Phát triển đô thị bền vững

ThienNhien.Net – Việt Nam đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ, đặc biệt là thời kỳ đất nước đổi mới. Hệ thống đô thị với 800 thành phố, thị xã, thị trấn trải đều trên khắp các vùng miền, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn: phân bố đô thị không đồng đều và tốc độ đô thị hóa không song hành với chất lượng đô thị.

Nhiều hệ lụy

Mặc dù số dân sống ở đô thị chưa cao nhưng do phát triển nhanh trong tình trạng thiếu quy hoạch và không kiểm soát được nên đô thị Việt Nam, nhất là các thành phố lớn đã bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng, cản trở quá trình phát triển đô thị bền vững. Quá trình đô thị hóa quá nhanh cùng với sự thay đổi điều kiện sống đã làm một bộ phận cư dân nông thôn di cư mạnh vào đô thị. Dân số thành thị tăng đột biến với mật độ dân cư dày đặc đã đặt ra những vấn đề hết sức gay gắt về công ăn việc làm, tệ nạn xã hội, khiến đời sống các đô thị thêm phức tạp.

Tốc độ đô thị hóa phải song hành với chất lượng đô thị. (Ảnh: Cao Thăng/SGGP)
Tốc độ đô thị hóa phải song hành với chất lượng đô thị. (Ảnh: Cao Thăng/SGGP)

Một con số không thể không giật mình: theo thống kê của Liên hiệp quốc, người di cư chiếm 1/10 dân số Hà Nội, 1/3 dân số TPHCM và con số ấy vẫn tiếp tục gia tăng. Một thống kê chưa chính thức cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu người từ nông thôn vào kiếm sống ở đô thị. Cứ đà này, theo dự báo của các chuyên gia, vào năm 2020 Hà Nội sẽ vượt ngưỡng dân số 8 – 8,5 triệu người, còn TPHCM sẽ là siêu đô thị với số dân khoảng 15 – 16 triệu người.

Dân số gia tăng kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết đó là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng. Đa số dân số nông thôn lên thành thị kiếm việc làm do học thức thấp, không có nghề nghiệp nên chỉ tìm được công việc lao động giản đơn ở các khu công nghiệp và khu chế xuất với thu nhập thấp nhưng lao động vất vả và cuộc sống rất bấp bênh. Đó là chưa kể một số đông thiếu may mắn phải lang thang tìm kiếm việc làm với những công việc không ổn định, bữa nay lo bữa mai, chưa đủ để duy trì cuộc sống nói gì đến cuộc sống có chất lượng. Đây là một trong những thách thức lớn đối với mục tiêu xây dựng đô thị công bằng, ổn định và văn minh.

Dân số ngày càng tăng, thách thức lớn khác đối với các đô thị Việt Nam là vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho dân nghèo thành thị và những cư dân nông nghiệp nhập cư vào thành phố. Thống kê của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho thấy, hiện 25% cư dân đô thị Việt Nam không đủ điều kiện sở hữu một căn nhà. 20% số căn nhà ở các đô thị được xếp vào loại không đạt chuẩn. Một bộ phận cư dân đô thị không bảo đảm đời sống tối thiểu mà đa số họ đều là những người lao động nhập cư từ nông thôn.

Quy hoạch đô thị khoa học

Phát triển đô thị chóng mặt, dân số không ngừng tăng, không thể không nói đến thách thức thứ 3: môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng. Khi tấc đất trở thành tấc vàng người ta đua nhau tìm cách sở hữu đất. Và khi cơn sốt địa ốc bùng lên, đất đai bị giành giật một cách không thương tiếc. Người kinh doanh chân chính cũng nhiều, người lấn chiếm trái phép cũng không ít. Việc lấn chiếm đất công, lấp sông hồ làm công trình, làm nhà diễn ra hàng ngày đã cản trở việc tiêu thoát nước, tiêu thoát chất thải đô thị. Các khu đô thị chạy theo lợi nhuận không tôn trọng quy hoạch, các nhà máy không xử lý chất thải đã đầu độc môi trường sống tự nhiên, làm gia tăng chưa từng có tình trạng ngập lụt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Đời sống dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường sống bị đầu độc ở mọi lúc, mọi nơi. Nguồn nước ngầm và các con sông bị ô nhiễm vì nước thải. Không khí bị ô nhiễm vì khói xe, bụi xây dựng và khói nhà máy không được xử lý.

Chuyện trẻ em thiếu trường học, bệnh viện quá tải cũng là chuyện thường ngày ở huyện và không phải là chuyện ở vùng sâu vùng xa hay miền núi hải đảo. Giao thông thường xuyên bị ách tắc gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Dịch vụ phục vụ đời sống như giáo dục, y tế và không gian công cộng vừa thiếu vừa yếu. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm, đời sống kinh tế khó khăn ngày càng gia tăng khiến trật tự xã hội thiếu ổn định, tội phạm giết người, trộm cướp hoành hành xâm hại đời sống an toàn của nhân dân… Tất cả đang đe dọa quá trình đô thị hóa và việc xây dựng phát triển hệ thống đô thị bền vững của đất nước.

Đô thị hóa là quy luật phát triển của xã hội. Không phát triển đô thị không thể trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển. Tuy diễn ra với tốc độ nhanh nhưng đô thị hóa ở Việt Nam vẫn thuộc trong nhóm nước có tốc độ đô thị hóa thấp của thế giới. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với mục tiêu xây dựng đời sống đô thị bền vững, điều có ý nghĩa tiên quyết là một chiến lược quy hoạch đô thị khoa học trên cơ sở gắn với quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp; quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm quy hoạch đi trước một bước. Để chấm dứt việc phát triển đô thị tự phát, không có cách nào khác là phải rà soát lại quy hoạch tổng thể, xóa bỏ ngay các dự án đô thị không đạt chuẩn, những dự án đô thị cấp phép theo tư duy nhiệm kỳ, cấp phép theo lợi ích nhóm. Quản lý chặt chẽ hoạt động đô thị hóa, đặc biệt với dự án của các địa phương.

Nhưng để làm tốt nhiệm vụ này, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đang rất còn thiếu và yếu, việc cần làm ngay là phải gấp rút bổ sung các văn bản pháp luật quản lý đô thị và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khẩn trương xem xét và quyết định sớm một vấn đề nóng và đang được dư luận bàn thảo: các chính sách đặc thù để quản lý phát triển đô thị ở các thành phố lớn như Luật Thủ đô, mô hình chính quyền đô thị. Tình trạng ngập lụt tại Hà Nội và TPHCM sau cơn bão số 6 và số 7 cũng buộc chúng ta phải xem xét việc xây dựng các công trình cấp thoát nước, chống ngập, xử lý nước thải để chống ô nhiễm và chủ động đối phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng đô thị theo hướng phát triển bền vững là con đường duy nhất đúng trong tiến trình đô thị hóa. Bài học cũ, cả thành công và thất bại đã có, vấn đề còn lại là quyết tâm của chúng ta.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hiện có 45% dân số châu Á sống ở đô thị. Do dân số đô thị ngày càng đông, châu Á đang có xu hướng hình thành các siêu đô thị. Trong số 10 siêu đô thị của thế giới, châu Á đã chiếm 6 và con số không dừng lại ở đó. Trong vòng 20 năm trở lại đây, hơn 1,1 tỷ người dân châu Á đã rời nông thôn vào sinh sống ở các thành phố. Và, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2020 sẽ có 62% dân số châu Á sống trong các đô thị.