Hà Tĩnh: Kỳ quặc nơi “mạnh ai nấy chiếm” đất rừng

ThienNhien.Net – Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bấy lâu “nổi tiếng” với “thành tích” đất, rừng bị lấn chiếm. Theo thống kê chưa đầy đủ mà VietNamNet có được, gần 1.000ha đất rừng đã bị dân sẻ phát, lấn chiếm. Trong đó có cả chuyện chặt phá rừng phòng hộ.

Mặc dù cả chính quyền và người dân đều biết rằng, việc lấn chiếm đất rừng là trái pháp luật, nhưng rồi chỉ dừng lại ở mức độ “biết vậy”.

Cả hệ thống chính trị huyện Hương Khê vào cuộc, nhưng dường như bất lực, và để xảy ra hệ lụy hiệu ứng lan rộng, đất rừng ngày càng bị xâm chiếm, ngang nhiên chặt phá cả rừng cấm.

Mạnh ai nấy chiếm

Đã hơn 1 năm nay, kể từ khi người dân xã Hòa Hải cản trở không cho Cty TNHH MTV Cao Su Hương Khê thi công trên diện tích hơn 300ha đất rừng đã được tỉnh chấp thuận, sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Hơn 170 ha đất rừng thuộc sở hữu của Cty Cao Su Hương Khê bị xâm chiếm hơn 1 năm nay, gây bao nhiêu thiệt hại, nhưng việc xử lý của chính quyền không cương quyết, sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ (Ảnh: VietNamNet)
Hơn 170 ha đất rừng thuộc sở hữu của Cty Cao Su Hương Khê bị xâm chiếm hơn 1 năm nay, gây bao nhiêu thiệt hại, nhưng việc xử lý của chính quyền không cương quyết, sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ (Ảnh: VietNamNet)

Hàng chục cuộc họp, hàng trăm văn bản phát ra, những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện…

Tất cả đều khẳng định việc làm của những hộ dân là trái pháp luật, nhưng rồi chính quyền, cơ quan chức năng chẳng có biện pháp xử lý. Và từ việc cản trở, người dân ngang nhiên xâm chiếm hơn 170ha đất rừng có chủ, và đã trồng keo trên 165ha, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Như một hệ lụy, vụ xâm chiếm đất rừng tại xã Hòa Hải không được giải quyết triệt để đã khiến cho người dân nhiều xã khác ở Hương Khê đã ồ ạt chặt phá rừng, xâm chiếm đất.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Hương Khê, hiện nay trên địa bàn huyện có ít nhất là 282 ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm.

Thế nhưng, số liệu của ông Ngô Xuân Ninh – Phó chủ tịch UBND huyện cung cấp thì lại lên tới khoảng 500 ha.

Tuy nhiên, số liệu trên chưa phải là chính xác. Tại xã Hòa Hải, nơi đang xảy ra vụ xâm chiếm đất rừng nghiêm trọng, ông Phạm Hữu Nhân, Chủ tịch UBND xã thông tin, hiện trên toàn xã có khoảng 460ha đất rừng bị dân xâm chiếm trái phép.

Nghiêm trọng hơn, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2013 đến nay, nhiều người dân đã ngang nhiên vào sẻ phát bao chiếm rừng tại tiểu khu 200 ở xã Hương Giang.

Mặc dù khi mới xẩy ra sự việc, Cty Cao su Hương Khê đã có báo cáo UBND huyện, nhưng đễn nay người dân đã bao chiếm khoảng 70 ha, trong đó có nhiều ha rừng phòng hộ bị chặt phá.

Tại các xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Hương Liên, Ban QL rừng phòng hộ Ngàn Sâu, BQL rừng phòng hộ Sông Tiêm… cũng đã có hàng trăm ha đất rừng bị người dân xâm chiếm nhiều năm nay.

Yếu kém của chính quyền

Liên quan đến vụ việc ở Hòa Hải, tại cuộc họp ngày 3/7/2013 do ông Lê Đình Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng hầu hết các sở ban ngành, xã huyện tham gia, khẳng định quy trình cấp 324ha tại tiểu khu 192 cho Cty Cao su HK là đúng pháp luật, việc 55 người dân tự ý vào xâm lấn, sẻ phát trồng cây trên tại các khoảnh 5; 7; 8; 11 (TK 192) là trái pháp luật.

