Rút kinh nghiệm vụ mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã

VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm về việc trưng cầu giám định trong vụ án liên quan đến động vật hoang dã.

Ảnh minh họa.

Theo đó, ngày 4-6-2019, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra, phát hiện Lý Nam Sinh (sinh năm 1988) đang hẹn khách để bán sản phẩm từ động vật hoang dã.

Tiếp đó, cơ quan chức năng khám xét nơi ở của Sinh, phát hiện một hộp sọ nghi là của hổ, ba chiếc nanh động vật và một cuốn sổ ghi chép giao dịch mua bán sản phẩm động vật hoang dã.

Kết quả giám định cho thấy các mẫu vật thu giữ là sản phẩm động vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ.

Ngày 18-10-2019, VKS có văn bản trao đổi với cơ quan điều tra (CQĐT). Văn bản nêu việc giám định loài để phục vụ công tác điều tra, xét xử căn cứ vào tiêu chuẩn người giám định tư pháp hoặc tổ chức giám định tư pháp theo luật định.

Theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thì Viện Sinh học nhiệt đới không có chức năng giám định mẫu vật nên không thể lấy kết quả giám định này làm căn cứ xử lý.

Ngày 24-10-2019, CQĐT Công an huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm để chờ phản hồi của Viện Sinh học nhiệt đới.

VKSND Tối cao cho rằng theo Nghị định 06/2019 và Quyết định 2249 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì có bốn cơ quan có chức năng giám định đối với động vật hoang dã là: Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.