rất khó.
Trong khi đó chính quyền các phường, xã chưa tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, họ mới dừng lại ở việc ban hành và tống đạt quyết định đến người vi phạm mà chưa có sự theo dõi, giám sát việc thực thi các quyết định đó đến đâu. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra không kiểm soát được.
Cũng theo ông Bình, để lập lại trật tự xây dựng, hạn chế tối đa nhà xây trái phép dẫn đến phá vỡ quy hoạch của thành phố du lịch Đà Lạt, thì chính quyền và ngành chức năng TP Đà Lạt bên cạnh việc tăng cường hơn nữa cho công tác phối hợp điều tra giám sát, họ cần trao thêm thẩm quyền xử lý cho chính quyền, ngành chức năng cấp cơ sở xã, phường; đồng thời kiện toàn thêm một bước bộ máy Thanh tra xây dựng thể thực hiện nhiệm vụ này.
Trong khi tình trạng xây dựng trái phép ở TP cao nguyên thơ mộng này chưa tìm ra được biện pháp nào để khắc phục thì quá trình đô thị hoá ở đây vẫn diễn ra rất mạnh mẽ và một hệ quả trước mắt đó là cảnh quan môi trường nơi đây đang từng ngày bị thay hình đổi dạng.