2014: Thế giới sẽ nói tiếp câu chuyện năng lượng và khí thải

ThienNhien.Net – Những câu chuyện đẫm nước mắt trong và sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippin – quốc gia xếp thứ 6 trong danh sách các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu – đã phần nào khẳng định thất bại của con nguời trong mục tiêu giảm phát thải để cứu khí hậu. Mặc dù vài năm trở lại đây, các nguồn đầu tư đã có xu hướng chảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và các sáng kiến xanh nhưng nếu muốn duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C vào năm 2020, loài người cần phải cùng nhau nỗ lực trong việc hiện thực hóa mục tiêu giảm thải thay vì tiếp tục những toan tính lợi ích.

Lượng phát thải khí nhà kính năm 2013 đã lên tới gần 40 triệu tấn (Ảnh : Tomorrow is Greener)
Lượng phát thải khí nhà kính năm 2013 đã lên tới gần 40 triệu tấn (Ảnh minh họa: Tomorrow is Greener)

Tháng 3 sắp tới, Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ gặp mặt để chốt lại những đề xuất liên quan tới gói năng lượng và khí hậu của EU năm 2030. Theo bà Rachel Cary thuộc Liên minh Xanh (Anh), vấn đề quan trọng ở đây là các nước sẽ đồng ý đặt mục tiêu giảm bao nhiêu khí thải. Con số tham vọng nhất đang nằm trên bàn đàm phán là 45%, song kể cả trong trường hợp con số này được thông qua thì nó cũng không đủ sức thay đổi cả thế giới.

Một nguy cơ lớn hơn, theo bà Cary, là cuộc khủng hoảng về chi phí năng lượng tại EU. “Giá năng lượng ở Mỹ đang khiến chúng tôi mất thế cạnh tranh. Điều này đã làm thay đổi môi trường của các cuộc đàm phán và có lẽ cũng là nguyên nhân khiến một số người trở nên dè dặt hơn với các mục tiêu giảm thải” – bà bình luận.

Trái với bà Cary, ông Alexander Ochs, Giám đốc Khí hậu và Năng lượng thuộc Viện Quan sát Thế giới (WWI), tỏ ra lạc quan hơn. Ông tin rằng nếu chúng ta thực sự nỗ lực, cho dù chỉ ở mức độ quốc gia hay cộng đồng, cũng sẽ tạo ra được những thay đổi đáng kể ngay trong năm nay.

Theo lý giải của ông thì bất đồng thường nảy sinh khi phân chia một chiếc bánh nhỏ, ai cũng muốn nhận phần to về mình. Những bất đồng trong các cuộc đàm phán về khí hậu cũng nảy sinh theo cách tương tự. Và chỉ khi các bên cùng vì lợi ích chung mà lùi một bước mới mong đạt được kết quả cao nhất và có lợi nhất cho con người cũng như cho khí hậu.

Năm 2011 là năm đầu tiên đánh dấu thời kỳ con người đầu tư vào năng lượng bền vững nhiều hơn các dạng năng lượng truyền thống như than, dầu khí, nhiên liệu hạt nhân… Điều đó cho thấy nhận thức về định hướng phát triển của nhiều quốc gia đang thay đổi. Ngay cả những nước phát thải nhiều nhất thế giới như EU, Trung Quốc hay Mỹ cũng đã bắt đầu chú ý tới các giải pháp giảm bớt lượng phát thải, tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn…

Tuy nhiên, để năng lượng tái tạo sớm đi vào cuộc sống, loài người trước hết cần phải giải quyết thỏa đáng bài toán về chi phí, giúp năng lượng tái tạo có đủ sức cạnh tranh với các loại hình năng lượng truyền thống. Còn nếu chúng ta vẫn cứ mở to mắt và không hành động thì chắc chắn tương lai, ta sẽ còn thấy Haiyan cùng nhiều thảm họa kinh hoàng khác xuất hiện ở khắp mọi nơi.