Sông Mê Kông và những tổn hại không thể phục hồi

ThienNhien.Net – Vấn đề xây dựng những công trình có thể gây tổn hại cho dòng sông Mê Kông không chỉ là mối quan tâm của những nước đã và đang chịu thiệt hại trực tiếp mà đã lan rộng trên toàn thế giới. Hiện nay trên thế giới, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề này đã hình thành Liên minh cứu sông Mê Kông. Và bằng nhiều nghiên cứu khác nhau, các tổ chức này đã chứng minh việc xây dựng đập thủy điện hiện tại và tương lai sẽ gây ra những tổn hại không thể phục hồi cho hệ sinh thái của lưu vực sông Mê Kông. Đồng thời, có nguy cơ đẩy ít nhất hơn 100.000 người vào cảnh nghèo đói và buộc phải di cư.

Đổi lương thực lấy năng lượng, nên chăng?

Sông Mê Kông là con sông quốc tế chảy qua 6 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. 6 quốc gia trong lưu vực sông có quyền và trách nhiệm cùng nhau chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên của dòng sông chung này. Hai thập kỷ gần đây dòng sông bị áp lực nặng nề do các hoạt động phát triển kinh tế và dân số gia tăng trong vùng. Môi trường và sinh kế của các cộng đồng dân cư trong vùng hạ lưu đang đứng trước những thách thức mới nghiêm trọng và phức tạp hơn do nhiều hồ chứa thủy điện đã được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc và trên các nhánh sông lớn, tác động đến dòng chảy hạ lưu. Gần đây, một loạt công trình thủy điện đã được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho sự bền vững của dòng sông.

Theo nghiên cứu sơ bộ bậc thang 12 đập dòng chính và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tiến hành được công bố vào tháng 10-2010, bậc thang hạ lưu có nguy cơ gây ra tổn thất không thể phục hồi tới sinh thái sông Mê Kông. Đồng thời đặt sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu dân cư sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên từ dòng sông vào tình trạng bị đe dọa.

Xây nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công sẽ gây ra những tổn hại không thể phục hồi ở vùng hạ nguồn (Người dân chài lưới bắt cá trên sông Hậu - Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/Sài Gòn Giải Phóng)
Xây nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công sẽ gây ra những tổn hại không thể phục hồi ở vùng hạ nguồn (Người dân chài lưới bắt cá trên sông Hậu – Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/Sài Gòn Giải Phóng)

Lợi thượng lưu, hại hạ lưu

Phân tích sâu hơn về lợi và hại của mỗi nước liên quan đến hoạt động xây dựng đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông cho thấy, về phía Lào, việc xây dựng 12 đập thủy điện có thể đem lại cho nước bạn khoảng 2,6 tỷ USD/năm. Thế nhưng, trong 25 năm đầu vận hành theo phương thức BOT, Chính phủ Lào chỉ được hưởng 26% – 31% của tổng số 2,6 tỷ USD/năm, tức khoảng 678 – 876 triệu USD. Số tiền này có thể sẽ kích thích sự phát triển nền kinh tế Lào nhưng Lào sẽ phải bỏ lại 50% trong tổng chi phí thu được để tái đầu tư trang thiết bị, công nghệ bên ngoài nước Lào, kể cả các nước bên ngoài khu vực. Không chỉ vậy, việc xây đập cũng sẽ khiến Lào phải di dời khoảng 106.000 người và 2 triệu người sống khu vực dưới hồ chứa nước cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Hệ quả của vấn đề này là Lào sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn xã hội khi những người có đời sống phụ thuộc vào sông Mê Kông bị mất sinh kế và di cư ra các đô thị để tìm việc làm (80% dân số Lào phụ thuộc vào nguồn thủy sản của sông Mê Kông với mức độ nhiều ít khác nhau).

