Tài nguyên có thể không là lời nguyền

ThienNhien.net – Một nghiên mới của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy với một cơ chế quản trị tốt, sự giàu có về tài nguyên có thể mang lại tác động tích cực cho phát triển kinh tế và con người.

Từ năm 1995, khi Jeffrey Sachs và Andrew Warner công bố nghiên cứu gây chấn động với kết luận rằng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên có thể mang lại tác động tiêu cực đối với tăng trưởng thì thuật ngữ “lời nguyền tài nguyên” đã gắn liền với sự giàu có về tài nguyên ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, năm 2007, nghiên cứu này đã bị lật ngược bởi Lederman và Maloney, tác giả của nghiên cứu cho rằng sự giàu có về tài nguyên có tác động tích cực đối với tăng trưởng; và bởi Goderis và Collier, những người đã kết luận rằng giá dầu và khoáng sản cao hầu hết chỉ có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng dài hạn của các quốc gia xuất khẩu có nền quản trị yếu kém.

Thêm một lần nữa, nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá lại lý thuyết về lời nguyền tài nguyên.
Nghiên cứu của hai chuyên gia ngành khai khoáng Gary McMahon và Susana Moreira đã khẳng định hầu hết các quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 2000 đều là các nước giàu tài nguyên. Nghiên cứu “The Contribution of the Mining Sector to Socioeconomic and Human Development” (tạm dịch: Đóng góp của ngành khai thác mỏ đối với nền kinh tế xã hội và phát triển con người) của họ cho thấy các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giàu tài nguyên thường có thu nhập mỗi năm tăng hơn 1% so với quốc gia không có mỏ trong giai đoạn 2001-2011.

“Giàu có về tài nguyên khoáng sản không phải là một lời nguyền như một số nhận định. Ngành khai mỏ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ở nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình trong thế kỷ 21 này.” – Ông McMahon khẳng định.
Nghiên cứu cho thấy nguồn tài nguyên dồi dào không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra những bước tiến lớn về phát triển con người ở các quốc gia giàu tài nguyên so với các quốc gia không có mỏ ở điều kiện tương đương.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, chỉ có các quốc gia phát triển dựa vào nguồn khoáng sản có chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn mức trung bình thế giới. Các quốc gia thu nhập thấp phụ thuộc vào khoáng sản có chỉ số này cao hơn nhiều so với các quốc gia không có mỏ. Cụ thể, chỉ số HDI tăng nhanh hơn 50% tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mỏ so với các quốc gia có mức thu nhập tương đương nhưng không có mỏ trong giai đoạn 2007-2012.

Ảnh: ThienNhien.Net
Ảnh: ThienNhien.Net

Vậy ngành khai khoáng đã đóng góp thế nào cho những tiến bộ về phát triển con người?

Một số bằng chứng cho thấy chi phí cho y tế và giáo dục ở các quốc gia giàu khoáng sản tăng lên ít nhất là tương ứng với mức tăng thu nhập, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong nhiều chỉ số về thịnh vượng.

Khảo sát sơ bộ cho thấy ngành khai thác có đóng góp lớn hơn tại các khu vực được hưởng lợi về cơ sở hạ tầng và có liên kết mạnh mẽ với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là thông qua tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, ở các khu vực mà nguồn thu ngân sách được đầu tư nhiều hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, các ngành công nghiệp liên quan khác ngoài khoáng sản cũng được phát triển và mở rộng.

Chẳng hạn, trong những năm 1990 Chile đã thiết lập các chương trình hợp tác giữa khu vực công và tư để tăng cường năng lực cho các công ty nội địa, cung cấp đầu vào chất lượng cho các hoạt động khai thác mỏ. Nhờ đó, từ khởi đầu khá khiêm tốn, Chile đã trở thành nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ khai thác mỏ cho khu vực và ngành công nghiệp mới này đã cung cấp việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của quốc gia, tương đương 720. 000 việc làm trong năm 2011.

Tất nhiên, duy trì được sự phát triển mà nghiên cứu đã mô tả là cả một thử thách không nhỏ. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng ứng biến của nền kinh tế trong hoàn cảnh khoáng sản trượt giá hoặc nguy cơ các nước nghèo tài nguyên dần dần giảm sự phụ thuộc vào ngành khai thác.

Nghiên cứu của WB cho thấy giàu có về tài nguyên khoáng sản không phải là một lời nguyền, mà còn có thể là một phước lành, nếu các quốc gia có các giải pháp để biến nó thành sự phát triển bền vững.

Với kết luận đó, nhóm phụ trách về Công nghiệp Khai thác của Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ các quốc gia tăng cường khung thể chế và cơ chế quản trị nhằm quản lý hiệu quả ngành công nghiệp vốn rất phức tạp này. Để nắm bắt được cơ hội mà ngành khai thác có thể mang lại cho xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng chung, các cơ chế phù hợp cần được thiết lập để quản lý nguồn thu từ ngành này một cách có trách nhiệm và minh bạch.