Châu Á đối mặt nguy cơ “khát nước”

ThienNhien.Net – Châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng và có thể đưa đến những hệ lụy khôn lường.

Lục địa này có nguồn nước ngọt bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới, trong khi nhu cầu về nước gia tăng nhanh nhất thế giới.

Theo các số liệu của các nhà chuyên môn, lượng nước bình quân của châu Á chỉ tương đương 1/10 mức bình quân của khu vực Nam Mỹ, hay ở Australia và New Zealand, thấp hơn 1/4 mức của khu vực Bắc Mỹ, chỉ tương đương 1/3 mức của châu Âu và cũng ít hơn so với châu Phi vốn được hiểu nhầm là lục địa khô cằn nhất.

Tuy nhiên, châu Á lại là khu vực có nhu cầu về nước nhiều nhất do nền kinh tế phát triển năng động nhất. Hiện tại, nhiều nền kinh tế phát triển năng động của khu vực này đang vấp phải rào cản là nguồn nước. Không những thế, châu Á được đánh giá là khu vực sử dụng nguồn nước tương đối ít hiệu quả nhất.

Trả giá đắt…

Đối mặt với vấn đề gia tăng dân số, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu- sản phẩm của quá trình tăng trưởng kinh tế, quá trình mở rộng sản xuất của các ngành tiêu thụ nhiều nước, quá trình đô thị hóa tràn lan, đã khiến lượng nước bình quân của châu Á đang giảm 1/6% /năm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước, các cuộc tìm kiếm nguồn nước đang diễn ra sâu rộng chưa từng thấy. Hàng triệu giếng khoan đã rút hàng tỷ mét khối nước từ trong lòng đất khiến nguồn nước ngầm tụt giảm mạnh, trong khi đó, các sông ngòi cũng dần cạn kiệt không thể bổ sung cho nguồn nước ngầm.

Trong bối cảnh đó, nếu nói khủng hoảng nguồn nước đe dọa sự phát triển của châu Á thì cũng không phải là sự cường điệu. Bởi rào cản về nước có thể làm nản lòng các nhà đầu tư và đồng nghĩa với việc chi phí kinh doanh sẽ tăng lên.

Ảnh minh họa: washingtonpost.com
Ảnh minh họa: washingtonpost.com

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc đã làm cho GDP của nước này bị sụt giảm 2,3%. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa phải chịu “sức ép căng thẳng về nước”. Những nền kinh tế gặp phải tình trạng này, như Hàn Quốc và Ấn Độ, đang phải trả giá cao hơn Trung Quốc.

Những áp lực đối với nguồn nước và lương thực phải được giải quyết bởi giá lương thực quá cao như hiện nay đang làm tồi tệ thêm tình trạng nghèo tại châu Á. Theo dự tính, vào năm 2030, nhu cầu về nước ở châu Á sẽ cao hơn mức cung 40%. Do gần 80% nguồn nước của khu vực được dành cho sản xuất nông nghiệp, bởi vậy, việc thiếu nước sẽ góp phần tạo ra sự thiếu hụt về lương thực.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự tính giá lương thực tại các quốc gia đang phát triển thuộc châu Á- nơi có hơn 3,3 tỷ người sinh sống- tăng khoảng 10% đến năm 2020. ADB cũng đề cập đến những nguy cơ tạo ra bởi tình trạng kém an toàn đang gia tăng đối với nguồn nước và lương thực, cũng như sự tàn phá của lũ lụt và hạn hán. Biến đổi khí hậu, biểu hiện từ sự xuất hiện ngày càng thường xuyên những sự kiện thời tiết khắc nghiệt và lượng mưa thay đổi, dự kiến sẽ đặt thêm những gánh nặng lên nguồn cung lương thực và nguồn nước ở khu vực châu Á.

Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) cùng tiến hành nghiên cứu về tình trạng sử dụng nước ở châu Á trong nhiều năm, ước tính rằng châu Á sẽ có thêm 1,5 tỷ dân trước năm 2050. Vì thế việc đáp ứng nhu cầu lương thực cho tất cả người dân sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, các chính phủ rất khó mở rộng diện tích đất canh tác. Điều đó có nghĩa là để tăng thêm sản lượng lương thực, chúng ta buộc phải quản lý đất đai và các nguồn nước hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa: worldvision.com.au
Ảnh minh họa: worldvision.com.au

… nếu không cải tạo hệ thống thủy lợi

Báo cáo của FAO và IWMI cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á sẽ phải nhập khẩu gạo, ngô và lúa mì từ châu lục khác nếu họ không thay đổi cách thức tưới tiêu. Trong khi đó, giá ngũ cốc sẽ tiếp tục tăng lên do tình trạng không ổn định trên các thị trường lương thực quốc tế.

