Bình Định lập bản đồ ngập lụt

ThienNhien.Net – Để đối phó với mùa mưa năm 2014, Bình Định đã có nhiều biện pháp mới trong công tác phòng chống cho phù hợp với tình hình thực tế.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, thở dài khi nói đến diễn biến của tình hình mưa lũ trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh này. “Vô cùng thất thường, không thể dự đoán, lũ ập đến vào lúc không ngờ nhất và xảy ra ở nơi không ai nghĩ đến, biến đổi khí hậu đã thể hiện rất rõ”, ông Hổ khái quát.

Theo ông Hổ, diễn biến thời tiết trong năm 2013 thay đổi không hề theo quy luật. Ở những thời điểm trước thường xảy ra mưa thì năm ngoái tịnh không có được 1 cơn mưa dù nhỏ.

 Cơn lũ năm 2009 bứng cả đoạn đường sắt trên địa bàn phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định (Ảnh: nongnghiep.vn)

Cơn lũ năm 2009 bứng cả đoạn đường sắt trên địa bàn phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định (Ảnh: nongnghiep.vn)

Nắng nóng kéo dài vắt kiệt các hồ chứa nước, đốt cháy nhiều cánh đồng, thậm chí nhiều vùng gia súc không có nước uống. Đến khi mưa là mưa như trút nước, kéo dài nhiều ngày khiến lũ đến bất ngờ, nhanh trong chớp mắt khiến ngành chức năng, chính quyền các địa phương và nhân dân trở tay không kịp.

“Những ngày giữa tháng 11/2013 mưa xảy ra tập trung tại 1 vùng dọc hệ thống sông Kôn, mưa cả ngày lẫn đêm, kéo dài. Đặc biệt, không như thường năm, khi vào mùa mưa thường bắt đầu trên nguồn, xuất phát từ hướng dãy Trường Sơn; mùa mưa năm 2013 lại bắt đầu từ các triền núi phía Nam, nước đổ xuống rất nhanh. Và cũng khác mọi năm, cuối năm 2013 vùng ngập lũ đầu tiên không phải là hạ du mà lại là những địa phương nằm trên đầu nguồn như các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn”, ông Hổ cho hay.

Ở huyện Tây Sơn, có nhiều vùng dân cư ở các xã Tây Thuận, Tây Giang từ xưa đến nay chưa bao giờ thấy nước lũ tràn vào đến hè nhà, vậy mà trong cơn lũ cuối năm 2013 nước tràn qua cửa sổ. “Chiều ngày 15/11 năm đó, tui ra hè đứng nhìn, thấy trời mưa như trút nước, nghĩ bụng là đêm nay nước sẽ về. Tui vào nhà bếp nấu ấm nước sôi chế trà, định đêm ấy thức để “đón” lũ.

Vậy mà ấm nước chưa kịp sôi thì lũ ở trên núi ầm ầm kéo về, nước dâng nhanh nhìn thấy rõ. Vào sân, lên hè, tràn vào nhà rồi “leo” nhanh đến cửa sổ chỉ trong thời gian ngắn. Không kịp dọn dẹp đồ đạc, tui bắc thang trèo lên dỡ ngói để cả gia đình leo lên mái nhà ngồi”, ông Nguyễn Mười ở thôn Tả Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn), kể lại.

Ông Phan Trọng Hổ rút ra kinh nghiệm: “Trong cơn lũ xảy ra vào cuối năm 2013, các ngành chức năng chưa thể căn cứ tình hình mưa diễn biến trên đầu nguồn để có dự báo, cảnh báo chính xác lũ sẽ xuống hạ du vào thời điểm nào, với cường độ như thế nào và mức độ ngập lũ là bao nhiêu; do đó, chính quyền các địa phương vùng hạ du gặp khó trong công tác chỉ đạo phòng chống lũ lụt, người dân còn rất bị động trong đối phó nên chưa thể hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”.

Đồng bộ nhiều cách ứng phó mới

Trước diễn biến thất thường như đã nói trên, năm nay Bình Định có nhiều giải pháp mới trong công tác phòng chống lụt bão nhằm đối phó phù hợp với với sự không lường được của tình hình mưa lũ.

Nỗi lo lớn nhất của Bình Định hiện nay trong công tác phòng chống lụt bão là số phận của 39 hồ chứa nước do các địa phương quản lý. Hiện hầu hết các hồ này đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có nhiều hồ đứng trước nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ sắp tới. Do đó, ngay từ đầu năm 2014, ngành nông nghiệp Bình Định đã có văn bản gửi cho Cty KTCTTL Bình Định và chính quyền các huyện, thị, thành phố trong tỉnh chỉ đạo triển khai công tác rà soát hiện trạng từng hồ chứa trên địa bàn.

