Khai thác bừa bãi đất ruộng ở Sóc Trăng

ThienNhien.Net – Những năm qua, hàng nghìn ha đất mặt trồng lúa ở Sóc Trăng bị “tùng xẻo” để san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Tình trạng khai thác bừa bãi này gây bức xúc trong nhân dân, nhưng chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Lực lượng chức năng kiểm tra khai thác đất mặt ruộng lúa ở Sóc Trăng (Ảnh: Nhân Dân)
Lực lượng chức năng kiểm tra khai thác đất mặt ruộng lúa ở Sóc Trăng (Ảnh: Nhân Dân)

“Xẻ thịt” đất trồng lúa

Tỉnh Sóc Trăng hiện có hàng chục cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Mỗi năm, các cơ sở này cần đến cả triệu m3 đất để sản xuất gạch. Ngoài ra, việc san lấp mặt bằng để xây dựng cũng “ngốn” hàng triệu m3 đất/năm. Diện tích đất mặt màu mỡ trồng lúa bị mất đi ngày càng lớn; việc khai thác diễn ra rầm rộ nhất là vào mùa khô. Thời điểm này, từng đoàn xe cuốc, xe ben qua lại dập dìu, thi nhau “xẻ thịt” những mảnh ruộng vừa mới thu hoạch lúa nằm dọc theo các tuyến lộ chính. Lần theo đoàn xe ben hàng chục chiếc đang xuôi, ngược chở đất chạy trên đường 3-4, đường Bạch Ðằng, Mạc Ðỉnh Chi… thành phố Sóc Trăng, một cảnh tượng diễn ra trước mắt chúng tôi: Tiếng máy nổ ầm ầm, khói, bụi bay mù mịt, đất rơi vãi khắp nơi trên các đoạn đường đoàn xe đi qua. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở phường 3, TP Sóc Trăng bức xúc nói: “Những tháng mùa khô, trời nắng gắt như lửa thiêu. Sau khi làm việc vất vả, chúng tôi về đến nhà rồi mà không được nghỉ ngơi, vì xe ben chở đất chạy qua chạy lại rầm rập suốt ngày. Tệ hại hơn là cát, bụi bay cả vào mâm cơm, ăn cũng không yên. Không biết ai cho lấy đất mặt ruộng bán mà có đến cả trăm lượt xe đất chạy qua đoạn đường này mỗi ngày”.

Thực trạng đất mặt ruộng bị “xẻ thịt” đã và đang diễn ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhiều hộ bán đất mặt ruộng, đưa ra lý do, đất gò cao, làm không hiệu quả, cho nên mới bán lớp đất này nhằm vừa cải tạo đất vừa có tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu cho vụ lúa tiếp theo. Theo thỏa thuận, nông dân bán cho doanh nghiệp lớp đất mặt ruộng sâu khoảng 2 tấc với giá từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/công. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các hộ lại “hào phóng” đến mức “rước” xe ben, xe cuốc vào tận ruộng của mình, để mặc cho xe cơ giới cào, múc sâu bao nhiêu cũng được. Nhiều mảnh ruộng đã bị vét hết lớp đất mặt màu mỡ. Ðất không được cải tạo theo mong muốn của nông dân, vì lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng bị lấy đi, năng suất lúa giảm, chi phí sản xuất tăng, nếu tính riêng chi phí phân bón sẽ tăng từ 100 kg đến 250 kg/ha. Lấy đất mặt ruộng một cách vô độ không chỉ gây khó khăn trong sản xuất ở diện tích đó, mà còn ảnh hưởng xấu đến việc canh tác của diện tích chung quanh. Mặt ruộng bị băm nát, chỗ cao, chỗ thấp, rồi biến thành đất trũng, thấp hơn ruộng bên cạnh, gây khó cho việc điều tiết nước trên cùng một cánh đồng, dẫn đến tình trạng, nếu bơm đủ nước cho các hộ ruộng cao thì ngập úng xảy ra tại ruộng của các hộ đã bán lớp đất mặt; còn nếu bơm vừa đủ lượng nước cho hộ có ruộng thấp, thì ruộng cao thiếu nước trầm trọng. Ðiều nguy hại hơn là các cánh đồng bị hạ độ cao, nước mặn tràn vào, diện tích bị xâm nhập mặn ngày càng lớn…

Loay hoay tìm giải pháp khắc phục

Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của UBND tỉnh Sóc Trăng, đất nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng gồm: đất gò không canh tác; đất bãi hoang; đất tận dụng từ khơi thông lòng sông, kênh rạch; đất ven sông không sản xuất nông nghiệp; đất hạ cốt ruộng. Tuy nhiên, tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương “hạ cốt ruộng” như thế nào để thực hiện đúng cách cải tạo mặt ruộng mà không làm mất đi độ màu mỡ của đất, không hủy hoại đất; vị trí được phép khai thác tầng đất mặt trồng lúa là ở đâu, với diện tích bao nhiêu. Do đó, nhiều địa phương quản lý khai thác đất mặt ruộng còn lỏng lẻo, chưa thống nhất, có nơi cho khai thác, có nơi không cho khai thác; các ngành chức năng phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, khi phát hiện sai phạm, còn lúng túng trong khâu xử lý như: chưa biết xử lý người bán hay người mua, dựa trên cơ sở pháp lý nào để xử lý… Từ đó dẫn đến tình trạng tự tiện mua bán, khai thác tràn lan đất mặt ruộng, chính quyền địa phương không kiểm soát được. Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn đến kiểm tra thì đơn vị khai thác đã ngưng hoạt động. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tạm thời chưa cấp phép khai thác lấy tầng mặt đất trồng lúa, chờ tham khảo ý kiến của bộ, ngành liên quan. Theo các nhà khoa học, việc “hạ cốt ruộng” đối với đất gò cao, sản xuất không hiệu quả là cần thiết, nhưng phải khai thác đúng cách, điều quan trọng nhất là phải giữ cho được lớp đất mặt.

Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HÐND tỉnh Sóc Trăng Trần Ðại Phúc cho biết: Ðể có những giải pháp căn cơ, nhất quán trong việc quản lý, khai thác, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành khảo sát lại việc khai thác đất mặt ruộng trong thời gian qua trên địa bàn để đánh giá sự ảnh hưởng của nó; ban hành quy định hướng dẫn thống nhất trong việc quản lý, khai thác, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp nhằm tránh những tác hại lâu dài và giữ ổn định diện tích đất trồng lúa. Các ngành chức năng và các địa phương cần tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu cụ thể phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền phổ biến sử dụng gạch không nung thay thế và hướng dẫn các cơ sở sản xuất gạch thủ công chuyển đổi công nghệ cho phù hợp.