Lao đao vì… mỏ – bài cuối

Thoi thóp thôn nghèo

ThienNhien.net – Gần trung tâm xã, không xa TP. Hà Giang là mấy nhưng vào Lũng Pù người ta thấy như là một thế giới của những sự khác biệt. Lâu lắm rồi 90 hộ dân, 500 nhân khẩu ở đây đã phải sống trong một tình trạng phập phù về nhiều thứ. Ngoài thổ nhưỡng, khí hậu thì cái khổ của người dân nơi đây còn có nguyên nhân từ tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan.

Mặc mọi sự nhắc nhở nhưng nhà máy vẫn mọc lên
Mặc mọi sự nhắc nhở nhưng nhà máy vẫn mọc lên

Nghèo vì mỏ

Lũng Pù (Lũng Rầy) nằm cách trung tâm xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) khoảng 7km và cách Trung tâm TP. Hà Giang gần 20km. Cực nhất khi vào với Lũng Phù ấy là con đường. Con đường gập ghềnh, lỗi lõm, như vừa trải qua cơn oanh kích của máy bay chiến đấu có hạng. Những người dân đi làm thuê gặp trên đường, lắc đầu ngao ngán: Trước nó tốt đấy. Nhưng do khoáng sản và xe chở quặng nên mới be bét như vậy.

Lũng Pù là một thôn định cư của người Mông trắng và Mông hoa từ những năm 1970 của thế kỉ 20. Từ cao nhìn xuống, cả thôn thảm thương loang lổ vì bị các núi đất, núi đá và núi bãi thải của một công trường khai khoáng ngày đêm đổ xuống. Theo trưởng thôn Tráng Sèo, hiện Lũng Pù có 90 hộ nhưng có 47 hộ nghèo. Đất đai hạn hẹp nhưng mấy năm gần đây người dân Lũng Pù lại đứng trước nguy cơ mất đất canh tác vì tình trạng khai thác khoáng sản.

Nhiều người dân nơi đây nhớ lại, khoảng năm 2011 gì đó, một công ty có tên là Đức Sơn tìm vào. Họ bảo dân: Tỉnh cho đất rồi và yêu cầu dân phải nhường những diện tích đất canh tác ít ỏi, vốn nuôi sống bao đời dân để khai thác khoáng sản. Theo chân người khai khoáng, máy móc ào vào, mìn nổ, tiếng máy nghiền đá vang lên. Cùng với những bãi quặng đen sì được tập kết, cùng với những xe quặng vặn mình đi ra là xỉ thải được đổ xuống. Ruộng dân bị vùi lấp. Những khe suối lấy nước cho các thửa ruộng ít ỏi cọc cằn, là chỗ tắm giặt cho dân chả bao lâu sau đã ngổn ngang những viên đá lớn, to như cái chuồng bò.

Đất đá lấp ruộng đã cực, tiếp đó đại công trường khai khoáng của Đức Sơn này còn xả thải xuống các lòng khe, lòng suối thoi thóp còn lại. Chỉ vào con suối to nhất chảy vắt qua bản, vừa là nguồn nước tắm, vừa là nguồn nước tưới cho những ruộng lúa ít ỏi trong thôn, Trưởng thôn Tráng Sèo lắc đầu: Trước mọi thứ đều sử dụng ở đấy. Nay cái khai trường cho ra cái thứ nước gì đấy nên suối chuyển màu rồi. Dân cũng chả dám dùng nữa!

Làm ngơ?

Năm 2006, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp 2 giấy phép cho một doanh nghiệp vào đây khai thác. Các giấy phép mang số 3253/QĐ – UBND ngày 5-12-2006 và Giấy phép số 2093/QĐ – UBND tỉnh đã tạo đà cho sự xâm nhập và khai thác tại khu mỏ đầy tiềm năng này.

Sau đó, liên tục trong vòng 3 năm trời, không chỉ Bộ TN&MT có những công văn và văn bản mà Văn phòng Chính phủ cũng rất nhiều lần gửi công văn đôn đốc, nhắc nhở tỉnh Hà Giang về việc thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản này. Bộ đã ra Công văn số 3476/BTNMT – ĐCKS và Công văn số 3072/BTNMT – ĐCKS để không chấp thuận các quyết định đã phát hành của UBND tỉnh Hà Giang.

Đồng thuận với đề xuất của Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra Công văn số 8218/VPCP – KTN gửi UBND tỉnh Hà Giang. Trong công văn này, tại mục 1 nêu rõ: Đồng ý với đề nghị của Bộ TN&MT về việc thu hồi 2 giấy phép khai thác số 3253/QĐ-UBND và giấy phép số 2093/QĐ – UBND đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép trên diện tích 58ha thuộc khu vực Lũng Rầy, Thuận Hòa, Vị Xuyên.

Nhưng lạ thay, không những không thực hiện các ý kiến này của Bộ TN&MT cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Hà Giang lại liên tục có những công văn để “tác động” xin tiếp tục được triển khai các dự án khai thác tại đây. Những Công văn mang các số như 463/UBND – NVKT và 1632/UBND – CNGTXD đã thể hiện khá rõ quan điểm “cố đấm ăn xôi” này của tỉnh. Nhưng vì trữ lượng và hàm lượng quặng sắt ở đây rất lớn, vượt quá khả năng của tỉnh và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, để phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/2006/QĐ – TTg nên việc này đã không được chấp thuận.

Tuy nhiên chẳng biết vì một lý do gì đó mà tỉnh Hà Giang vẫn làm thinh và tiếp tục cho doanh nghiệp vào đây khai thác. Cực chẳng đã trước tình trạng cố tình làm sai và làm trái này, Văn phòng Chính phủ lại phải soạn thảo Công văn số 8714/VPCP – KTN tiếp tục gửi UBND tỉnh Hà Giang nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Nghĩa là Hà Giang vẫn “đơn thương, độc mã”, để các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và Bộ TN&MT sang một bên và tiếp tục cho doanh nghiệp vào đây khai thác.