Trung Quốc là nước có lợi nhất. Hiện Trung Quốc đã xây 4 đập và đang xây thêm 4 đập nữa ở vùng thượng lưu sông Mê Kông. Nếu Trung Quốc tham gia đầu tư thêm 4 đập nữa ở vùng hạ lưu thì sẽ có cả thảy 12 đập (trên tổng số 20 đập) trên dòng chính sông Mê Kông. Như vậy, chắc chắn Trung Quốc sẽ kiểm soát được toàn bộ nguồn nước của sông Mê Kông và dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia của tất cả các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Khi tham gia Ủy hội sông Mê Kông với tư cách là quan sát viên, Trung Quốc luôn cho rằng các đập của họ chỉ có lợi cho vùng hạ lưu như giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô và luôn phủ nhận những tác động xấu của các đập thủy điện với các nước hạ nguồn. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh những đập thủy điện của Trung Quốc đã gây lũ nhân tạo trong mùa khô tại Thái Lan, Lào và giữ lại lượng lớn phù sa đến vùng châu thổ. Chưa hết, khi xảy ra tình trạng động đất, vỡ đập thì hạ lưu vẫn là những vùng phải gánh chịu những tác hại to lớn.

Còn với những nước còn lại, lợi ích sẽ không thấm vào đâu so với những thiệt hại không sao bù đắp nổi. Thủy sản và phù sa sẽ giảm mạnh, môi trường sẽ ô nhiễm, sự dịch chuyển nhanh và khó tiên đoán của ranh giới mặn, sự kiến tạo đồng bằng sẽ không còn…

Cần áp dụng giải pháp mạnh

Từ những phân tích trên cho thấy, trong bối cảnh tình hình quy hoạch hiện chưa đầy đủ, đề xuất chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là nên hoãn thời gian (có thể 10 năm) xây đập cho tới khi tiến hành các nghiên cứu sâu hơn và các nhà chức trách có đầy đủ thông tin hơn về những rủi ro do đập thủy điện gây ra là hoàn toàn chính đáng. Để làm được điều này cần thiết phải có những cuộc vận động cấp cao giữa chính phủ các nước với nhau.

Chính phủ Việt Nam có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế giúp Lào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, cùng tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển thay thế thông qua chương trình phát triển bền vững vùng Mê Kông như du lịch Mê Kông xanh, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận cảng biển, đào tạo nhân lực… Riêng về thủy điện, Lào có nhiều tiềm năng về thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia, thu nguồn ngoại tệ mà ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính. Việt Nam hiện cũng đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mê Kông ở Lào. Do vậy, việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ nước bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”.

Ngoài ra, Việt Nam cần nhanh chóng giao cho các cơ quan chức năng tiến hành ngay những nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đặc biệt xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề đầu tư và nhập khẩu điện từ các công trình trên dòng chính sông Mê Kông trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và kế hoạch phát triển nguồn điện để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia. Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức của công chúng về thủy điện dòng chính Mê Kông để tranh thủ vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ trong vấn đề này.

Riêng với những nước cùng trong Ủy hội sông Mê Kông, cần duy trì và củng cố vai trò của ủy hội để tạo sự đồng thuận khu vực khi giải quyết các vấn đề xuyên biên giới. Mặt khác, tranh thủ các cơ hội để đưa vấn đề sông Mê Kông vào các diễn đàn khu vực, quốc tế. Cần thiết khuyến khích sự hợp tác đa cấp, đa chiều của các tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ xã hội dân sự với các tổ chức khác trong vùng liên quan đến vấn đề sông Mê Kông.

Chuyên gia Ame Trandem – Tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế

Những quan ngại và hành động từ quốc tế

  • Khi 12 con đập hình thành trên dòng chính và hàng trăm đập mọc lên trên các dòng nhánh, có thể dẫn đến sự giải tán Ủy hội sông Mê Kông vì chẳng có lý do nào để tổ chức này tồn tại.
  • Hiện các tổ chức lớn như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (WCD) đều đã ủng hộ hoãn quyết định xây dựng 12 con đập trong 10 năm để có thể nghiên cứu thêm trước khi ra quyết định.
  • Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ra thông báo chính thức khẳng định không cung cấp tài chính cho việc xây dựng các đập này.