Ông Ngô Xuân Ninh, PCT huyện Hương Khê thừa nhận khó giải quyết sự việc tại xã Hòa Hải (Ảnh: VietNamNet)
Ông Ngô Xuân Ninh, PCT huyện Hương Khê thừa nhận khó giải quyết sự việc tại xã Hòa Hải (Ảnh: VietNamNet)

Đại diện các Sở đều khẳng định: Việc người dân sợ ảnh hưởng đến môi trường là không có cơ sở vì Cty đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN – MT thẩm định phê duyệt. Việc người dân xâm chiếm đất có chủ, được quy hoạch là sai trái. Nếu chiều theo nguyện vọng của dân thì sẽ gây thiệt hại cho DN, và dễ phát sinh phức tạp sau này.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Đình Sơn đã chỉ rõ những tồn tại của các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết vụ việc. Từ sự việc đơn giản, vài ba người dân vào lấn chiếm không giải quyết triệt để đã dẫn tới sự việc như ngày hôm nay. Và nếu không làm dứt điểm có thể sẽ trở thành “điểm nóng”.

Để dẫn tới việc đến nay vẫn chưa chấm dứt tình trạng người dân vào xâm chiếm trái phép, ông Sơn khẳng định là hậu quả của sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương.

“Những diện tích này người dân chưa từng tác động đến đây. Sau khi giao đất, Cty làm đường rồi thì lại nhảy vào xâm chiếm, như vậy là không được, là vi phạm pháp luật. Giờ nếu giao cho dân diện tích khoảnh 8, vậy số tiền Cty bỏ ra đầu tư làm đường, dân có trả nổi không?”, PCT tỉnh nói.

Thế nhưng, đến nay sự việc vẫn chưa có tiến triển gì. Người dân vẫn tiếp tục trồng keo trên đất lấn chiếm. Trong khi đó, Cty thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Doanh nghiệp điêu đứng

Vụ việc kéo dài phức tạp, đã hơn 1 năm trôi qua nhưng khi được hỏi, ông Ngô Xuân Ninh, PCT UBND huyện, trực tiếp phụ trách Tổ công tác giải quyết vụ xâm chiếm này nói rằng ‘huyện và các cơ quan vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động’.

Là người đứng đầu giải quyết vụ việc, ông Ninh thừa nhận từ khi nhậm chức đến nay (10/2013) ông chưa về họp với dân, lý do ông Ninh đưa ra là do người dân không nghe?!

Khi được hỏi, ông có thể cho biết là đến bao giờ thì giải quyết dứt điểm được vụ việc ở Hòa Hải, ông Ninh thật thà: “Câu hỏi đó không phải riêng tôi, mà hỏi ai, cũng không trả lời được”.

Mặc dù đã nỗ lực hết sức mình, nhưng công ty đành bất lực trước sự lấn chiếm trắng trợn của người dân.

Để bảo vệ lấy diện tích đất của mình đã bị dân chiếm dụng trái phép, Cty Cao su Hương Khê đã chấp nhận một số điều khoản vô lý để mong sớm giải quyết được vùng đất đã lấn chiếm.

Trong các phương án đề ra, Cty sẽ bỏ ra hàng tỷ đồng mở một con đường mới vào rừng cho người dân đi lại, sản xuất (ở vùng rừng xã đang làm thủ tục để chuẩn bị chia cho dân); hỗ trợ 50% tiền làm thủ tục giấy tờ đất; đền bù công phát sẻ, cây đã trồng trên 170 đất lấn chiếm (trên 7 triệu/ha)…

Mặc dù Cty đã xuống nước, nhưng các hộ dân này vẫn không chịu trả đất đã lấn chiếm! Hậu quả là, hơn 1 năm nay, 210 công nhân của Cty mất việc làm, bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào việc trồng, chăm sóc cao su.

Bên cạnh đó, hàng vạn cây giống cho kế hoạch trồng tại Hòa Hải với trị giá 1,8 tỷ đồng đã hư hỏng. Ngoài ra chưa kể việc công ty đã bỏ ra khoảng gần 6 tỷ đồng cho viết thuê thiết kế đo vẽ, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, nộp tiền theo quy định cho tỉnh 1,8 tỷ, cho xã 1,6 tỷ…

Theo như chỉ đạo của UBND huyện Hương Khê, Cty Cao su đã thực hiện lập phương án để được trồng trên diện tích chưa bị lấn chiếm. Tuy vậy, phương án mà Cty cố công gây dựng không được huyện chấp thuận. Lý do đưa ra là “chưa đạt”.

Và khi các phòng ban của UBND huyện cùng Cty đã có cuộc họp, thống nhất đệ trình xin chủ trương cho làm tổng thể diện tích được cấp. Tuy vậy, đến nay lãnh đạo huyện vẫn chưa có ý kiến gì.