Đang mùa khô, nên các hồ chứa nước sẽ “lộ” hết những lỗ rò rỉ, lỗ thủng đáy… và các hiện tượng khác liên quan đến an toàn hồ chứa. Đến cuối tháng 5, các chủ hồ phải có báo cáo chi tiết để từ đó, Sở NN-PTNT sẽ thành lập hồi đồng đánh giá về mức độ an toàn của các hồ chứa.

“Trong năm 2014 này, chúng tôi đưa ra 3 giả định: Sức tàn phá của lũ lụt thấp hơn năm ngoái, bằng năm ngoái và cao hơn năm ngoái. Các chủ hồ căn cứ trên 3 giả định ấy để báo cáo cụ thể những hồ chứa nào có nguy cơ lớn bị lũ gây hại. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra phương án cụ thể về công tác PCLB cho từng hồ. Đối với những hồ quá yếu, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ sắp đến, chúng tôi sẽ bàn bạc với địa phương và báo cáo lên UBND tỉnh để có phương án gia cố tạm thời, bảo đảm không để xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ”, ông Hổ cho biết thêm.

Cơn lũ lịch sử xảy ra vào giữa tháng 11/2013 trên địa bàn huyện Tây Sơn, Bình Định (Ảnh: nongnghiep.vn)
Cơn lũ lịch sử xảy ra vào giữa tháng 11/2013 trên địa bàn huyện Tây Sơn, Bình Định (Ảnh: nongnghiep.vn)
“Rút kinh nghiệm từ cơn lũ lịch sử năm 2013, năm nay chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương có khả năng ngập sâu phải nghiên cứu khi lũ xảy ra thì lộ trình nào đưa phương tiện ứng cứu đến nhanh nhất, sau đó báo cáo về Sở NN-PTNT, khi cấp bách chúng tôi sẽ có phương án chỉ đạo kịp thời, không để lúng túng gây chậm trễ việc ứng cứu dân vùng ngập lũ”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Bình Định còn chỉ đạo cho các địa phương có phương án PCLB cụ thể hơn. “Ví như các hồ chứa lớn như hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) và hồ Núi Một (TX An Nhơn) sẽ phải có phương án PCLB thật chi tiết, không còn chung chung như các năm trước.

Nếu mực nước các ở hồ nói trên trong thời điểm xảy ra mưa lớn còn bao nhiêu, chủ hồ phải kiểm soát lượng mưa, thời gian xảy ra mưa để tính toán và đưa ra dự báo thời điểm nào nước sẽ ào xuống hạ du, với cường suất như thế nào để các địa phương có cơ sở áp dụng những phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân đến mức thấp nhất”, ông Hổ nói.

Đặc biệt, trong năm nay, Bình Định sẽ có bước lo xa hơn về công tác PCLB. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh này đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi bắt đầu triển khai lập bản đồ ngập lụt theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Sau cơn lũ kinh hoàng xảy ra trên địa bàn vào năm 2009, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này nhưng vì kinh phí eo hẹp nên chưa làm được.

Mặc dù lập bản đồ ngập lũ chỉ tốn chừng 5 – 7 tỷ đồng, nhưng ngành nông nghiệp Bình Đình còn quá nhiều việc cần khắc phục cấp bách hơn nên chưa làm được. Sau cơn lũ lịch sử cuối năm 2013, chúng tôi quyết tâm thực hiện để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân”.

“Khi Bình Định đã lập được bản đồ ngập lụt, dù mưa lớn xảy ra với cường suất nào, các hồ chứa trên đầu nguồn còn lượng nước chứa là bao nhiêu, qua phần mềm, ngành chức năng sẽ biết được khi nào lũ sẽ tấn công vùng hạ du với cường lực như thế nào. Những thông số trên sẽ được thông báo về chính quyền các địa phương vùng hạ du để chủ động triển khai công tác PCLB”, ông Hổ cho biết thêm.

Năm nay Bình Định cũng đã chủ động hơn trong công tác PCLB đối với tàu thuyền của ngư dân. Bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng Chi cục KT-BVNL Thủy sản Bình Định, cho biết: “Hiện chúng tôi đã thiết lập được kênh liên lạc giữa các tàu thuyền đang đánh bắt trên biển và trên bờ rất cụ thể. Năm nay lượng ngư dân sử dụng máy bộ đàm tăng cao, đến 1.800 máy, và đã liên kết được nhiều nhóm hộ gia đình. Khi sự cố mưa bão xảy ra, việc liên lạc với tàu ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi sẽ kịp thời hơn trước”.