Quảng Bình: Ám ảnh bệnh ung thư ở làng ven sông ‘khát’ nước

ThienNhien.Net – Sống bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) nhưng cứ đến mùa hè là người dân nơi đây phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Những hộ có điều kiện thì mua nước với giá cao, còn hộ nghèo phải dùng nước giếng nhiễm phèn nặng.

Cũng trong khoảng 10 năm trở lại đây, làng Thuận Bài (phường Quảng Thuận, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) đã có khoảng 20 người chết vì bệnh ung thư khiến cho dân làng cảm thấy hoang mang.

Thiếu nước bên… bờ sông

Nằm bên bờ Bắc sông Gianh, làng Thuận Bài có hơn 350 hộ dân, với gần 1.700 nhân khẩu, gần 2 tháng nay đã phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Giếng làng khô cạn (Ảnh: VietNamNet)
Giếng làng khô cạn (Ảnh: VietNamNet)

Vì nằm ở địa hình thấp nên hầu hết nguồn nước giếng trong làng đều bị nhiễm phèn nặng, mỗi gia đình ở đây phải tự xây bể chứa hứng nước mưa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Mùa khô năm nay kéo dài, nắng nóng hoành hành nên nguồn nước dự trữ cạn dần, người dân phải chật vật sinh hoạt với lượng nước ít ỏi.

Bà Trần Thị Thảo (SN 1954) ở Xóm Nam cho biết: “Tình trạng thiếu nước diễn ra mấy chục năm nay rồi. Trước đây, khi chưa có điều kiện xây bể dự trữ nước, cứ đến mùa nắng là cả làng phải đến những hố bom (sót lại sau chiến tranh) múc nước mưa về dùng.

Giờ hố bom cũng đã cạn kiệt, chúng tôi phải mua nước với giá 70 – 100 ngàn đồng/m3. Nhà tôi ít người nên mỗi mùa nắng mua hết gần 2 triệu tiền nước. Những nhà không có điều kiện thì vẫn phải cắn răng dùng nước giếng nhiễm phèn nặng để sinh hoạt”.

Làng Thuận Bài tuy nằm cạnh sông nhưng cây cối hoang tàn, khô khốc, ruộng cũng thiếu nước tưới nên mỗi năm cũng chỉ làm được một vụ.

Trước đây, người dân trong làng cũng đã khoan giếng, nhưng giếng khoan sâu bao nhiêu lại càng mặn bấy nhiêu, tưới cây còn không được huống hồ dùng để sinh hoạt, bà Đinh Thị Hạnh cho biết.

Vì nước mưa đã hết, nước giếng bị nhiễm phèn nặng nên người làng Thuận Bài phải mua nước. Với những hộ dân sống gần bờ sông thì nước được mua từ những chiếc đò cập bờ sông Gianh sau đó bơm trực tiếp vào bể chứa với giá từ 70 – 80 ngàn đồng/m3.

Còn những gia đình nằm sâu trong làng, muốn mua nước phải gọi xe bán tải chở đến với giá đắt đỏ, lên tới 100 ngàn đồng/m3.

Ông Trần Văn Sơn (58 tuổi), một cán bộ hưu trí cho hay, từ 5 năm trước, gia đình ông đã xây 2 bể chứa nước mưa với dung tích 120m3 nhưng năm nay bể cũng cạn khô. Đành phải mua nước bình để uống, còn nấu cơm, giặt giũ phải đi mua từ thượng nguồn sông Gianh được các chuyến đò chở về bán.

Số người chết vì ung thư tăng cao

Ông Mai Văn Nhiệm, Trưởng xóm Nam cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, trong làng đã có hơn 20 người chết vì bệnh ung thư. Chủ yếu là ung thư dạ dày.

Điều này khiến những người dân ở đây vô cùng lo lắng. Trước đây, khi chưa có điều kiện để xây những bể chứa, người làng Thuận Bài phải dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn lọc qua để sử dụng.

Bà Đinh Thị Hạnh dè sẻn từng giọt nước được mua với giá 100 ngàn đồng/m3 (Ảnh: VietNamNet)
Bà Đinh Thị Hạnh dè sẻn từng giọt nước được mua với giá 100 ngàn đồng/m3 (Ảnh: VietNamNet)

Những hố bom còn sót lại thời chiến tranh cũng được coi là hồ chứa “tự nhiên” dự trữ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước cho gia súc uống quanh năm.

Vì không đảm bảo vệ sinh nên khi dùng nguồn nước này, người dân trong làng thường mắc những bệnh về da liễu và tiêu hóa.

Về sau, khi cuộc sống khá hơn, người dân tự xây những bể chứa nước mưa để dự trữ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, người dân không còn lấy nước ở những hố bom để dùng nên các loại bệnh về da và tiêu hóa cũng giảm đi trông thấy.

Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây trong làng có nhiều người chết vì bị bệnh ung thư, có nhà đến 3 người chết. Điều này làm dấy lên một nỗi lo thường trực, ám ảnh cuộc sống của người dân.

Chưa ai khẳng định được nguyên nhân tại sao có nhiều người trong làng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, nhưng có nhiều lời đồn đoán là do nguồn nước “bẩn” mà bà con sử dụng trong mấy chục năm qua tích tụ lại trong cơ thể rồi sinh bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Thảo chỉ thở dài: “Mấy năm trước, cũng có nhiều đoàn về khảo sát để kéo nước sạch cho dân làng, nhưng chờ mãi, giờ chúng tôi chỉ hi vọng công trình sớm triển khai để giúp bà con bớt khó khổ trong những mùa khô sắp tới”.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch phường Quảng Thuận cho biết: “Tình trạng thiếu nước đã diễn ra hàng chục năm nay, việc những năm trở lại đây có nhiều người chết là do họ có bệnh tật từ trước đó. Hiện nay, công ty cấp thoát nước Quảng Bình cũng đang khảo sát để tiến hành lắp đặt nước sạch cho bà con”.