Theo Tổng giám đốc IWMI Colin Chartres, nhu cầu lương thực của châu Á sẽ tăng gấp đôi trước năm 2050. Các chính phủ chỉ có thể dựa vào ngoại thương để đem về những loại ngũ cốc mà họ cần. Nhưng nhập khẩu quá nhiều lương thực sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển.

Theo Chartres, cách duy nhất để thay đổi viễn cảnh đen tối là cải tạo tất cả các hệ thống thủy lợi ở châu Á. Các hệ thống này phụ thuộc vào nước bề mặt, song phần lớn đã xuống cấp trầm trọng do không được cải tạo và nâng cấp. Châu Á sở hữu tới 70% diện tích đất được tưới tiêu của thế giới. Báo cáo cho biết, hàng trăm triệu nông dân phải tự chịu trách nhiệm về việc đưa nước vào đồng ruộng của họ. Phần lớn nông dân chỉ sử dụng những thiết bị bơm nước lạc hậu và không hiệu quả. Tuy nhiên, họ lại có thể lấy một lượng nước không hạn chế vào ruộng khiến các nguồn nước nhanh chóng cạn kiệt. Nếu thói quen này vẫn tiếp diễn, khủng hoảng lương thực sẽ bùng phát trên khắp châu Á. Chúng ta đều hiểu rằng khi người dân đói, xã hội sẽ trở nên bất ổn”.

Báo cáo của FAO và IWMI kết luận rằng các chính phủ châu Á phải hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân để nâng cấp các hệ thống thủy lợi, đầu tư vào các biện pháp sử dụng nước hiệu quả và tiên tiến. “Nếu cứ sử dụng nước bừa bãi như hiện nay, khu vực Nam Á sẽ cần thêm 57% nước để tưới tiêu đồng ruộng, trong khi các nước Đông Á cần thêm 70%. Trong bối cảnh cả đất và nước ngày càng trở nên quý giá như hiện nay, một kịch bản như thế chẳng bền vững chút nào”, báo cáo viết.

Tại châu Á, nơi ngày càng phải chịu sức ép căng thẳng về nước, cuộc đấu tranh nhằm giành giật nguồn nước cũng đồng nghĩa với những căng thẳng leo thang về chính trị và tác động ngày càng tăng tới hệ sinh thái. Bức tranh về nước sẽ xấu đi tại các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á cũng như tại các nước kém phát triển hơn, nơi mà tỷ lệ sinh vẫn còn cao. Nhiều nước châu Á đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn các địa điểm để xây dựng các cơ sở sản xuất hoặc các nhà máy điện do ngày càng thiếu nguồn nước tại địa phương.

Để có thể ngăn ngừa cuộc chiến tranh về nước cần phải xây dựng được các quan hệ hợp tác dựa trên luật pháp, ý thức chia sẻ nguồn nước và các cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong vấn đề chia sẻ nguồn nước, các thỏa thuận giữa Ấn Độ với hai nước láng giềng là Pakistan và Bangladesh về chia sẻ nguồn nước sông Hằng được coi là một kinh nghiệm tốt.

Trong Hiệp ước về sông Hằng, được ký kết vào năm 1996, Ấn Độ đã đảm bảo để Bangladesh được khai thác một lượng nước tương đương với Ấn Độ trong mùa khô khó khăn. Còn Hiệp ước Indus 1960 cho đến nay vẫn được đánh giá là thỏa thuận chia sẻ nguồn nước rộng lượng nhất trên thế giới. Trong Hiệp ước này, Ấn Độ đã đồng ý dành 80% lượng nước từ 6 con sông thuộc mạng lưới Indus để Pakistan sử dụng vô thời hạn, với hy vọng rằng họ có thể đổi nước lấy hòa bình.

Vấn đề quan trọng đối với châu Á hiện nay là cần phải thể chế hóa việc hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc chia sẻ tài nguyên nước. Nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng về nước, châu Á có thể sẽ không còn là động cơ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.