Kẻ mua bán hổ bị thẩm vấn ở Aceh

ThienNhien.Net – Ngày 3-1-2014, Cảnh sát tỉnh Aceh (Indonesia) đã đập tan mạng lưới buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã gồm năm băng nhóm tội phạm thường xuyên săn bắn hổ ở các khu rừng Blangkenjeran, Gayo Lues, Takengon, và Ulu Masen.

Hai đối tượng tình nghi,cư trú tại một thành phố trung tâm tỉnh Aceh, đã bị thẩm vấn khi bị bắt quả tang bán nhiều cá thể động vật hoang dã, trong đó có các cá thể hổ Sumatra nhồi bông và một số cá thể họ mèo quý hiếm, cho một nhà sưu tập. Các đối tượng trên cũng có liên hệ mật thiết với một băng nhóm hoạt động ở Medan.

Lực lượng cảnh sát bắt giữ kẻ bị tình nghi
Lực lượng cảnh sát bắt giữ kẻ bị tình nghi

Các cuộc thẩm vấn được tiến hành tại Takengon, thuộc tỉnh Aceh với sự chỉ đạo của Joko Irwantob, Trưởng ban điều tra tội phạm cảnh sát Aceh và Suhardi Alius, Cục trưởng Cục điều tra tội phạm (Cảnh sát quốc gia Indonesia). Hiệp hội bảo tồn các loài hoang dã (WCS) đóng tại Indonesia cũng tích cực tham gia hỗ trợ các cơ quan thực thi trong việc cung cấp các dữ liệu và tư vấn kỹ thuật phục vụ cho việc điều tra và truy tố tội phạm các loài hoang dã.

Cùng với hổ nhồi bông, cảnh sát Indonesia cũng tịch thu nhiều bộ phận cơ thể của một số loài nguy cấp toàn cầu như gấu chó, beo lửa, báo, sơn dương, tám răng gấu và một số cá thể chim. Joko Irwantob cho biết: “Ngay từ khi bị thẩm vấn, các đối tượng trên chỉ thừa nhận cầm hộ các cá thể động vật hoang dã. Hai đối tượng này đã vi phạm Luật Bảo tồn thiên nhiên và các hệ sinh thái. Hình phạt cao nhất cho hành vi này là năm năm tù giam và nộp phạt 100 triệu Rupi (8.000USD)”.

Ông Joko cũng khẳng định phạm vi điều tra của vụ việc sẽ được mở rộng vì có liên quan đến một số mạng lưới vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Trên thị trường bất hợp pháp, giá một cá thể hổ Sumatra là 80 triệu Rupi (6.400 USD). Đây là chiến công đầu tiên của các lực lượng thực thi tỉnh Aceh trong năm 2014 và khẳng định các nỗ lực của Indonesia trong đấu tranh với tội phạm buôn bán các loài hoang dã.

Joe Walston, Giám đốc điều hành WCS khu vực châu Á cho biết: “Các cuộc điều tra cho thấy nỗ lực của Indonesia không chỉ đấu tranh với tội phạm các loài hoang dã mà còn tập trung bảo vệ các di sản thiên nhiên. WCS hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan thực thi ở cấp độ địa phương, quốc gia và khu vực nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. WCS sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Indonesia ngăn chặn các hành vi phạm các loài hoang dã”.

Năm 2013, tòa án quân sự ở Takengon đã xét xử hai đối tượng buôn lậu về việc sở hữu bất hợp pháp một cá thể hổ Sumatra và một cá thể gấu chó nhồi bông. Đây là sự kết thúc quá trình điều tra và thẩm vấn trong ba tháng của lực lượng cảnh sát Takengon.