Hải Phòng lập Quỹ bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Sáng 16/7, Quỹ Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.

Quỹ Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng có tên giao dịch quốc tế là Haiphong Environment Protection Fund (HEPF), hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí hoạt động. Đây là động thái tích cực nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Quỹ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cấp trong vòng năm năm. Bên cạnh đó, quỹ được huy động các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác và bổ sung từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, các khoản bồi thường thiệt hại về môi trường, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Trong đó, có khoản tiền ký quỹ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để hoàn nguyên môi trường sau khi các dự án khai thác kết thúc. Trong trường hợp các doanh nghiệp bỏ cuộc thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng nguồn tài chính này để thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, bảo đảm phục hồi chất lượng môi trường, môi sinh sau khi đã kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản…

Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng và tài trợ kinh phí cho các tổ chức có chương trình, dự án cải tạo, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.…

Cùng với việc tăng cường tìm nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, quỹ sẽ phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đôn đốc, tuyên truyền để các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định trong lĩnh vực phí bảo vệ môi trường, nhất là ký quỹ bảo vệ môi trường của các dự án khai thác khoáng sản, tạo nguồn vốn cho quỹ hoạt động.

Mặt khác, quỹ cũng sẽ tiến hành rà soát, phân loại các chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tài chính từ quỹ trên cơ sở bảo đảm đáp ứng các tiêu chí: tính cần thiết, mức độ hiệu quả, tính phù hợp, khả năng nhân rộng trong xã hội và khả năng hoàn vốn, sau đó sẽ cân nhắc, quyết định hình thức hỗ trợ tài chính….