Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên

ThienNhien.Net – Ngày 10/4 tại Vientiane, thực hiện chủ trương hợp tác giữa Quốc hội hai nước, đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng dẫn đầu đã trao đổi kinh nghiệm về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với Quốc hội Lào.

Chủ tịch Quốc hội Pany Dathotu và các Phó Chủ tịch Quốc hội Lào đã đến dự.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với các đại biểu tham dự Tổng quan về tài nguyên môi trường, về quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Bộ trưởng nêu những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong những lĩnh vực trên, đồng thời cũng chỉ rõ những thách thức và bài học kinh nghiệm thực tiễn để kịp thời đề ra những chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội đúng định hướng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang (giữa) cùng đoàn công tác tham dự Hội thảo tại Viêng Chăn, Cộng hòa DCND Lào ngày 10/4/2014 (Ảnh: Monre.gov.vn)
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang (giữa) cùng đoàn công tác tham dự Hội thảo tại Viêng Chăn, Cộng hòa DCND Lào ngày 10/4/2014 (Ảnh: Monre.gov.vn)

Bộ trưởng cho rằng Việt Nam và Lào là hai nước có quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện, có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên, thể chế kinh tế-xã hội. Bộ trưởng hy vọng những kinh nghiệm của Việt Nam sẽ giúp Lào tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang mong muốn: hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và quản lý tài nguyên nói riêng ngày càng sâu rộng hiệu quả, góp phần vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sẽ là những bài học quý đối với Lào và tin tưởng hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để cùng nhau phát huy thế mạnh, đồng thời giúp Lào khắc phục được điểm còn tồn tại để việc quản lý tài, nguyên môi trường ngày càng tốt hơn.