Hai chiến lược nâng tầm gạo Việt

ThienNhien.Net – Chiến lược xuất khẩu thiếu tập trung, kèm với nguồn lực đầu tư yếu khiến gạo Việt Nam cứ than trời trong nhiều năm qua vì giá rẻ mà chẳng ai mua.

Thời điểm hiện nay vấn đề an ninh lương thực không còn cấp bách nên việc sản xuất lúa gạo cần chú trọng hơn đến chất lượng. Ngành lúa gạo ĐBCSL nói riêng và cả nước nói chung cần có những giải pháp thay đổi năng động và hiệu quả hơn. Trong đó cần tăng cường tính bền vững trong sản xuất lúa gạo; xây dựng chính sách về giá, thương mại và dự trữ gạo; đẩy mạnh hợp tác trong khu vực.

Đại diện tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD – Bộ NN&PTNT) tổ chức tại Cần Thơ ngày 24-6.

Người trồng lúa vẫn bấp bênh và chưa giàu từ cây lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Hậu Giang (Ảnh: Gia Tuệ/Pháp luật TP.HCM)
Người trồng lúa vẫn bấp bênh và chưa giàu từ cây lúa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Hậu Giang (Ảnh: Gia Tuệ/Pháp luật TP.HCM)

Tập trung “thuyết phục” từng phân khúc thị trường

TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng về lâu dài nếu lúa gạo tiếp tục lệ thuộc vào một thị trường là vấn đề rất khó. Do vậy cần xúc tiến thương mại nhiều thị trường khác nhau dù phải đối diện cạnh tranh gay gắt.

“Thị trường châu Phi bỏ ngỏ rất lớn, Bắc Mỹ và Tây Âu người Việt ở đó kiếm gạo ăn cũng khó. Nếu mở rộng thị trường được thì chuyện tiêu thụ 6-7 triệu tấn không phải là khó. Còn nếu quá lệ thuộc vào một thị trường nhạy cảm sẽ khó lường hết khó khăn, từ đó sẽ xảy ra ứ đọng gây khó khăn cho nông dân” – TS Bảnh chia sẻ.

Muốn làm cho thị trường rộng mở đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược về sản xuất và tiêu thụ. Một mặt hàng phải gắn với thị trường cụ thể và chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo phải nắm bắt các vấn đề này để đặt hàng nông dân chủ động sản xuất, DN chủ động mở rộng thị trường.

Còn như vấn đề hiện nay, DN đang làm ngược lại với thế giới, khi có hợp đồng xuất gạo thì mới quay ra thu gom lúa gạo để làm hàng xuất cho đối tác. Đơn cử như vừa qua trúng gói thầu 800.000 tấn ở Philippines. Do lo ngại cạnh tranh với Thái Lan hạ giá xuống thấp nên giá ta trúng thầu chỉ có 370 USD/tấn, tương đương 8.000 đồng/kg.

Như vậy nếu DN mua lúa 4.500-5.000 đồng/kg thì bán lỗ, DN phải mua gạo chất lượng thấp trộn vào.

Đây là bài học về bị động thị trường. Trong khi nếu làm bài bản chúng ta có mặt hàng tốt đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng ta mở sàn giao dịch bán đấu giá, giá lúc đó sẽ khác. Còn chúng ta cứ chờ đấu giá trúng thầu rồi mới trở về thu mua thì có gì mua nấy, rồi để đảm bảo có lãi phải mua giá thấp.

Với những thị trường dễ tính, thượng vàng hạ cám gì cũng mua hết thì không sao nhưng muốn có thị trường rộng mở cần thiết phải cải thiện chất lượng, tổ chức lại sản xuất như thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại phải có tầm nhìn, phải có chiến lược gắn với từng thị trường, gắn với chủng loại gạo cụ thể.

VFA và các DN thành viên nên có tầm nhìn, chiến lược trong quá trình sản xuất, nắm bắt thị trường tốt để ra giá tốt, người trồng lúa và DN cùng có lợi và sống được từ cây lúa.

Xã hội hóa DN thu hút vốn đầu tư

Cũng cùng quan điểm phải tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL, TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng: “Tái cơ cấu đòi hỏi phải có động lực thúc đẩy, nhân tố để thực hiện và trong bối cảnh hiện nay đặt ra vấn đề tái cơ cấu, tái cấu trúc thì dễ nhưng kết quả sẽ ra sao thì rất khó trả lời. Điều cần làm chính là phải có thể chế tốt mở đường, đặc biệt là với đất đai và quyền tài sản, nếu không tái cấu trúc sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu và chỉ mở ra trong các hội thảo, hội nghị”.

TS Võ Hùng Dũng nhận định con số đầu tư vào nông nghiệp (so với GDP) liên tục giảm. Năm 2000 đầu tư vào nông nghiệp chiếm 4,7% GDP, năm 2005 còn 3,1%, năm 2010 còn 2,4% và năm 2012 chỉ còn 1,6%.

Vốn FDI vào nông nghiệp cho đến nay chiếm 3,4% số dự án và 1,5% tổng vốn đăng ký; số DN hoạt động toàn bộ khu vực nông lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm 1%. Các con số này so với năm 2005 còn thấp hơn, qua đó cho thấy thể chế cho nông nghiệp là hết sức yếu kém.

Thế nên theo TS Dũng cần có thêm cơ chế, chính sách theo dạng xã hội hóa để tạo sức hút, sự hấp dẫn để các DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có lúa gạo. “Tại sao trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, TM-DV thì DN đầu tư nhiều trong khi lĩnh vực nông nghiệp lại ít? Ở đây chúng ta lại quay về câu chuyện tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút, nếu không có thể thấy trước kết cục của tái cấu trúc thì khó có thể đi xa hơn” – TS Dũng chia sẻ và nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng sức hút để DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều và vốn đầu tư vào ngành so với GDP không tăng mà còn giảm.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận nhu cầu là rất lớn nhưng ngân sách có hạn, do đó vấn đề xã hội hóa phải được đặt ra trong bối cảnh hiện nay và muốn vậy thì cơ chế, chính sách để thu hút phải đầy đủ để DN có thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài.

Hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL” thu hút khoảng 70 nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách… và đại diện các tổ chức quốc tế nghe tám tham luận và cùng tham gia phiên tọa đàm với các chủ đề như “Thị trường và chính sách lúa gạo Việt Nam”, “Phát triển các tổ chức hỗ trợ liên kết sản xuất”, “Phương thức quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả nhằm nâng cao giá trị gạo cho ĐBSCL”, “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững”… qua đó trao đổi, bàn luận để tìm các giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL.

***

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của Việt Nam. Diện tích gieo trồng năm 2013 là 4,3 triệu ha, sản lượng đạt gần 25 triệu tấn. Trên 70% sản lượng gạo của vùng dành cho xuất khẩu.