Cam go bảo vệ rừng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 1

Thấp thỏm lo cháy rừng

ThienNhien.Net – Những tháng vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến nhiều khu rừng rơi vào tình trạng khô hạn ngày càng nghiêm trọng, có nơi đang ở mức báo động cháy cấp 4, 5. Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang dốc toàn lực để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng.

Khô gắt từng ngày

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, hiện nay tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô trên các lâm phận của tỉnh là gần 23.000 ha, chiếm khoảng 30% diện tích rừng toàn tỉnh. Tại các huyện Phú Quốc, U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên, nguy cơ cháy rừng được dự báo ở cấp 3, cấp 4, có nơi lên đến cấp cực kỳ nguy hiểm.

Lực lượng kiểm lâm liên huyện U Minh Thượng - Vĩnh Thuận đang kiểm tra rừng tràm (Ảnh: Báo Tin Tức)
Lực lượng kiểm lâm liên huyện U Minh Thượng – Vĩnh Thuận đang kiểm tra rừng tràm (Ảnh: Báo Tin Tức)

Đơn cử, huyện đảo Phú Quốc có trên 37.000 ha rừng với hai loại gồm rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có hơn 60 ha đang có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó, gần 3.500 ha tại khu vực đồng tràm thuộc các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và khu vực Bắc – Nam Bãi Trường có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Có mặt tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, dưới cái nắng oi nồng, ông Trần Hồng Đảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận lo lắng nói: “Năm nay, thời tiết nắng nóng diễn biến gay gắt. Đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nước bốc hơi nhanh nên diện tích lâm phận có nguy cơ cháy cao đang tăng lên từng ngày. Hiện tại vườn U Minh Thượng có 278 ha rừng ở báo động cháy cấp 3 tại tiểu khu 58, 59 và 494 ha báo động cấp 2 thuộc tiểu khu 47, 48, 49, 50”.

Đưa chúng tôi vào len lỏi vào khu vực rừng Tràm, sau khi dùng tay cào xới lớp đất mặt khô rang và cho xem những lớp thực bì khô quắt queo nằm trên mặt đất, ông Đảo cho biết thêm: “Hiện nay, một số tuyến kênh mương, nước rút xuống sâu khiến mặt đất bị khô. Nếu trong thời gian tới, xuất hiện một số cơn mưa trái mùa rửa trôi lớp phèn bám trên thực bì thì khi gặp nắng nóng trở lại kéo dài thì lớp thực bì này rất dễ bén lửa và xảy ra cháy trên diện rộng. Chỉ cần một mẩu thuốc cháy dở vứt xuống thôi cũng có thể xảy ra chuyện lớn”.

Còn tại tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Theo thống kê mới nhất, do toàn bộ diện tích rừng tràm với gần 70.000 ha của toàn tỉnh đang có nguy cơ bị khô hạn nên khả năng cháy rừng là rất cao. Hiện nay, gần 10.000 ha rừng tràm thuộc rừng U Minh Hạ đang bị khô hạn gay gắt trong đó có 6.000 ha đang được cảnh báo nguy cơ báo động cháy cấp 3 tập trung tại các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời”.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Cà Mau đã chủ động đắp trên 500 con đập với mục đích tích trữ nước cho rừng. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió mạnh đã làm cho nước cạn nhanh. Dự báo đến cuối tháng 3, toàn bộ phần rừng tràm U Minh Hạ sẽ bị khô nước đẩy nguy cơ cháy rừng tăng cao hơn.

Đứng trên tháp canh lửa trung tâm cao 26 m, ông Nguyễn Tấn Truyền, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia U Minh hạ chỉ tay về tán rừng rộng lớn. Tại đây, chen lẫn cùng màu xanh của lá tràm là một màu đỏ rực của những cây dương sỉ héo úa đang bám chặt trên thân cây. Ông Truyền nhận định: “Nếu hỏa hoạn xảy ra, những cây tràm sẽ như là những ngọn đuốc khổng lồ. Rừng U Minh Hạ là rừng đầm lầy than bùn. Hiện nay do độ ẩm của đất đã giảm xuống dưới 50% nên thảm thực vật ở mặt đất cũng đang là mối lo lớn”.

Căng sức bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, cho biết: “Năm nay, tỉnh đầu tư kinh phí gần 7 tỷ đồng cho công tác phòng chống cháy và bảo vệ rừng. Kế hoạch “4 tại chỗ” đã được các chủ rừng, đơn vị lâm nghiệp triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn lâm phận, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng. Hàng ngày đều tổ chức báo cáo liên tục từ các đơn vị cơ sở lên Chi cục để có chỉ đạo kịp thời trong mọi tình huống”.

Hiện các địa phương có rừng, các đơn vị lâm nghiệp đã bố trí lực lượng trực chiến 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, cực kỳ nguy hiểm với nhiệm vụ dập tắt kịp thời, không để cháy lan nếu có phát sinh đám cháy. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cơ động tổ chức tuần tra thường xuyên, liên tục. Theo đó, toàn tỉnh đã có hơn 200 tổ, đội với quân số 5.000 người tham gia phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã áp dụng các biện pháp lâm sinh như khoanh vùng trọng điểm, gia cố hệ thống đê, đập, giếng, bơm nước, nạo vét, làm sạch kênh mương để đảm bảo lưu thông thông thoáng cho phương tiện tuần tra, chữa cháy, tạo đường băng xanh cản lửa.

Tỉnh cũng đã đóng cửa rừng những khu vực trọng yếu, nguy cơ cháy cao và tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng, tập trung vào những đối tượng dân cư đang sinh sống xung quanh rừng.

Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 5.500 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 2.585 ha đất rừng tập trung ở khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân. Riêng khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng có diện tích gần 3.000 ha với 1.400 ha có rừng, là khu vực có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Hậu Giang cho nên công tác phòng chống cháy rừng ở đây luôn được thực hiện thường xuyên. Theo đó, tỉnh cũng đã thành lập 20 tổ chữa cháy chuyên trách, 88 tổ chữa cháy rừng với sự tham gia của nhân dân địa phương. Tính đến nay các khu vực như khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân, khu Lâm Ngư…. đã được cơ quan chức năng vận động quét dọn thông luồng 30 kênh mương, đốt có kiểm soát thực bì với tổng diện tích 15 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thành cải tạo và xây dựng 154 km kênh mương trữ nước, 2 trạm bơm điện, 72 cống đập và 6 tháp canh lửa kiên cố, 16 chốt bảo vệ các khu vực trọng điểm.

Đối với tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: “Thời gian qua, các đơn vị quản lý rừng đã đắp hàng trăm đập lớn nhỏ để cố gắng giữ nước, xây dựng 126 chòi canh lửa. Ngoài ra, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng 80 máy bơm, phát dọn những nơi có vật liệu dễ cháy tạo đường ranh ngăn lửa. Lực lượng phòng chống cháy rừng cũng đã huy động được hơn 3.800 người tham gia theo phương châm lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ”.