Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Tổng cục Môi trường là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về môi trường trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về môi trường theo quy định của pháp luật.

Về kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường tại các đô thị, nông thôn, miền núi, lưu vực sông và vùng ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cụm công nghiệp và làng nghề;…

Bên cạnh đó, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc điều tra, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn liên tỉnh, liên vùng, xuyên quốc gia; chỉ đạo việc xây dựng bản đồ ô nhiễm môi trường của các địa phương để định hướng cho việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Đồng thời, điều tra, thống kê, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn ô nhiễm; trực tiếp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước; ô nhiễm môi trường do các sự cố gây ra theo quy định của pháp luật; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động các nguồn lực nhằm ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường do các sự cố gây ra.Về quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo vệ môi trường lưu vực sông, vùng ven biển, vùng biển và hải đảo, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn việc điều tra, xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra ở địa phương; tổ chức thẩmm định và theo dõi các dự án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, hướng dẫn, kiểm tra việc thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ và kiểm toán chất thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện côgn tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật;…

Tổng cục Môi trường có 18 đơn vị trực thuộc

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Môi trường có 18 đơn vị trực thuộc gồm: 1- Vụ Chính sách và Pháp chế; 2- Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ; 3- Vụ Kế hoạch – Tài chính; 4- Vụ Tổ chức cán bộ; 5- Văn phòng; 6- Cục Bảo tồn đa dạng sinh học; 7- Cục Kiểm soát ô nhiễm; 8- Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (có Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy); 9- Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; 10- Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường; 11- Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên; 12- Cục Môi trường miền Nam; 13- Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường; 14- Trung tâm Quan trắc môi trường; 15- Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường; 16- Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường; 17- Tạp chí Môi trường; 18- Viện Khoa học môi trường.

Tổng cục Môi trường có Tổng Cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.